Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, TP Hà Nội tổ chức nhiều chương trình đặc sắc tái hiện những thời khắc lịch sử của dân tộc.
Nhà hát Chèo Hà Nội vừa công diễn vở “Người hát ả đào” do tác giả Bùi Vũ Minh viết kịch bản, NSND Hoài Thu đạo diễn. Vở diễn kể về những cô đào hát phố Khâm Thiên, những cô gái làng hoa Ngọc Hà, những công nhân, nghệ sĩ, trí thức... đã đồng lòng đi theo cách mạng, hoạt động bí mật trong lòng thành phố bị tạm chiếm.
Tác giả Bùi Vũ Minh đã rất khéo léo khi chọn đề tài lịch sử nhưng sử dụng lối kể chuyện thông qua những nghệ nhân hát ả đào (ca trù), vì thế dù không khí vở diễn hừng hực lửa đấu tranh vẫn thấy nét mềm mại, trữ tình, hấp dẫn khán giả. Vở diễn “Người hát ả đào” có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Chèo Hà Nội. Trong đó, NSƯT Quốc Phòng - Trưởng đoàn 1 của nhà hát, đảm nhiệm vai chính là chiến sĩ cách mạng Trần Lâm - người hoạt động giữa lòng địch. Đóng cặp với NSƯT Quốc Phòng là nghệ sĩ trẻ tài năng Quỳnh Trang trong vai ca nương Nguyệt Hằng. Sở hữu ngoại hình đẹp, giọng hát ngọt ngào, diễn xuất nhuần nhị và tinh tế, nghệ sĩ Quỳnh Trang dẫn dắt khán giả qua nhiều khoảnh khắc xúc động, thăng hoa.
Cũng nhân dịp này, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức khai mạc “Liên hoan phim ngắn Hà Nội (Giải Sao khuê) lần thứ nhất - năm 2024” với chủ đề “Vì một Hà Nội ngàn năm văn hiến”. Liên hoan phim ngắn Hà Nội năm 2024 thu hút 32 tác phẩm dự thi, bao gồm 20 phim tài liệu, 10 phim hoạt hình và 2 phim truyện ngắn.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã phát động cuộc thi Sáng tác ca khúc “Thanh âm Hà Nội”, với chủ đề “Thủ đô Hà Nội - Vị thế mới - Tầm vóc mới”. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật “Hà Nội - Đổi mới và phát triển”.
Dự kiến ngày 6/10 tới đây, TP Hà Nội sẽ tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”, diễn ra tại hồ Hoàn Kiếm với quy mô khoảng 10.000 người. Ngày hội gồm 3 phần chính, trong đó đáng chú ý là phần thực cảnh tái hiện hình tượng lịch sử của Thủ đô và biểu diễn liên khúc “Truyền thuyết Hồ Gươm - Người Hà Nội - Cảm xúc tháng 10 - Khí phách Hà Nội - Hát vang lý tưởng tuổi trẻ” quy tụ 500 chiến sỹ tái hiện đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm 1954; màn trình diễn, diễu hành chủ đề “Hà Nội ngày về chiến thắng,” “Hà Nội - Dòng chảy di sản”, “Hà Nội - Thành phố hòa bình - Thành phố sáng tạo”.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ ngày hội còn có chương trình giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, sự “giàu có” của văn hóa Thăng Long - Hà Nội với các màn trình diễn, diễu hành như: Trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân; diễu hành, giới thiệu di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và quốc gia ghi danh, như giới thiệu về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, đền Sóc...; các di sản văn hóa phi vật thể (kéo co, lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai, thổi cơm Thị Cấm)…