Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc (ngày 24/6), nhưng dư âm của kỳ họp vẫn còn đó. Những vấn đề từ nghị trường đã lan tỏa ra đời sống xã hội.
Rất đáng chú ý tại kỳ họp là những ý kiến của các vị ĐBQH, dù thảo luận - chất vấn trên hội trường hay tại Tổ. Dư luận đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các vị ĐBQH khi nói lên những tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân; yêu cầu có sự trả lời rõ ràng từ những người nhận trách nhiệm trong lĩnh vực mình phụ trách.
Trong số các vị ĐBQH đã tham gia ý kiến, dấu ấn đậm nét tại kỳ họp này có lẽ thuộc về các vị nữ đại biểu. Các vị nữ ĐBQH khi nêu vấn đề đều nắm chắc việc, mềm mại nhưng rõ ràng, mạch lạc.
Chiều 5/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật Nhóm nữ đại ĐBQH Việt Nam khóa XV. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam khóa XV Nguyễn Thúy Anh báo cáo với Tổng Bí thư, trải qua 15 năm (15/5/2008 - 15/5/2023), Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 151 nữ ĐBQH, chiếm 30,26%. Tất cả nữ ĐBQH có trình độ đại học trở lên, trong đó có 79,5% nữ đại biểu có trình độ trên đại học; 30 đại biểu dưới 40 tuổi (chiếm 19,86%). Các nữ ĐBQH có điều kiện hoạt động rất khác nhau, ở các cấp, các ngành, lĩnh vực, nhưng đều giữ vững phẩm chất người đại biểu nhân dân, gần gũi gắn bó với cử tri, nhiệt tình, tâm huyết trong công tác, nỗ lực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, luật pháp...
Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, tinh thần trách nhiệm của các nữ ĐBQH; luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mình, xứng đáng là những phụ nữ ưu tú, đại biểu của nhân dân. Tổng Bí thư lưu ý các nữ ĐBQH cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, hết lòng, hết sức vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân; làm tốt hơn nữa vai trò là người đại biểu của nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân cả nước đã một lần nữa chứng kiến “sức mạnh mềm” của các nữ ĐBQH. Như bà Phạm Khánh Phong Lan (ĐBQH đoàn TPHCM), đã rất thẳng thắn và chân tình khi đóng góp ý kiến về cách tháo gỡ vướng mắc cho ngành Y tế. “Tôi không biết đến bao giờ một ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào là làm sao chỉ tập trung vào chuyên môn, làm sao để khám, chữa bệnh cho nhân dân một cách tốt nhất thành hiện thực. Chứ không phải hàng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả về hành chính lẫn hình sự" - bà Lan nói.
Phát biểu về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn ĐBQH Đà Nẵng) cho rằng không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau, một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xoá bỏ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Chưa dừng tại đó, sáng 1/6, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, bà Thúy tiếp tục nêu vấn đề về sách giáo khoa, với đề nghị phải kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này.
Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy sau đó đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời bằng văn bản gửi đại biểu.
Còn nhiều ý kiến của các nữ ĐBQH khác nữa. Nhưng xin được “chốt” lại bằng ý kiến của bà Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH Điện Biên) khi nói về giá điện. Bà Yên cho biết từ năm 2010 đến nay, Tập Đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Trong các báo cáo, EVN đều khẳng định liên tục thua lỗ. “Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?” - bà Yên đặt vấn đề.