Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế những năm 2021-2025 đang được xúc tiến. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giới chuyên gia cho rằng, cần ưu tiên phát triển một số ngành, tìm giải pháp để hình thành doanh nghiệp cỡ vừa, không thể để cấu trúc doanh nghiệp lệch như hiện nay.
Thúc đẩy hình thành doanh nghiệp cỡ vừa
Nói về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế những năm 2021 – 2025 đã thống nhất quan điểm, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều đột phá liên quan đến khoa học công nghệ. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch 2021-2025 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp (DN).
Ông Nguyễn Thanh Quý, Giám đốc Công ty May thêu An Quý Hưng cho rằng, kinh tế tư nhân hơn 5 năm trở lại đây có sự phát triển mạnh mẽ hơn. DN cũng đã mạnh dạn kinh doanh, đầu tư hơn trước. Song, ông Quý cũng chỉ ra bất cập, các DN tư nhân hiện chịu nhiều tác động từ các yếu tố như thuế, tài chính, các đoàn thanh kiểm tra... Cho nên cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động tự do, không gây phiền hà.
Trong khi đó, đại diện một DN có trụ sở tại 2 Đào Duy Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) hoạt động ở mảng logistics mong muốn, nhà quản lý cần tạo điều kiện, khơi thông hơn nữa dòng chảy chính sách, tạo môi trường về vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, một vấn đề Việt Nam đang đối mặt là thiếu vắng DN cỡ vừa, bởi phần lớn các DN Việt đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi những DN vừa, mới có nhiều tiềm năng để trở thành DN lớn, có khả năng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng quy mô… Ông Bình cũng cho rằng, cần xem xét để hình thành DN cỡ vừa, không thể để cấu trúc DN Việt lệch như hiện nay.
Nâng cao năng suất lao động
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận định, khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.
“Việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được DN quan tâm, đặt mình trong vai trò chủ động. Do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và đặc biệt là sự bất ổn do đại dịch toàn cầu đưa tới nên DN cần thích ứng và có điều chỉnh phù hợp”, ông Phòng nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng DN phải tính tới việc tái cơ cấu, bởi điều đó liên quan tới những vấn đề cốt lõi của DN như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa DN...
Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung tạo dư địa phát triển DN tư nhân cần kèm với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TS.Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho biết, nhu cầu lao động có kỹ năng sẽ tăng cao. Bởi vậy, thị trường lao động việc làm sẽ phân hóa theo hai nhóm: Kỹ năng thấp, lương thấp và kỹ năng cao, lương cao.
Hiện nay 80% DN đã chủ động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực lao động, đây là một điểm đáng mừng và DN đã chú trọng hơn đến việc liên kết với các cơ sở giáo dục bên ngoài để đào tạo nâng cao kỹ năng, tuy nhiên vẫn còn chậm trễ.
“Nếu chúng ta tập trung đúng mức vào nâng cao kỹ năng lao động và đổi mới công nghệ, thì chúng tôi cho rằng “lò xo” năng suất lao động sẽ kích hoạt. Trong trạng thái bình thường mới, năng suất lao động cao sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, qua đó sẽ giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái đồng thời được tái cấu trúc theo hướng hiệu quả hơn, đi vào tăng trưởng theo chiều sâu bền vững”, ông Dũng khẳng định.