Một trong những vấn đề được các thành phố quan tâm đó là việc thu gom và tái chế rác thải sinh hoạt, xây dựng. Đặc biệt là khi trong quá trình hình thành đại đô thị, tốc độ tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tạo ra càng nhiều rác thải khiến thành phố quá tải vì lượng rác thải cần thu gom.
Mỗi ngày, các đơn vị dịch vụ môi trường của thành phố Hà Nội phải thu gom gần 10.000 tấn rác và chuyển đến bãi chôn lấp vốn đã bão hòa với những tác động tiêu cực rất lớn đến môi trường và sức khỏe của người dân sinh sống gần kề hệ thống thu gom này.
Theo nghiên cứu của bà Sylvie Fanchette, Giám đốc nghiên cứu thuộc đơn vị nghiên cứu Cessma Paris/IRD (Viện Nghiên cứu vì sự phát triển), được công bố trong tọa đàm “Thu gom và tái chế rác thải tại Hà Nội. Những chủ thể, địa bàn và các nhóm vật liệu”, hiện nay, ở khu vực ven đô, tỷ lệ thu gom đạt 89%, trong khi con số này ở khu vực nông thôn chỉ đạt xấp xỉ 70%, tỷ lệ rác thải bị đốt hoặc đổ ra môi trường tự nhiên còn cao.
Hiện nay, theo Luật Bảo vệ môi trường, liên quan tới quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR), nhà nhập khẩu cần có trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm bao bì nhập khẩu sau khi sử dụng; và trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải khó thu thập, khó phân hủy, chứa chất độc hại. Sáu nhóm hàng cần thực hiện thu gom và xử lý rác thải gồm: bao bì, săm lốp, pin, acquy, sản phẩm điện tử, phương tiện giao thông. Tỷ lệ tái chế bắt buộc sẽ là tỷ lệ nhỏ nhất/số cân nặng. Hiện các doanh nghiệp có bốn cách để thực hiện tái chế gồm: tự thực hiện tái chế; ủy quyền cho bên thứ ba, thường gọi là tổ chức tái chế sản xuất (PRO); đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường; và phối hợp giữa ba cách trên.
Bà Sylvie Fanchette chỉ ra rằng, các đơn vị thu gom chính thức của nhà nước và tư nhân không thể thiết lập hệ thống phân loại rác thải tại nguồn hoặc sau khi thu gom và tái chế. Mặt khác, kể từ năm 2015 Việt Nam đứng thứ tư trong số các quốc gia có rác thải nhựa đổ ra đại dương nhiều nhất. Điều này khiến chính quyền các cấp đưa ra cảnh báo và tìm giải pháp thu gom những vật liệu này tốt hơn song chưa thực sự triển khai các hệ thống giảm thiểu chất thải tại nguồn.
Chính quyền nhiều địa phương đang kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nhằm hướng tới mục tiêu chính sách “không dùng đồ nhựa” trong tương lai gần hoặc tăng cường năng lực tái chế cũng như thu gom. Nhiều chính sách nhằm cải thiện việc thu gom và quản lý chất thải đang được thực hiện trong đó có các giải pháp cải thiện phân loại tại nguồn, một số khác hướng tới xử lý chất thải như đốt, chôn. Tuy nhiên ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, rất ít địa phương ở Việt Nam công nhận kết quả của hệ thống thu gom và tái chế chất thải do khu vực phi chính thức đảm nhận.
Từ nhiều thập niên qua, một hệ thống thu gom chọn lọc và tái chế rác thải (nhựa, kim loại, giấy và bìa cứng) rất sáng tạo được tổ chức bởi các cá nhân, chủ yếu là phụ nữ gốc nông thôn, đã thu gom khoảng 20% lượng rác thải của thành phố, sau đó chuyển đến tái chế tại các làng nghề. Phần lớn hệ thống này không được chính quyền công nhận nhưng được chấp nhận, những doanh nghiệp gia đình và không chính thức này thực hiện hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật và tạo ra nhiều việc làm.
Hệ thống này bao gồm những người thu gom phế liệu từ các hộ gia đình, cửa hàng, nhà hàng hay các công trường, theo cách gọi dân dã là “đồng nát”. Những người này sau khi thu mua những phế liệu có thể tái chế được như nhựa, kim loại, giấy, bìa cứng đã đem chúng đến các bãi tập kết phế liệu. Sau đó, qua nhiều trung gian, các bãi tập kết này sẽ chuyển tới các làng nghề tái chế phế liệu. Có thể kể đến như các làng nghề Từ Sơn, Mẫn Xá, Phù Xá, Đại Bái chuyên tái chế kim loại; làng nghề Châm Khê, Đào Xá, Dương Ổ chuyên tái chế giấy; làng nghề Xà Cầu, Minh Khai chuyên tái chế nhựa…
Theo số liệu của JEAI và Sylvie Fanchette, Hà Nội có tổng cộng 1.115 bãi tập kết phế thải, khoảng 10.000 - 20.000 người làm đồng nát và trong lĩnh vực tái chế rác thải tại các làng nghề. Đây là một con số tương đối lớn.
Hiện nay, có bốn nguồn cung cấp chính cho những công ty, làng nghề tái chế phế liệu, nguồn thứ nhất, là từ những người đồng nát, thu gom rác thải từ người dân, công trường, văn phòng, doanh nghiệp, nhưng số lượng không lớn, chỉ khoảng 2 tấn/ngày, và chất lượng không đồng đều. Nguồn thứ 2, và là nguồn chính, đó là từ các khu công nghiệp, công ty vệ sinh môi trường, khi các công ty trong khu công nghiệp thải loại hàng nghìn sản phẩm/bao bì lỗi, không đạt chất lượng, còn các công ty vệ sinh môi trường có lượng thu gom lớn, đây là nguồn phế thải tái chế chất lượng cao với nguồn cung ổn định cho các làng nghề. Ngoài ra, nguồn cung phế thải tái chế còn đến từ nguồn nhập khẩu và nguồn thu gom từ bãi rác Nam Sơn – bãi rác lớn nhất của Hà Nội.
Theo nghiên cứu của bà Sylvie, hệ thống này đáp ứng 3 nhu cầu kinh tế xã hội và môi trường mà các địa phương hiện không thể cung cấp giải pháp. Vì vậy, dù nó chỉ có tính hợp pháp tạm thời và bất thành văn, nhưng chính quyền TP Hà Nội cần những người thu gom, buôn bán và tái chế rác thải tại các vùng ngoại vi Hà Nội nhằm thu hồi 20% lượng rác thải sinh hoạt có thể tái chế mà người dân thải ra. Điều này giúp nguồn rác thải có thể tái chế này không bị đưa đến các bãi chôn lấp vốn đã bão hòa và giúp cung cấp nguyên liệu tái chế cho các doanh nghiệp sản xuất thủ công có nhu cầu về nguyên liệu thô thứ cấp ít tốn kém hơn nguyên liệu thô nguyên khai.
Trong khi các nhà máy trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày càng tạo ra nhiều chất thải như bao bì phế phẩm và phế liệu, nếu không có hệ thống thu gom mà thải ra môi trường thì những rác thải này sẽ góp phần gây ô nhiễm môi trường và đe dọa đa dạng sinh học. Ngoài ra, hệ thống cũng giúp cung cấp việc làm cho những nông dân bị thu hồi đất phục vụ cho các dự án đô thị lớn hoặc thanh niên nông thôn thất nghiệp đang tìm kiếm công việc có thu nhập tốt và linh hoạt. Như vậy ở cấp độ kinh tế vĩ mô hệ thống thu gom và tái chế tạo ra hàng chục ngàn việc làm ở Hà Nội.
Bà Chu Kim Đức, nhà đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think playgrounds cho biết, có rất nhiều ứng dụng từ các nguồn tái chế và xử lý rác thải. Dựa trên câu chuyện thực tế mà Think playgrounds đã trải qua, khi được địa phương bàn giao xử lý bãi rác thải ở bãi giữa Sông Hồng, cùng với GreenHub, ngoài những phần rác thải tái chế được, phần rác thải còn lại được công ty lựa chọn chôn dưới lòng đất. Việc này vừa giúp xử lý rác thải, vừa giúp giải quyết vấn đề sụt, lún, sạt lở của phần đất ven sông, mà phần đất phù sa đào lên được trong quá trình chôn lấp đó sẽ được tái sử dụng để trồng cây nhờ nguồn dinh dưỡng dồi dào. Phần mặt đất sau đó được cải tạo lại làm sân chơi cộng đồng. Ngoài ra, ngay tại đó, công ty cũng thiết kế sân chơi trẻ em từ rác thải tái chế, như sử dụng lốp xe cũ, các tấm nhựa tái chế và đồng, gang tái chế cho các cơ sở hạ tầng tại sân chơi. Như vậy, có rất nhiều ứng dụng từ rác thải tái chế.
Bên cạnh đó, có thể kể đến những biện pháp cá nhân hơn, như việc ủ hoai các loại rác hữu cơ để làm phân bón cho cây. Hay việc sử dụng lá cây che phủ đất trồng, điều này giúp đất giữ được độ ẩm trong thời tiết hanh khô vào mùa đông, giúp các vi sinh vật phát triển, và khi lá khô phân hủy sẽ trở thành dinh dưỡng cho đất.
Dù có nhiều lợi ích trong việc tái chế phế thải, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, quá trình tái chế này vẫn còn manh mún và vẫn phát thải ra môi trường, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cháy, nổ cao. Vì vậy, bà Sylvie đặt ra một câu hỏi, làm thế nào để hệ thống tái chế này có thể được “xanh hóa” và mở rộng hơn?
Trả lời câu hỏi này, theo bà Đức, cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, cần có sự chung tay của các tổ chức xã hội trong việc nâng cao nhận thức của người dân, của người thu gom và tái chế trong hệ thống tái chế kể trên.
Nhìn rộng ra, việc quản lý rác thải cũng cần được đưa vào một tầm nhìn mang tính tổng thể hơn, để làm sao đáp ứng với tình hình biến đổi khí hậu, tình hình phát triển, hội nhập của thành phố. Đồng thời cần đánh giá chính xác vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức xã hội. Đặc biệt là khi ô nhiễm rác thải không chỉ gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, mà còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Bởi, hầu hết các loại nhựa hiện nay không phân hủy sinh học và phải mất hàng trăm năm thậm chí cả 1.000 năm để phân hủy. Trong môi trường, nhựa sẽ bị phân hủy thành các mảnh vi nhựa làm ô nhiễm nguồn nước, đất và đi vào chuỗi thức ăn của con người, gây nguy hại đến cuộc sống của khoảng 800 loài động vật sống dưới đại dương…
Ngoài ra, một trong những ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế chính là việc rác thải nhựa sẽ làm ô nhiễm tầm nhìn, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Từ đó, gây giảm lượng khách và doanh thu từ du lịch, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc vào du lịch.
Bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh GreenHub: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quan trọng là giảm rác thải từ nguồn
Một trong những giải pháp lớn nhất của việc giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải đó chính là giảm nguồn rác thải. Câu chuyện đầu nguồn để giảm rác thải, đó chính là về truyền thông, tuyên truyền tới người dân về ý thức bảo vệ môi trường. Công cuộc này cần có sự tham gia của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan đơn vị truyền thông, các đơn vị hành chính sự nghiệp, và cả các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp xã hội. Để từ đó, lan tỏa tới đông đảo nhiều tầng lớp, đối tượng người dân về ý thức bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải. Tuy nhiên, quá trình này là không hề dễ dàng.
Tôi kiến nghị, cần quan tâm, đẩy mạnh các chế tài xử phát đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, dù hiện nay các chế tài đã có, nhưng việc áp dụng vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, hệ thống.
Bà Chu Kim Đức, nhà đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think playgrounds: Nâng cao ý thức người dân để giữ gìn hình ảnh vệ sinh đô thị
Trong các dự án mà Think playgrounds nhận được, doanh nghiệp đều làm việc trực tiếp với chính quyền để đưa ra được những giải pháp cụ thể, phù hợp với địa phương. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi người dân thường xuyên vứt ra ra khu đất đang cải tạo vì trước đó đây là điểm tập kết rác. Sau đó, doanh nghiệp đã thiết kế những điểm tập kết rác quanh khu vực, tổ chức tuyên truyền về giữ vệ sinh sân chơi. Dần dần người dân cũng bắt đầu có ý thức hơn.
Thậm chí, khi sân chơi cộng đồng đã được đưa vào sử dụng, đây là không gian chung của người dân thì người dân cũng chủ động hơn, họ sẽ cùng doanh nghiệp chăm sóc cây cảnh, giữ vệ sinh sân chơi. Họ cũng tổ chức những buổi tổng vệ sinh sân chơi vào cuối tuần nhằm giữ gìn hình ảnh vệ sinh đô thị.
TS. Fritz Flanderka, chuyên gia người Đức, đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực EPR, Giám đốc điều hành, Tập đoàn Reclay: Cần một hệ thống thu gom, phân loại liên thông trên toàn quốc
Hiện nay, lượng rác thải bao bì chiếm tới 50% tổng lượng rác thải ra và chiếm 30% khối lượng rác thải gia đình. Để hoạt động tái chế được bài bản, có hệ thống và mở rộng hơn, Việt Nam cần tạo một cấu trúc, hệ thống thu gom rác thải trên toàn quốc để phục vụ cho việc tái chế, đặc biệt, cần áp dụng đối với tất cả các loại rác thải có thể tái chế như các loại bao bì, các sản phẩm giấy, nhựa, thủy tinh, nhôm, sản phẩm điện tử, phương tiện giao thông... Ngoài ra, các đơn vị, thành phố có thể tạo hệ thống thu gom rác thải theo mô hình riêng nhưng cần có sự điều phối và phối hợp giữa các vùng.
Việt Nam cũng cần hướng tới việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom, và cần có hệ thống ngân sách để các đơn vị Liên minh Tái chế bao bì (gọi tắt là PRO) duy trì hoạt động của họ. Hiện tại chính là thời điểm phù hợp để Việt Nam xây dựng hệ thống pháp luật cơ sở hạ tầng cho PRO.
Ông Kim Sang Hoon, nguyên Chủ tịch, Cơ quan Dịch vụ Tuần hoàn Tài nguyên Hàn Quốc (KORA): Thay đổi hành vi của người tiêu dùng để phân loại rác thải từ nguồn
Nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, tôi cho rằng hiện nay, để Việt Nam thực hiện các yêu cầu của EPR, còn rất nhiều rào cản, từ các quy trình xác minh, áp dụng với các công ty tái chế, cần đầu tư hệ thống tự động hóa để truyền dữ liệu trong hệ thống một cách minh bạch, chính xác. Bên cạnh đó, cần có các quy trình tự động hóa trong thu gom, phân loại và xử lý rác. Để làm được điều này, cần có sự thay đổi từ hành vi của người tiêu dùng, để họ thực hiện phân loại rác thải tái chế và không tái chế ngay từ nguồn, tức là trong đời sống sinh hoạt.
Việt Nam trước tiên cần xây dựng hệ thống chuẩn hóa rác thải ban đầu, cần có sự giáo dục, tuyên truyền mạnh mẽ tới người dân để thay đổi hành vi người tiêu dùng. Tiếp đó, Việt Nam cần thành lập các công ty tái chế, trước hết là thành lập doanh nghiệp nhà nước khai phá thị trường, sau đó mới có thể kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia vào.