Tái hiện quá trình hình thành mẫu Quốc huy

Từ Khôi 26/08/2020 07:52

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2-9, từ ngày 25/8 đến 6/9, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - Họa sĩ Bùi Trang Chước”, tại 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước được chọn để chỉnh sửa.

Ông Nguyễn Anh Minh-Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Sau ngày Quốc khánh thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời phải đối diện và gánh vác bao lo toan chồng chất. Rồi Toàn quốc kháng chiến, Chính phủ rút lên Việt Bắc. Trong những năm vừa kháng chiến, Chính phủ vừa lo kiến quốc. Một trong công việc hệ trọng là xây dựng được Quốc huy. Ngày 8/6/1951, Bộ Ngoại giao có văn bản 467/NG về mở cuộc thi vẽ mẫu Quốc huy. Cuộc thi thu hút đông đảo họa sĩ, kể cả sinh viên trường mỹ thuật tham gia”.

Ngày 5/9/1955, tại kỳ họp khóa V của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Hoàng Minh Giám có báo cáo về Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy. Sau đó, từ ngày 15 đến ngày 20/9/1955, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng – Trưởng tiểu ban Quốc hội nghiên cứu và trình bày kiến nghị điều chỉnh về Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy. Tại khóa họp này, mẫu Quốc huy do họa sĩ Bùi Trang Chước đã được phê duyệt.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết: “Tại cuộc triển lãm này, người xem sẽ được chiêm ngưỡng những tài liệu gốc, do chính các con của cố họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992) hiến tặng cho Trung tâm để bảo quản gìn giữ được lâu dài”.

Bà Minh Thủy – con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước cho biết: “Chúng tôi – các con của họa sĩ Bùi Trang Chước đã hiến tặng cho Trung tâm lưu trữ Quốc gia III 94 bản vẽ, 50 bản màu và 44 bản chì của họa sĩ Bùi Trang Chước. Từ những bản vẽ này, họa sĩ Bùi Trang Chước đã chắt lọc thành 15 mẫu Quốc huy. Các mẫu tuy đa dạng nhưng thống nhất về ý tưởng, tập trung về chi tiết, hình tượng như ngôi sao, bông lúa, dải lụa, bánh xe công nghiệp… 15 mẫu này đã được gửi lên Bộ Tuyên truyền để trình lên xin ý kiến. Hồ Chủ tịch đã chọn mẫu số 1 trong 15 mẫu nhưng góp ý thay hình tượng cái đe trong bản vẽ tượng trưng cho tiểu thủ công nghiệp bằng bánh xe tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở góp ý, họa sỹ Bùi Trang Chước đã chỉnh sửa. Bản sau cùng được gọi là bản số 18”.

Trong số những học trò của họa sĩ Bùi Trang Chước đến dự triển lãm, có họa sĩ Vi Ngọc Linh (nay 90 tuổi). Ông nói: “Bác rất xúc động vì trong số 3 họa sĩ Lê Lam, Mai Thục và bác là những người đau đáu về công lao của thầy với mẫu Quốc huy ngót 20 trời nay mới có thành quả thì các bạn đều đau yếu không đến dự được. Bác nhớ tới người thầy khiêm nhường và tận tình với học trò năm xưa. Chỉ có thầy Bùi Trang Chước – một họa sĩ đồ họa vào hàng đầu của các lớp Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1936-1941), học trò của họa sư Nam Sơn mới có thể tỉ mỉ vẽ rất nhiều phác thảo mẫu Quốc huy. Thời đó, tuy cuộc thi có phát động tới trường nhưng các sinh viên cũng chỉ vẽ vài ba bức là hết ý tưởng hoặc chán. Ngoài vẽ Quốc huy, tài năng đồ họa của thầy Bùi Trang Chước còn thể hiện ở việc vẽ tiền, vẽ tem và biểu trưng cho ngành công đoàn”.

Đại diện BTC và gia đình, học trò họa sĩ Bùi Trang Chước chụp ảnh lưu niệm trước mẫu Quốc huy được chọn.
Đại diện BTC và gia đình, học trò họa sĩ Bùi Trang Chước chụp ảnh lưu niệm trước mẫu Quốc huy được chọn.

Tại triển lãm, du khách còn được xem một số văn bản liên quan đến quá trình sáng tạo Quốc huy. Đáng chú ý là văn bản số 237/MT ngày 24/11/1954 của Ban Mỹ thuật ngành Văn nghệ trung ương thuộc Bộ Tuyên truyền (văn bản do họa sĩ Trần Văn Cẩn ký) gửi Bộ Tuyên truyền. Nội dung viết: “Khoảng trung tuần tháng 10/54, chúng tôi có gửi sang quý Bộ một số 15 mẫu quốc trưng để quý Bộ đưa trình Thủ tướng phủ xem và cho ý kiến quyết định. Chúng tôi chờ đợi đã lâu mà chưa có tin tức gì về việc đó. Gần đây vụ Lễ tân bên Thủ tướng phủ có cho người sang dục luôn nên chúng tôi cử họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả những mẫu ấy, sang đề nghị quý Bộ cho biết tin tức về các mẫu đã được chọn. Cũng đề nghị quý Bộ trao lại cho họa sĩ Chước những mẫu đã gửi để đem về sửa lại và hoàn thành”.

Trong không gian trưng bày các phác thảo các mẫu Quốc huy và một số văn bản liên quan, người viết bài này thật bất ngờ và xúc động khi BTC quyết định chỉ chọn một bài báo đề cập đến quá trình sáng tác Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước để treo. Đó chính là bài Người vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam” của Từ Khôi trên báo Đại Đoàn kết số Xuân Canh Tý (2020).

Trước các bản gốc phác thảo mẫu Quốc huy, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói: “Thật xúc động trong sự tưởng nhớ, kính trọng cố họa sĩ Bùi Trang Chước khi gặp lại những bản phác thảo đầu tiên của mẫu Quốc huy Việt Nam được ông sáng tác ở chiến khu Việt Bắc. Đây là những minh chứng đẹp cho những cống hiến thầm lặng của ông cho đất nước, dân tộc mà không đòi hỏi cho riêng mình. Đã đến lúc Đảng, Nhà nước ta dành cho ông sự tôn vinh xứng đáng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái hiện quá trình hình thành mẫu Quốc huy