“Muốn thắng lợi thì mỗi người phải dựa vào lực lượng của số đông người, tức là của tập thể, của xã hội. Riêng lẻ từng cá nhân thì nhất định không thắng nổi tự nhiên, không sống còn được” - đó là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết khi nói về đại đoàn kết dân tộc.
Hôm nay (19/5), kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại có dịp ôn lại hệ thống quan điểm của Người về vấn đề đại đoàn kết dân tộc. Đối với Người, đại đoàn kết là nguyên tắc tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng với mục tiêu nhằm đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội, phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân tộc, đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa xã hội.
Nhìn rộng ra, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là sự kế thừa truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc Việt Nam; tư tưởng ấy là chiến lược nhất quán và xuyên suốt để Đảng ta tập hợp lực lượng và là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần đoàn kết cộng đồng của dân tộc chính là cơ sở quan trọng hình thành tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ. Với Người, đại đoàn kết không phải là một chủ trương, một chiến lược xuất phát từ nguyện vọng, từ ý muốn chủ quan của lực lượng lãnh đạo mà là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng do quần chúng nhân dân tiến hành.
Người nhiều lần nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Do đó, phải luôn luôn giữ gìn khối đại đoàn kết - chìa khóa vạn năng đã giúp cho Đảng ta, dân tộc ta vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở đến bến bờ thắng lợi.
Trong cuộc chiến đấu chống “giặc Covid” hiện nay, hơn lúc nào hết tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng cần phải phát huy cao độ. Có những địa phương, khu vực, dịch bùng lên khá mạnh, nhưng nhờ sự đồng sức, đồng lòng của người dân mà chúng ta đã đi qua những mùa dịch một cách yên bình. Mới đây nhất, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích đột xuất trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với 3 tập thể, 4 cá nhân, trong đó có nhân dân và cán bộ huyện Đông Anh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đó là cách làm sáng tạo trong phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Đông Anh: khoanh vùng ổ dịch “3 lớp” tại những nơi bị cách ly, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không ngăn sông cấm chợ, làm đảo lộn đời sống người dân. Nhờ cách làm hiệu quả, nhất là với mô hình cách ly “3 lớp”, đến nay, tình hình dịch trên địa bàn huyện Đông Anh cơ bản đã được kiểm soát. Từ đó huyện tiếp tục nhiệm vụ tổ chức bầu cử bảo đảm an toàn, đúng tiến độ; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Tại hội nghị trực tuyến giữa Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các cơ quan liên quan kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu có sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả; kịp thời phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh, cần thiết xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm, lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thành công của huyện Đông Anh trong phòng chống dịch Covid-19 những ngày qua là ở sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhưng một yếu tố rất quan trọng chính là sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, đặc biệt là nhân dân các thôn, xã chịu ảnh hưởng của giãn cách. Nếu không có sự đoàn kết, đồng lòng ấy có lẽ khó có được sự thành công trong chống dịch. Vì thế, bài học chống dịch của Đông Anh cũng chính là bài học về sự gắn bó mật thiết với nhân dân, đi sâu đi sát, vận động quần chúng nhân dân đoàn kết một lòng trong công tác chống dịch. Đó cũng là sự thể hiện rõ nét việc phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới; không lơ là nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay; thể hiện việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ trong nhận thức cho đến cụ thể hóa trong mọi bước đi, mọi giai đoạn phát triển.