Mới đây, tại buổi tọa đàm “Lao động việc làm -Vấn đề hôm nay”, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đưa ra một thông tin “đáng suy ngẫm”. Đó là lượng nguồn nhân lực hiện nay đang đặt ra thách thức quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cần thiết phải đào tạo đội ngũ đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Lợi, số liệu thống kê lao động qua đào tạo của chúng ta là 60%, nhưng chất lượng nguồn nhân lực phân loại như quốc tế đạt chỉ 25%. Như vậy, chỉ có 1/4 lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là thách thức cho Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, chưa kể là cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề đáng quan tâm nguồn nhân lực không đồng đều giữa các số ngành đây được coi thách thức lớn với chúng ta. Do đó cần sớm đi trước đón đầu chuẩn bị cho nguồn nhân lực chất lượng.
Thực tế, con số 25% lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là quá thấp so với đòi hỏi của thực tế. Dẫu rằng đã có sự tăng tốc so với những năm trước đây, khi năm 2018 theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ năm 2018 chỉ đạt 21,9%, đồng nghĩa với việc 78,1% tổng số lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Rõ ràng, việc phát triển nhân lực để phát triển đất nước gắn với tầm nhìn và chiến lược phát triển tổng thể dài hạn của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ, giai đoạn, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Dẫu thời gian qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và coi chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược, song cả “tìm người tài”, lẫn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đem lại những kết quả tương xứng. Một câu hỏi được đặt ra rằng tại sao nhiều công nhân đi thi tay nghề đều được giải hạng cao của thế giới nhưng tại sao năng suất lao động lại thấp? Đó là bởi ngoài một số ít công nhân được đào tạo gắn với thực hành, có tay nghề giỏi được chọn để đi thi, thì nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực hạn chế.
Theo quan điểm của Liên hợp quốc thì “chất lượng nguồn nhân lực thể hiện ở trình độ lành nghề, kiến thức và năng lực, sức khỏe con người hiện có trên thực tế hoặc có tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội trong một cộng đồng”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với những thách thức lớn của lao động nước ta hiện nay. Bởi Việt Nam đã và đang trong thời kỳ phát triển, hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó để thành công đòi hỏi phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo để từ đó tạo ra sự đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề và là “chìa khóa” để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Đầu năm 2019, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân khi đề cập đến giải pháp để “giải bài toán nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0”, trước ý kiến cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có thể cướp đi việc làm của con người, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần thiết phải “giải bài toán nhân lực để thích nghi với sự thay đổi về việc làm”. Muốn vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số là xu thế toàn cầu, là một trào lưu “không thể đảo ngược”. Cho nên để tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng bền vững, bao trùm và tăng cơ hội cho nhiều người hơn tham gia vào nền kinh tế thì đào tạo phải “đi hai chân”, nghĩa là vừa đào tạo mới, vừa tái “đào tạo lại”. Do đó các trường đại học, cao đẳng cần có những khóa đào tạo lại và nâng cao, kéo dài chỉ 6-12 tháng để cấp chứng chỉ.
Cũng chính vì lẽ đó, điều cần thiết vào lúc này là cần phân luồng học sinh từ phổ thông trung học cơ sở. Một bộ phận có đủ điều kiện thi đại học, còn bộ phận còn lại chưa đáp ứng đủ chuyên môn thì sẽ học nghề, học cao đẳng. Và thực tế này rất cần một sự thay đổi trong giáo dục nghề nghiệp khi đang nặng về kiến thức “hàn lâm”, thiếu “thực hành”. Vì thế nên chăng, trong đào tạo công nhân kỹ thuật và cao đẳng nghề, các trường công nhân kỹ thuật phải dành 70% thời gian dành cho thực hành và 30% thời gian cho lý thuyết như những khuyến nghị đã được các chuyên gia giáo dục đưa ra trước đây.