Tin vui đến với Syria ngay đầu năm mới 2025, đó là chính quyền lâm thời nước này đã đưa ra cam kết tạo dựng các mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia Vùng Vịnh và tổ chức Hội nghị đối thoại quốc gia lần đầu tiên.
Kênh truyền hình Alarabiya của Saudi Arabia cho biết đại diện chính quyền lâm thời tại Syria bày tỏ hy vọng nước này có thể tái hòa nhập vào thế giới Arập thông qua việc củng cố mối quan hệ với các nước Vùng Vịnh, đồng thời kêu gọi Kuwait mở lại Đại sứ quán tại Damascus và sớm nối lại quan hệ ngoại giao song phương.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kuwait Al-Yahya nhấn mạnh sự ủng hộ của các quốc gia Vùng Vịnh (GCC) đối với sự toàn vẹn lãn thổ của Syria; khẳng định GCC cam kết hỗ trợ người dân Syria, kêu gọi quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Syria và cho rằng đó là điều cần thiết để đảm bảo sự ổn định lâu dài của khu vực.
Trong một diễn biến quan trọng khác, thủ lĩnh lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhà lãnh đạo trên thực tế của Syria, ông Ahmad Al Sharaa, cho biết các cuộc bầu cử ở Syria có thể mất tới 4 năm, trong khi việc soạn thảo Hiến pháp mới có thể mất 3 năm, điều đó có nghĩa là chính quyền lâm thời có thể sẽ kéo dài. Tuy nhiên, ông Mohammad Khaled, đại diện về các vấn đề chính trị của HTS nói với tờ The National rằng Hội nghị đối thoại quốc gia sẽ được tổ chức tại Damascus vào ngày 4 và 5/1 này. Hội nghị có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu đến từ mọi tỉnh, thành phố của Syria đại diện cho các đảng phái chính trị trên toàn quốc. Đáng chú ý là khoảng 1.200 người Syria sẽ tham dự sự kiện với tư cách cá nhân thay vì là đại diện của bất kỳ tổ chức nào.
Hội nghị “là cuộc tụ họp toàn quốc đầu tiên của các nhóm chính trị và giáo phái khác nhau của Syria sau 13 năm nội chiến. Nó cũng sẽ đóng vai trò là một bài kiểm tra quan trọng xem liệu chính quyền mới có thể thực hiện lời hứa đoàn kết đất nước trong kỷ nguyên hậu al-Assad hay không” - ông Khaled nói và cho biết thêm những người tham gia hội nghị sẽ thảo luận về một loạt các quyết định liên quan đến giai đoạn chuyển tiếp trong 3 đến 4 năm tới, chẳng hạn như thành lập một Ủy ban Hiến pháp, soạn thảo một tuyên bố Hiến pháp và đưa ra trưng cầu dân ý.
“Chúng tôi hy vọng hội nghị sẽ đưa ra một loạt các quyết định quan trọng để xác định tương lai của Syria, trong đó có việc tái thiết các lực lượng quân sự và an ninh. Cùng đó, một cơ quan cố vấn có thể được thành lập để hỗ trợ một Tổng thống lâm thời và hỗ trợ cơ quan hành pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình” - ông Khaled nói và cho biết chính phủ lâm thời đã bổ nhiệm bà Maysaa Sabine vào vai trò người đứng đầu ngân hàng trung ương. Bà Sabine trước đây là Phó Chủ tịch ngân hàng dưới chính quyền cũ trở thành người đứng đầu tổ chức này “cho thấy sự hòa giải và thiện chí”.
Sự kiện Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phe đối lập lật đổ, một mặt được cho là có thể chấm dứt tình trạng rối ren xung đột kéo dài, nhưng mặt khác cũng đẩy quốc gia Trung Đông này tới một tương lai bất định.
Giáo sư Nir Boms - Chủ tịch Diễn đàn Nghiên cứu Syria, thuộc Trung tâm Moshe Dayan về Trung Đông và châu Phi của Đại học Tel Aviv (Israel) cho rằng tương lai của Syria là một trong những câu hỏi phức tạp nhất trong bối cảnh khu vực Trung Đông hiện nay. Việc xây dựng một nhà nước Syria hòa bình, ổn định và phát triển có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự ổn định nội bộ, quan hệ khu vực và “những quốc gia có quyền lợi liên quan ngoài Trung Đông”.
Giáo sư Boms nhận định: “Syria đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Trước mắt có hai khả năng, một là Syria sẽ xây dựng mô hình quốc gia tôn trọng các nhóm sắc tộc, hai là sẽ quay lại tình trạng xung đột nội bộ”.
Hơn một thập kỷ xung đột đã khiến gần 30% dân số Syria phải tị nạn ra nước ngoài. Đặc biệt, tương quan giữa người theo dòng Hồi giáo Sunni và Shiite tại Syria có sự biến đổi sâu sắc. Trước xung đột, Syria là một quốc gia với khoảng 23 triệu dân, trong đó người Alawite - một nhánh của dòng Hồi giáo Shiite chiếm 12% dân số, đóng vai trò là lực lượng chính điều hành đất nước, trong khi người Sunni lại chiếm đa số. Hiện người Sunni quay lại kiểm soát chính quyền, khiến các nhóm thiểu số như người Alawite và người Kurd cảm thấy lo ngại không còn được bảo vệ như trước đây.
Ngoài ra, một số khu vực từng do quân đội chính phủ Syria kiểm soát hiện chưa có lực lượng nào quản lý rõ ràng, dẫn đến tình trạng hỗn loạn và tranh giành quyền lực giữa các nhóm vũ trang; cùng đó việc chính quyền của ông Assad bị lật đổ cũng tạo ra làn sóng người tị nạn trở về nước, đặt ra thách thức lớn cho công tác tái thiết và ổn định xã hội.
Giới quan sát chính trị Trung Đông cho rằng, mô hình quốc gia lý tưởng cho Syria là chia sẻ quyền lực và hòa nhập. Mô hình này cần tôn trọng quyền của các nhóm sắc tộc, tôn giáo và phụ nữ; tạo lập một chính phủ đại diện, hòa nhập và cân bằng quyền lực giữa các nhóm. Chính phủ Syria cần đại diện cho tất cả các nhóm khác nhau. Sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm sẽ giúp tránh xung đột sắc tộc và đảm bảo công bằng trong việc phân phối tài nguyên và quyền lợi. Chính quyền trung ương cần mạnh nhưng không áp đảo quyền tự quyết của các khu vực.
Về đối ngoại, việc Syria xây dựng được nền hòa bình với các nước láng giềng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Hòa nhập và cởi mở, Syria sẽ được các quốc gia trong khu vực, bao gồm Liên đoàn Arập, chào đón trở lại cộng đồng quốc tế. Syria cần sự giúp đỡ để tái thiết, nhưng các nhà đầu tư quốc tế sẽ chỉ tham gia nếu họ tin rằng những gì được xây dựng sẽ không bị phá hủy một lần nữa.
Có thể thấy tương lai của Syria là một bài toán khó và lời giải phụ thuộc không chỉ vào nỗ lực của chính quốc gia Trung Đông này mà cả sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế. Chính vì thế Hội nghị đối thoại quốc gia đầu tiên của Syria đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Quyền Bộ trưởng Thương mại nội địa Syria Maher Khalil al-Hassan cho biết chính quyền lâm thời ở nước này có kho dự trữ chiến lược gồm các mặt hàng thiết yếu đủ dùng trong 5-6 tháng tới. Phát biểu trên kênh truyền hình Al Arabiya, ông Hassan tiết lộ chính quyền lâm thời ở Syria có kế hoạch sửa đổi các quy định và giảm thuế nhập khẩu để khôi phục thị trường nội địa. Cùng đó, đang xem xét một loạt cải cách, bao gồm tăng lương tới 400% và loại bỏ sự trợ giá của chính phủ đối với một số hàng hóa chiến lược nhằm tự do hóa nền kinh tế và hạn chế tình trạng trục lợi. Trong khi đó, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, IMF đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến ở Syria và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giúp tái thiết Syria khi cần thiết và khi điều kiện cho phép.