Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn vừa khép lại với giải thưởng dành cho 24 tác phẩm xuất sắc, trong đó giải Nhất hạng mục tiểu thuyết trị giá tới 300 triệu đồng. Người ta hy vọng, từ cuộc thi này sẽ mở ra “trang mới” cho sức sống của dòng văn học công nhân, công đoàn trên văn đàn Việt Nam.
Trong nền văn học Việt Nam, mảng đề tài về công nhân, người lao động và công đoàn đã từng là một trong những dòng chảy chính với nhiều tác phẩm của các nhà văn như: Võ Huy Tâm, Xuân Cang, Huy Phương, Lê Phương, Nguyễn Dậu, Nguyễn Hiểu Trường, Võ Khắc Nghiêm, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến…
Tuy nhiên, trong nhiều thập niên gần đây, mảng đề tài này ít nhà văn theo đuổi, và văn học về người công nhân, cho người công nhân rất hiếm tác phẩm hay. Chính bởi thế, Cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, được kỳ vọng sẽ khơi nguồn mạnh mẽ sáng tác văn học về đề tài này trên văn đàn Việt Nam, thúc đẩy và tạo thành phong trào sáng tác văn học và văn hóa đọc rộng khắp hơn nữa trong công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn.
Cuộc thi nhận tác phẩm từ tháng 11/2021 đến ngày 31/8/2023, đã thu hút gần 300 tác giả tham gia. Tác giả dự thi, bên cạnh các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên; còn có nhiều cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và người Việt Nam ở nước ngoài gửi tác phẩm về tham dự. Trong số 498 tác phẩm dự thi, có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết.
Riêng mảng truyện ngắn, các thành viên ban chung khảo nhận xét, các tác giả đề cập góc nhìn đa dạng, phong phú về số phận, cuộc đời và cả chuyện tình yêu, hôn nhân của những người lao động, những công nhân đang làm việc trong nhiều ngành nghề. Bối cảnh được tái hiện trong các tác phẩm sinh động, trải dài trên khắp đất nước, đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, đó có thể là những người công nhân đang sống trên những nông trường cao su ở Tây Nguyên, những công nhân vùng mỏ (Quảng Ninh)...
Xuất thân của các nhân vật cũng đa dạng, phong phú, họ là công nhân ở xưởng dệt, là công nhân may mặc, là công nhân ở các nhà máy trong quá trình chuyển đổi số, là công nhân khai thác than, khoáng sản, là công nhân đóng giày da, là công nhân nhà máy lọc dầu, những người trồng thuốc lá trên núi... Chính sự tươi sáng, lạc quan đã giúp nhiều tác phẩm trong cuộc thi có sức truyền cảm hứng, đơn cử như: “Người giữ giấc mơ”, “Sương mây trên đỉnh Sa Mù”, “Chim di”, “Trầm tích trên da”, “Thu ngân ngành điện”...
Theo nhà văn Y Ban - Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, dù là mảng đề tài khó nhưng hình ảnh của người lao động qua các tác phẩm dự thi rất sinh động và đầy chất liệu cuộc sống. Đặc biệt là những tác phẩm của người lao động. Đó là những trải nghiệm ở xóm trọ, nơi làm việc với những chi tiết, tình tiết đắt giá, sinh động mà ngay cả các nhà văn chuyên nghiệp cũng chưa chắc có được trải nghiệm ấy.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên giám khảo Hội đồng Chung khảo - cho rằng, trong khi đề tài về công nhân, người lao động đang thiếu vắng trên văn đàn Việt Nam nhiều năm trở lại đây thì cuộc thi này đóng vai trò như “đòn bẩy” thúc đẩy để mảng đề tài về công nhân, người lao động giữa biến động thời cuộc, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 được tiếp thêm sức mạnh. Các tác giả có "đất" để cho ra đời những tác phẩm lớn.
Giải Nhất truyện ngắn và tiểu thuyết đều tìm thấy chủ
Có một thực tế diễn ra trong nhiều cuộc thi văn học gần đây đó là khó tìm ra các tác phẩm xứng đáng để trao giải Nhất. Ở nhiều cuộc thi, BTC đã phải để trống giải cao nhất, mà chỉ tìm được những tác phẩm để trao giải Nhì, Ba, Tư… Chính vì thế, mặc dù Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn ngay từ khi phát động đã gây “choáng” với giải Nhất được công bố lên tới 300 triệu đồng cho thể loại tiểu thuyết. Thế nhưng nhiều người vẫn không chắc rằng BTC sẽ tìm được tác phẩm xứng đáng để trao.
Vậy nhưng, rốt cuộc, tại Lễ trao giải Cuộc thi được tổ chức tại Hà Nội mới đây, BTC đã trao giải Nhất cho 2 tác giả ở cả 2 thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Điều đó cho thấy chất lượng tác phẩm dự thi, và sự uy tín của hội đồng giám khảo cũng như BTC cuộc thi.
Cụ thể, tác phẩm đoạt giải cao nhất ở thể loại truyện ngắn là tác phẩm “Con đường của Hạ” tác giả Trịnh Thị Phương Trà (Phú Yên); còn ở thể loại tiểu thuyết là tác phẩm “Hoa xương rồng” của tác giả Nguyễn Trí. 4 tác phẩm giải Nhì; trong đó 2 tác phẩm đoạt giải Nhì ở thể loại truyện ngắn là: “Hệ sinh thái và cánh diều của cha” của tác giả Nguyễn Thị Oanh và “Nước mắt Mặc nưa” của Tống Phước Bảo; 2 tiểu thuyết đoạt giải Nhì là tác phẩm “Phía sau tiếng sóng” tác giả Trương Anh Quốc và “Nhân quả” tác giả Đoàn Hữu Nam. Ngoài ra, BTC trao 3 tác phẩm giải Ba và 12 tác phẩm đạt giải Khuyến khích.
Chia sẻ sau khi đoạt giải thưởng, nhà văn Nguyễn Trí tiết lộ, “Hoa xương rồng” là tác phẩm ông viết về chính cuộc đời mình. Ý tưởng manh nha đã có từ cách đây hơn 20 năm, khi ông bị thôi thúc viết lách. “Đến khi đọc thông tin về cuộc thi, tôi mới lắp ráp, kết nối, xây dựng lại tuyến thời gian, tuyến nhân vật. Mọi thứ chảy trôi, câu chữ cứ thế tràn ra giấy. Tôi viết và hoàn thiện tác phẩm chỉ trong 35 ngày”, nhà văn Nguyễn Trí tâm sự.
Còn tác giả Trịnh Thị Phương Trà với tác phẩm “Con đường của Hạ” cho biết, chị vô cùng hạnh phúc khi đoạt giải Nhất ở mảng truyện ngắn. “Đây sẽ là động lực lớn để tôi tiếp tục sáng tác nhiều hơn nữa về đề tài công nhân, công đoàn trong tương lai”, tác giả Phương Trà nói.
Kỳ vọng vào những người viết trẻ
Đánh giá về Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn, nhà văn Dương Hướng - thành viên Hội đồng Chung khảo - cho rằng, tiểu thuyết là một thể loại khó đòi hỏi bút lực và sự kiên trì của người viết rất cao. Tuy nhiên, 86 tiểu thuyết dự cuộc thi viết về công nhân, công đoàn cho thấy dòng văn học ở mảng này vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều tác giả.
Còn nhà văn Nguyễn Bình Phương - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo - nhận định, trong nhiều thập niên trở lại đây, văn đàn đang thiếu vắng những tác phẩm ấn tượng, xứng tầm về đề tài công nhân, công đoàn giữa biến động không ngừng của thời cuộc. Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng, đề tài về công nhân, người lao động và vai trò, sứ mệnh của công đoàn đang rất thiếu trong văn học Việt Nam đương đại. “Chúng ta cần nhiều hơn nữa những cuộc thi như thế này để làm sống dậy mảng đề tài hay, thấm đẫm thân phận con người, thấm đẫm hơi thở thời đại của văn chương. Từ những cuộc thi lớn sẽ có những tác phẩm lớn bước ra văn đàn” - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói.
Trong khi đó, nhà văn Y Ban - Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo - đánh giá đề tài viết về công nhân, công đoàn rất khó, bởi yêu cầu tính thực tế cao, nếu không có vốn sống, không có kiến thức thực tế, sẽ không thể viết được. “Cuộc thi khép lại không có nghĩa đã kết thúc, mà từ đây, một tương lai mới của dòng chảy văn học về công nhân, công đoàn sẽ mở ra. Tôi cho rằng, cuộc thi đã khơi nguồn sáng tác, tiếp thêm động lực, truyền thêm cảm hứng cho các nhà văn, để sau đây họ sẽ tiếp tục dành thời gian đi thực tế, sống cùng công nhân, công đoàn để viết tiếp. Cũng từ cuộc thi này, những công nhân, cán bộ công đoàn sẽ cầm bút, sẽ bước lên văn đàn Việt Nam để trực tiếp viết về cuộc đời, công việc, về ước mơ, hạnh phúc của họ” - nhà văn Y Ban bày tỏ hy vọng.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thế hệ các nhà văn lớn tuổi đã rất nỗ lực hoàn thành sứ mệnh, trách nhiệm của mình khi viết về hình ảnh người công nhân trong thời kỳ đổi mới, hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước. Để viết về hình ảnh người công nhân, người lao động thời đại công nghệ 4.0 sẽ cần đến những cây viết trẻ. “Đề tài về giai cấp công nhân hiện nay trông chờ vào thế hệ trẻ. Thế hệ nhà văn trước đã viết về hình tượng công nhân trong chiến tranh và giờ đã lớn tuổi, đã có nhiều thành tựu. Những năm qua, chúng ta đã phát hiện nhiều cây bút trẻ viết về công nhân, chủ yếu là từ các địa phương và các xí nghiệp.
Thế hệ các nhà văn đang được trẻ hóa. Độ tuổi nhà văn tiếp cận các đề tài xã hội gai góc, xây dựng hình tượng xã hội mang tính điển hình như công nhân, người lao động... cũng đang trẻ hóa. Nhà văn thế hệ 9X, Gen Z, hay các cây viết trẻ hơn nữa sẽ tiếp bước hành trình của chúng tôi để viết về thời đại mới, về cuộc cách mạng công nghệ, và những người tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là công nhân, người lao động ngày nay. Chúng tôi đã già rồi. Để viết về thời đại công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, sẽ rất cần đến sự vào cuộc của những cây viết trẻ” - nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Tiểu thuyết “Hoa xương rồng” xoay quanh cuộc sống đầy biến động, thăng trầm với những biến cố, va đập vì mưu sinh của các thành viên trong một gia đình. Đó chính là gia đình của tác giả - nhà văn Nguyễn Trí. Ông sinh năm 1956 tại Bình Định, hiện đang sống và viết văn tại Đồng Nai.
Nguyễn Trí từng trải qua những biến cố cuộc đời và làm nhiều nghề khác nhau trong đó có thời gian dạy học. Những vốn sống quý báu đó giúp ông viết báo, truyện ngắn, tiểu thuyết. Năm 2013, Nguyễn Trí được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam về văn xuôi cho tác phẩm “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”.
Đến với văn chương khi tuổi không còn trẻ, nhưng chỉ trong khoảng 10 năm cầm bút, nhà văn Nguyễn Trí đã xuất bản các tập: “Ăn bay”, “Ảo và sợ”, “Bụi đời & thục nữ”, “Mạt cưa - Rượu trắng - Đường vàng”, “Thiên đường ảo vọng”, “Tuổi thơ không có cánh diều”… Nói thêm về tiểu thuyết “Hoa xương rồng” vừa được trao giải Nhất, nhà văn Nguyến Trí tiết lộ: “Nhân vật Năm Thao là tôi, bà Năm Thao là vợ tôi, Hương là con gái tôi... Gia đình tôi đã cùng nhau đi qua biến cố chưa từng có”.