Khi còn là kỹ sư, ước mơ của họa sĩ Tào Linh là được vẽ. Chuyên tâm vào việc biến ước mơ thành hiện thực, anh đã ghi dấu ấn riêng trong mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tào Linh vừa trưng bày 40 bức tranh về mèo mang tên “Happy Cats”. Anh quan niệm, trong vòng tuần hoàn của trời đất thì mùa xuân được coi là sự khởi đầu. Mùa xuân là dịp nhìn lại mình, đánh giá những điều đã làm được và chuẩn bị cho những dự định trong năm mới.
Nghệ thuật, là sự vô tư khi nghĩ tới mục đích, tận hiến khi sáng tạo, và buông khi đã hoàn thành xong một tác phẩm. Với anh, sáng tạo nghệ thuật có giống như cách sống của anh ngoài đời?
- Tôi vẫn cho rằng, nghệ thuật, trước hết là vấn đề cá nhân, tôi vẽ là do nhu cầu tự thân. Tôi vẽ vì tôi thích vẽ, hành động vẽ mang lại cho tôi niềm vui. Chừng nào tôi còn thích, còn vui thì tôi còn vẽ. Không biết như vậy có phải là “sự vô tư khi nghĩ tới mục đích” không. Nhưng quả thực, tôi không nghĩ thế nào là sự “tận hiến khi sáng tạo”, có thể điều đó quá to tát đối với tạng tính của tôi chăng.
Nhưng đúng, sau khi hoàn thành một tác phẩm là “buông”. Sau đó, tác phẩm có một đời sống khác, không còn phụ thuộc vào cá nhân tác giả nữa. Nói vậy không phải là mình không nhìn lại, ngắm lại tác phẩm hoặc không quan tâm người xem, cảm xúc của họ mà ngược lại, sự nhìn lại, đo lường cảm xúc của người xem với con mắt khách quan hơn là cách tôi trau dồi thẩm mỹ cá nhân, tránh sự sao chép chính bản thân mình. Tôi vẫn cho rằng, bản thân một tác phẩm hội họa là một trải nghiệm thị giác, nó chỉ có duy nhất một công năng là khơi gợi cảm xúc của người xem.
Ngay khi chọn đề tài, anh lại đi theo cách thức dùng đường nét, màu sắc, hay bố cục để bày tỏ ý niệm cảm giác bên trong. Vì thế, tranh anh tưởng vẽ thật mà lại rất trừu tượng?
- Đường nét, màu sắc và bố cục là những thành tố hẳn phải có trong bất kỳ tác phẩm hội họa giá vẽ nào, thứ mà tôi đang thực hành. Sự kết hợp những yếu tố đó bởi cá tính sáng tạo của nghệ sĩ để biểu hiện ý niệm bên trong, hoặc như tôi nói trên đây là biểu hiện cảm xúc cá nhân của tác giả. Tranh của tôi gần với biểu hiện trừu tượng hơn. Bản thân tôi thích dùng ẩn dụ, thích sự phi lý khi thể hiện cảm xúc ở trên tranh. Cái ẩn dụ của những mảng trống trên tranh hay cái phi lý, cái bất thường của bố cục có khi gây hiệu quả thị giác với người xem hơn.
Anh có ngạc nhiên khi vẽ cho chính mình thì tranh của anh lại được ưa thích?
- Cho đến giờ, tôi vẫn coi vẽ, trước hết, là một thú vui. Vậy thì cứ vẽ như mình muốn, như mình là mình. Vì vậy tôi không sao chép, không nhân bản chính mình. Người xem có đón nhận, có hứng thú với tác phẩm của mình hay không lại là việc khác, đó là việc đến sau.
Bây giờ có nhiều người vẽ, mỗi người một phong cách, bút pháp khác nhau, thẩm mỹ khác nhau vì nghệ thuật là vấn đề tuyệt đối cá nhân. Cái gọi là thị trường cũng vậy, là tập hợp rất nhiều cá nhân. Tính đa dạng thẩm mỹ của quần chúng đảm bảo cho ai thích hội họa cũng tìm thấy cho mình một tác giả, một tác phẩm phù hợp với cảm xúc cá nhân của mình hay không gian sinh hoạt của mình. Có người nói thích tranh của tôi vì tranh của tôi khiến họ suy nghĩ.
Theo anh, sự đồng cảm từ người mua tranh và mong muốn sở hữu nó bắt đầu từ những điều gì?
- Có người đã nói, “văn là người”, ta cũng có thể nói “tranh là người”. Trong đời sống, ta có thể gặp gỡ rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng có thể hoặc muốn kết giao. Con người có xu hướng muốn kết bạn với những người sẽ mang lại cho họ cảm xúc tích cực. Với tác phẩm hội họa cũng vậy. Mong muốn sở hữu một bức tranh cũng xuất phát từ việc bức tranh đó có gợi cho bạn một cảm xúc nào không, cảm xúc đó có phù hợp với bạn không?
Mỗi bức tranh anh vẽ là sự quan sát cảm nhận và màu sắc biểu cảm, cũng chỉ nói về cái đẹp tinh thần, thông qua chủ thể?
- Với tôi, vẽ là cách tôi biểu hiện cảm xúc, bức tranh là sản phẩm của sự biểu hiện đó. Bức tranh, như thể là biểu hiện tinh thần của tôi. Tôi là chủ thể của tinh thần đó.
Sáng tác từ cảm giác bên trong, với tư duy cá nhân, qua thể loại biểu hiện. Đi sâu vào nội tâm như vậy, mối quan hệ của anh với các đồng nghiệp ra sao?
- Tư duy cá nhân có thể coi là đặc thù của những người sáng tác, đặc biệt là trong hội họa. Trong khi việc quan tâm đến người khác, quan tâm đến đồng nghiệp lại thuộc về phẩm chất của một con người nói chung. Nói đến phẩm chất này thì tôi phải thú thực, tôi thuộc tạng người không có quan hệ rộng, kể cả trong giới văn nghệ. Tôi dành thời gian chăm chút công việc của mình nhiều hơn là để phát triển các mối quan hệ.
Thực tế là tôi thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp muộn. Triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi vào năm 2014 được coi là cột mốc của quá trình này. Khi đó, các họa sĩ lứa tuổi tôi nhiều người đã thành danh, đã có tiếng trong và ngoài nước. Nhưng chính điều đó lại cho tôi có cơ hội được sinh hoạt, gặp gỡ các họa sĩ trẻ qua câu chuyện, qua các cuộc trưng bày, các triển lãm của nhóm các họa sĩ “emerging” - đang lên.
Sinh hoạt của tôi đầu tiên là với nhóm G39 của họa sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn của tôi và sau này là nhóm Đa diện. Sinh hoạt chung của hai nhóm này chủ yếu là các cuộc triển lãm nhóm. Trong các nhóm đó, đôi khi được coi là người phụ trách vì tôi thuộc loại già, nhiều tuổi nhất. Nhưng với việc được tiếp xúc với người trẻ, giàu sức lao động và sáng tạo, tôi học thêm được nhiều điều. Trong nhóm, mỗi người có phong cách, thẩm mỹ khác nhau, nhưng quan trọng nhất với việc sinh hoạt nhóm là sự tôn trọng lẫn nhau trong khi vẫn phải giữ được cái tôi sáng tạo của mình.
Là một họa sĩ, anh thể hiện sự yêu thương vào các tác phẩm để truyền tải tới công chúng như thế nào?
- Tinh thần yêu thương chân thành của nghệ sĩ thể hiện trong chính tác phẩm mà họ cống hiến cho đời sống, cho xã hội. Như tôi vừa nói, bức tranh chỉ có mỗi một công năng là truyền tải một cảm xúc, từ tác giả đến người xem. Cảm xúc đẹp, tác phẩm đẹp cũng chính là sự yêu thương chân thành mà nghệ sĩ có thể trao đi.
Xin cảm ơn anh!