Hiện, tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước đang diễn ra các Hội nghị tiếp xúc cử tri với 870 ứng cử viên đại biểu QH. Hy vọng qua các cuộc tiếp xúc này, người dân sẽ có đầy đủ thông tin về người tài đức để có quyết định đúng đắn với lá phiếu của mình.
Ảnh minh họa.
Vấn đề tuyên truyền thế nào để cử tri hiểu về các ứng cử viên đại diện cho mình để có lựa chọn đúng đắn đang là vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm. Rất nhiều ý kiếu của các chuyên gia cũng như nhà quản lý đưa ra với mong muốn cử tri sẽ “khó tính” hơn, để tạo sức nặng cho những lá phiếu của mình cốt yếu chọn được người xứng đáng nhất.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, GS Nguyễn Minh Thuyết thấy rằng, lâu nay, chúng ta đã tổ chức hội nghị cử tri để ứng cử viên trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Tuy nhiên, còn nặng tính hình thức. Cử tri ít hỏi các nội dung xung quanh chương trình hành động của ứng cử viên, ít hỏi ứng cử viên về các vấn đề chung của đất nước xem nhận thức, quan điểm thế nào… “Mong cử tri khó tính hơn, nêu nhiều câu hỏi cho các ứng cử viên hơn, lựa chọn họ một cách khắt khe hơn; đồng thời, thể hiện đầy đủ hơn trách nhiệm của mình qua lá phiếu. Có vậy thì mới chọn được những đại biểu đáp ứng nguyện vọng của dân và công việc của QH”.
“Cử tri tinh tường lắm. Không cử tri nào bỏ phiếu cho những người vào cơ quan dân cử vì mục đích này nọ đi ngược lợi ích của dân của nước đâu”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh nhận xét, “Cử tri đất nước mình, trong đó có giới trẻ rất quan tâm đến hoạt động bầu cử. Sự quan tâm được thể hiện từ khi giới thiệu ứng cử viên, tiếp xúc cử tri của người ứng cử cho đến khi bầu cử xong. Kể từ cuộc bầu cử QH đầu tiên năm 1946, đã có tới 89% cử tri đi bỏ phiếu trong bối cảnh nhiều người dân không biết chữ, chiến tranh lan rộng và sự phá hoại điên cuồng của các thế lực thù địch. Đến những kỳ bầu cử gần đây, các cuộc bầu cử đều có đến trên dưới 98% tổng số cử tri đi bầu cử, đợt bầu cử có số lượng cử tri cao nhất là 99,6%. Con số này thể hiện ý thức chính trị của người dân nước ta đối với thời cuộc, đất nước”.
Thể hiện nỗi ưu tư vì “thường các cuộc bầu cử của chúng ta tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đó là truyền thống rất tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng có ở nơi này, nơi khác, địa phương này, địa phương khác có hiện tượng đi bầu hộ, bầu thay”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của QH, ông Đỗ Mạnh Hùng nói, “chúng ta đang mong muốn, làm sao để mỗi cử tri có thể trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm công dân của mình. Vì thế công tác tuyên truyền hết sức quan trọng để mỗi cử tri xác định được rằng, lá phiếu của mình sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước của ta do dân, vì dân. Mỗi lá phiếu của cử tri sẽ trực tiếp quyết định vào việc lựa chọn những người có phẩm chất, đạo đức, năng lực như người dân vẫn thường nói có đủ đức, đủ tài để gánh vác công việc chung”.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, ông Nguyễn Quốc An kiến nghị, để hoạt động vận động bầu cử của các ứng cử viên được tốt, nhất là bảo đảm yêu cầu bình đẳng của các ứng cử viên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức bầu cử phải quan tâm đến 2 khía cạnh.
Trước hết, thông tin, truyên truyền đối với các ứng cử viên phải bảo đảm mật độ, thời lượng cơ bản như nhau.
Thứ hai, phải sớm phát hiện và ngăn ngừa những biểu hiện không lành mạnh như: Dùng vật chất, uy tín, uy thế của mình để vận động không đúng pháp luật, thậm chí “mua chuộc” cử tri. Trong những kỳ bầu cử trước đây cũng có tình trạng này, tuy nhiên cử tri rất tinh tường để nhận biết đâu mới là người đại diện thực sự của mình.