Những nhà báo đặt chân đến vùng biển Hoàng Sa được cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư coi như đồng nghiệp. Chúng tôi nghiễm nhiên trở thành “chiến sĩ” cầm bút, trở thành cây cầu nối giữa đất liền với nơi tiền tiêu xa khơi. Đó là câu chuyện xảy ra vào mùa hè nắng gắt cách đây 6 năm về trước. Gần chục ngày trời cùng ăn, ở, làm việc trên con tàu Cảnh sát biển 8001, rồi cũng đến lúc các “chiến sĩ” cầm bút phải rời xa Hoàng Sa máu thịt của Tổ quốc. Cảm giác tiếc nuối, bịn rịn, ánh mắt đỏ hoe... sẽ mãi không phai mờ trong tâm trí tôi.
Những chiến sĩ cầm bút đến với vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Thao thức xuyên đêm
Nhận được “lệnh” của toà soạn cử đi công tác Hoàng Sa, tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện và vinh dự. Trên chuyến xe lửa lầm lũi xuyên màn đêm, tôi nghĩ miên man tới những ngày lênh đênh nơi biển cả. Cầu mong mình đừng say sóng. Nhưng vừa bước chân xuống sân ga Đà Nẵng, tôi hụt hẫng khi bị “dội gáo nước lạnh” rằng: “Em ơi, chuyến đi tạm hoãn em nhé!”. “Hoãn tới bao giờ anh?” “Cái này anh cũng chịu, không biết tới hôm nào em ạ. Có gì mới anh sẽ thông báo ngay”. Được các anh, chị đồng nghiệp phân tích, tôi ở lại đợi chờ trong hồi hộp, hy vọng chuyến đi sẽ sớm diễn ra. Tới 15 giờ 30 phút ngày 25/5/2014, điện thoại đổ chuông. Đúng số của Cảnh sát biển rồi, tôi hồi hộp nghe máy. “Ngày mai, 17 giờ có mặt tại cảng Tiên Sa em nhé”. Niềm vui vỡ oà, tôi cùng nhiều đồng nghiệp khác cả trong nước và quốc tế sẽ được đến Hoàng Sa.
17h rồi mà trời miền Trung vẫn nắng chang chang. Anh đồng nghiệp đưa tôi đến cảng Tiên Sa và dặn dò những điều cần thiết. Việc làm thủ tục kết thúc, tất cả đoàn nhà báo cùng lên con tàu Cảnh sát biển 2013. 20 giờ ngày 26/5/2014, tàu trực chỉ Hoàng Sa thẳng tiến. Tôi nhận thấy, trên gương mặt mọi người đều biểu lộ cảm giác bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi mong đợi thời gian trôi thật nhanh để sớm có mặt tại Hoàng Sa, vùng biển thiêng liêng được cha ông ta mở mang gìn giữ từ nghìn đời nay. Con tàu cảnh sát biển 2013 trở nên chật chội hơn bao giờ hết, nhưng anh em phóng viên đều chia sẻ nhau từng chỗ nằm. Những chiếc giường đơn tiêu chuẩn của các cán bộ, chiến sĩ giờ được nhường lại cho những người cầm bút tá túc qua đêm, mỗi giường xếp hai người.
Tôi và nhà báo Trần Thanh Tường - Trưởng Ban Kinh tế - xã hội báo Đại Đoàn Kết trải chiếc chiếu đơn xuống sàn tàu, hai anh em nằm chung. Trằn trọc mãi không sao ngủ được, cứ nghĩ về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Bốn nghìn năm, lớp lớp thế hệ cha ông dù phải hi sinh gian khổ nhưng chưa bao giờ khuất phục trước kẻ thù, ngoại bang dù chúng có hung bạo đến đâu. Tôi nghĩ, sự kiên cường, đoàn kết của toàn dân tộc, những người con mang dòng máu Việt là sức mạnh vô song sẽ chiến thắng trước mọi hành động phi nghĩa.
Tình thân như ruột thịt
Đoàn nhà báo ra tới Hoàng Sa vào trưa 27/5/2014. Chính trị viên tàu Cảnh sát biển 2013 thông báo cho từng nhóm ăn cơm để “chuyển nhà”- tức là chia tốp sang các tàu khác thực hiện tác nghiệp tại hiện trường. Trước mắt tôi, mênh mông biển trời, nước biển xanh màu ngọc bích, ánh lên trong màu nắng tưởng như rất thơ mộng nhưng không khí nơi này lại đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Phía xa xa, khối giàn khoan Hải Dương 981 khổng lồ mọc lên ngay giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nơi đó chính là mục tiêu chúng ta đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, sự vẹn toàn lãnh thổ, cương vực quốc gia. Tôi được phân về tác nghiệp trên con tàu Cảnh sát biển 8001. Bước chân lên tàu, được các cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình giúp đỡ trung chuyển đồ đạc, cảm giác thật ấm cúng và gần gũi hơn bao giờ hết. Các chiến sĩ xuống tận cầu thang phụ giúp đưa hành lý, phương tiện tác nghiệp của anh em phóng viên lên tàu.
Sau khi ổn định việc sắp xếp chỗ ở, chúng tôi dự cuộc họp ngắn với Phó Chính ủy vùng Cảnh sát biển 3 - thượng tá Nguyễn Nghiêm Long và Chính trị viên - đại úy Bùi Mạnh Hùng. Thượng tá Long mở lời: “Ra đây rồi, mỗi người một việc nhưng anh em coi nhau như ruột thịt trong nhà. Các phóng viên cứ tác nghiệp và phản ánh đúng thực tế tại hiện trường. Ngoài ba bữa chính, anh em đói bụng, mì tôm sẵn trong tủ, có thể chủ động pha ăn bất cứ lúc nào”. Những tình cảm đó khiến những người cầm bút thấy như đang sống trong một gia đình. Chúng tôi chính thức ra thực địa, qua đó mới thấu hiểu sự vất vả, đối diện với hiểm nguy của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư vì trách nhiệm, nghĩa vụ, vì tình yêu Tổ quốc.
Phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Hoàng Sa tháng 5/2014.
Cán bộ, chiến sĩ phải thay nhau đảm nhiệm những phần việc trọng yếu, không chủ quan trước sự gây hấn của các tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương 981, của từng tốp máy bay tiêm kích cứ lượn đi, lượn lại trên bầu trời. Chúng tôi tác nghiệp, ghi chép, chụp ảnh về những gì đang diễn ra…
Thời gian thoi đưa, gần 10 ngày trôi qua nhanh chóng. Có thông tin, các phóng viên rục rịch chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc, tư trang trở về đất liền. Tôi thấy hụt hẫng, bữa cơm chiều 2/6/2014 diễn ra lúc 18 giờ, tuy chưa biết khi nào về đất liền nhưng nét mặt gần chục phóng viên cũng như các cán bộ, chiến sĩ trên tàu Cảnh sát biển 8001, ai cũng trĩu buồn. Bữa cơm hôm đó, thời gian ăn kéo dài hơn thường lệ. Mọi người lấy số điện thoại của nhau để khi về đất liền sẽ liên lạc. Đến khoảng 19 giờ, đoàn phóng viên nhận được thông báo chính thức sẽ về đất liền ngay trong đêm. “Sao nhanh đến vậy nhỉ! Phải xa Hoàng Sa thật rồi, biết ngày nào mới được quay trở lại nơi này thêm lần nữa?”.
Đoàn nhà báo rời Hoàng Sa còn các cán bộ, chiến sĩ tiếp tục ở lại nơi biển cả xa khơi vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tôi nhớ mãi, trước khi “chuyển nhà”, đại uý Ngô Vĩnh Hoà - thủy thủ trưởng tàu CSB 8001 đưa cho chiếc mũ nhựa cứng và đôi dép nhựa. Anh nói: “Lên xuống tàu nguy hiểm lắm, em đội mũ này để nếu có va đập sẽ bảo vệ cái đầu, còn đôi dép giúp em bước chắc chắn, không sợ trượt ngã”. Xuống cầu thang, rời con tàu 8001, Phó Chính ủy Vùng cảnh sát biển 3, thượng tá Nguyễn Nghiêm Long còn ấn tay vào đầu tôi biểu lộ tình cảm quý mến. Tôi ngước mắt lên, ánh mắt của người cầm bút và người cầm súng gặp nhau trong khoảng khắc đặc biệt, bịn rịn quá.
5 năm trôi qua, khi ngồi viết những dòng này, tôi thấy nhớ thượng tá Long, nhớ đại úy Hòa, nhớ ước mơ của chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Đăng Kiên khi ấy, rằng: “Em mong sao sau khi hết thời gian nghĩa vụ sẽ được ở lại phục vụ lâu dài trong lực lượng cảnh sát biển”. Tôi tin, giờ Kiên đã đạt được nguyện vọng của mình. Nhớ gương mặt hiền hậu của Duy, Hải… Chúc các anh luôn mạnh khỏe, vững tin và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.