Sức hấp dẫn của ẩm thực đang được nhiều địa phương chú trọng, coi như mỏ vàng để hút khách du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy hết tiềm năng, nâng tầm ẩm thực thành sản phẩm du lịch để cạnh tranh với thị trường quốc tế cũng như thu hút nhiều hơn khách quốc tế đến Việt Nam, thì vẫn còn nhiều vấn đề phải làm...
Thế giới liên tục xướng tên ẩm thực Việt
Tripadvisor - nền tảng du lịch lớn với gần 500 triệu lượt người dùng mỗi tháng, hồi đầu năm nay đã công bố giải thưởng lớn nhất trong năm cho các điểm đến, khách sạn, ẩm thực và hoạt động giải trí. Trong hạng mục điểm đến ẩm thực, Hà Nội là cái tên đầu tiên trong danh sách 10 điểm đến được độc giả thế giới bình chọn, vượt qua những thiên đường ẩm thực như Rome (Ý), New Delhi (Ấn Độ), New Orleans (Mỹ)... Trước đó, ẩm thực Hà Nội cũng liên tiếp xuất hiện trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới.
Cũng trong những tháng đầu năm 2024, TPHCM được tạp chí du lịch Anh bình chọn nằm trong top 20 điểm đến có những món ăn ngon nhất thế giới. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng vừa trao chứng nhận cho tỉnh Khánh Hòa với 3 món đặc sản là top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I/2022, đó là nem nướng Ninh Hòa, bún lá cá dầm Ninh Hòa, gỏi cá mai Nha Trang...
Có thể thấy truyền thông quốc tế quan tâm về ẩm thực của Việt Nam ngày càng nhiều. Nhiều du khách quốc tế tới Hà Nội, những món đầu tiên họ muốn thưởng thức chính là bún chả, bún đậu mắm tôm, phở… Còn TPHCM là hủ tiếu, cơm tấm, bánh mỳ, cà phê sữa đá; đến Nha Trang nhất định phải là bún cá, bánh canh chả cá, bánh xèo tôm mực... Và gây thương nhớ nhiều nhất lại là những món ăn Huế bởi hương vị và cách chế biến độc đáo, như tôm chua, bún bò, bánh canh cá lóc, nem lụi, cơm hến. Rồi bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ướt…
Với hàng nghìn món ăn ngon, đặc trưng khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, ẩm thực hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu của ngành du lịch Việt Nam. Nắm bắt lợi thế này, nhiều địa phương rất chú trọng, coi ẩm thực như một sản phẩm đặc biệt để hút khách du lịch. TP Hà Nội đã từng bước khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch như phố ẩm thực Tống Duy Tân; phố ẩm thực Lý Quốc Sư; phố ẩm thực Hồ Hoàn Kiếm...
Tại TPHCM, cùng rất nhiều hoạt động quảng bá ẩm thực, lễ hội ẩm thực “Hương sắc Phương Nam” diễn ra từ 11 - 14/7 với hơn 100 món ăn đa dạng từ bún mắm miền Tây, hủ tiếu Sa Đéc đến bánh xèo rau rừng, chè bà ba... đã tạo ra sức hút đặc biệt với khách du lịch. Có thể nói ngành du lịch rất chú trọng đến ẩm thực, xem đây là yếu tố không thể tách rời của du lịch, góp phần thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu.
Là một trong những điểm đến nổi tiếng, thời gian qua, ngành du lịch Khánh Hòa cũng rất chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực địa phương để hút khách du lịch. Cùng với các phiên chợ ẩm thực về đêm, Khánh Hòa cũng tổ chức các gian hàng ẩm thực tại Liên hoan du lịch biển, Festival biển Nha Trang. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch thì đây là một cách làm hiệu quả, vừa góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực, vừa kích cầu du lịch rất tốt.
Theo ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang, hiện có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25 - 35% thu nhập cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.
Chị Đỗ Ngọc Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị vừa có chuyến du lịch cùng gia đình tại Nha Trang. Trước khi đi, ngoài những địa danh thì chị rất quan tâm đến ẩm thực. “Người ta vẫn ca ngợi về sự dồi dào, phong phú món ngon vật lạ ở xứ Trầm hương. Bạn bè đi du lịch về cũng thường nhắc bún lá cá dầm Ninh Hòa, bánh ướt Diên Khánh hay bánh tráng xoài Cam Lâm, bánh canh hẹ Vạn Giã… Nghe thôi đã muốn được thưởng thức” - chị Hoa chia sẻ.
Cũng theo chị Hoa, một số bạn bè chị ở nước ngoài, trước khi đặt tour du lịch, điều họ quan tâm thứ yếu cũng chính là ẩm thực, ai cũng muốn được một lần thưởng thức các món ăn mà thế giới liên tục xướng tên trên các nền tảng du lịch.
Biến ẩm thực thành lợi thế
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông, Công ty TSTtoursit cho rằng, ẩm thực là một sản phẩm không thể thiếu trong các tour du lịch. Có thể nói đây chính là sứ giả đặc biệt góp phần quảng bá, giới thiệu du lịch, là yếu tố thu hút và níu chân du khách. Trong xu thế phát triển du lịch, ẩm thực không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần mà đã trở thành mục đích của các chuyến đi.
PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Đây chính là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch ẩm thực, biến ẩm thực thành lợi thế thu hút khách.
“Không phải ngành du lịch không biết đến thế mạnh của ẩm thực, mà việc phát huy đang bị cạnh tranh dữ dội, như Thái Lan được mệnh danh là “bếp ăn của thế giới”. Rome (Ý) cũng được ví như thiên đường ẩm thực... Vì vậy, các địa phương cần rất nỗ lực để phát huy thế mạnh của mình. Ở đâu muốn phát triển du lịch thì ở đó phải có sự quan tâm của chính quyền địa phương, và ẩm thực cũng thế. Khi có chủ trương chính sách thì mới có sự đồng hành của doanh nghiệp và các bên liên quan khác” - ông Long chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh, song song với đó, cần tổ chức thường xuyên các lễ hội về ẩm thực để thu hút du khách tìm đến các địa phương, từ đó nâng tầm ẩm thực cho điểm đến.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Tổng Thư ký Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, để nâng tầm giá trị ẩm thực thành sản phẩm du lịch thì cần tạo điểm nhấn trong việc xây dựng, quảng bá tour cũng như món ăn. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm du lịch hiện nay mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách và chủ yếu ở các thành phố lớn. Tại địa phương, đa phần các sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên du khách cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm.
Cùng quan điểm, ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho rằng, văn hóa ẩm thực là một trong những sức hút vô cùng lớn đối du lịch Việt Nam. Tuy nhiên các địa phương còn đang lúng túng trong việc phát huy ẩm thực địa phương. Hàng quán nổi tiếng ở tỉnh nào cũng có nhưng để trở thành một món ăn phổ biến và nổi tiếng trên thế giới thì hiện nay chúng ta vẫn chưa có động thái để thúc đẩy. Đây là một trong những vấn đề rất khó khi muốn phát triển về ẩm thực, chọn ẩm thực để thu hút khách du lịch.
Vì vậy, theo ông Lộc, cần có quy hoạch về ẩm thực vùng miền. Các địa phương sẽ chọn thúc đẩy quảng bá cho thị phần nào. Mạnh về khách nội địa hay khách nước ngoài. Khi đó cần tập trung vào những món ăn có chứng nhận về ẩm thực. Món ăn đó được địa phương công nhận là đặc sản. Cùng với đó, họ phải kể được câu chuyện về món ăn đó.
Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về du lịch, đặc biệt “ẩm thực đường phố” luôn được xếp top đầu. Trung tuần tháng 5/2024, chuyên trang về ẩm thực truyền thống nổi tiếng thế giới TasteAtlas tiếp tục khẳng định nhiều món ngon của Việt Nam xuất hiện trong danh sách những món ăn ngon nhất thế giới như: bánh mỳ, phở, bún chả, nem lụi... Những đánh giá này một lần nữa góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu ẩm thực quốc gia Việt Nam đến với bạn bè năm châu, đó chính là lợi thế để phát triển du lịch trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, xác định văn hóa ẩm thực là dòng văn hóa chủ đạo và là một trong những dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia. Thực tế, ẩm thực Việt đã và đang chứng minh sức hấp dẫn thông qua nhiều giải thưởng, danh hiệu uy tín.