Văn hóa

Sức lay động từ những trang sách

An Nhiên 31/05/2024 09:32

Trong nỗ lực không mệt mỏi “chấn hưng văn hóa đọc”, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, tuy rằng mức độ thành công và sức lan tỏa khác nhau.

Tại buổi trò chuyện chủ đề “Tư duy hội nhập và sáng tạo trong văn hóa đọc” mới đây, diễn giả Trần Thị Mỹ Dung đến từ dự án Văn hóa đọc Việt Nam của tổ chức Cộng đồng sống tử tế và diễn giả Vũ Duy Tùng - cựu quản lý dự án Văn hóa đọc Việt Nam đã trao đổi nhiều kinh nghiệm, cũng không ngoài mục đích cổ vũ văn hóa đọc.

Đáng chú ý khi các diễn giả cho rằng xây dựng thói quen đọc sách giống như kết bạn, cần chất chứ không cần lượng; đọc sách xem như ăn cơm, uống nước vì sự nuôi dưỡng tâm hồn và tinh thần. Có thể đọc sách giấy, nhưng cũng có thể đọc sách điện tử; sử dụng YouTube, Tiktok… để đọc và giới thiệu sách giúp người trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều tác phẩm hay cũng là cách phát triển văn hóa đọc hiện nay.

Mới nhất, ngày 29/5, nhà văn Lý Lan đã trở thành nữ "Hiệp sĩ Dế Mèn" đầu tiên vì những cống hiến cho văn học thiếu nhi xuyên suốt sự nghiệp của mình. Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn đã vào kỳ thứ 5. Trước đó, trải qua 4 mùa giải (từ 2020 - 2023) có 2 nhà văn trở thành Hiệp sĩ Dế Mèn là Nguyễn Nhật Ánh (2020) và Trần Đức Tiến (2023).

Bắt đầu sự nghiệp văn học từ những năm 1980, nhà văn Lý Lan đã xuất bản hàng chục tác phẩm văn học gồm truyện, thơ, tiểu thuyết, tản văn. Tác phẩm “Ngôi nhà trong cỏ” của bà đoạt giải A cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982 - 1984). Tuy nhiên, nhiều người lâu nay vẫn biết đến bà trong vai trò dịch giả của bộ truyện “Harry Potter”.

Muốn hình thành văn hóa đọc thì trước hết phải tạo được thói quen đọc sách cho độ tuổi thiếu niên. Vì thế, việc nhà văn Lý Lan được vinh danh là nữ Hiệp sĩ Dế mèn có giá trị thúc đẩy đối với những người viết cho thiếu nhi nói riêng, văn hóa đọc nói chung. Niềm vui của nhà văn Lý Lan khiến người đọc nhớ lại chúng ta đã từng có một lực lượng viết văn cho thiếu nhi rất hùng hậu - những nhà văn nổi tiếng. Trong đó có Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Xuân Quỳnh, Đoàn Giỏi, Võ Quảng… Có thể họ không phải là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi nhưng khi đã viết thì họ dành hết sự yêu thương, nên những trang văn của họ có sức lay động mãnh liệt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khôi phục lại văn hóa đọc là rất khó khăn, nhất là với giới trẻ khi có quá nhiều bận rộn, sự quan tâm khác nhau, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin. Vì thế, nhiều nhà quản lý văn hóa cho rằng cần xác định đầu tư cho xuất bản và văn hóa đọc là đầu tư vào nguồn lực con người, để đem đến sự thành công, thịnh vượng trong tương lai. Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh, thế giới thông tin tràn ngập thì việc xây dựng văn hóa đọc càng có ý nghĩa sâu sắc.

Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 (ngày 17/4/2024) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thì chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc. Muốn đất nước hùng cường thì phải chăm lo dân trí, phát triển đội ngũ trí thức, mà việc đọc sách có vai trò rất quan trọng đối với từng cá nhân và đối với quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức lay động từ những trang sách