Những ngày cuối năm 2019, tôi đến nhà bà Minh Thủy - con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước (còn có tên khác là Nguyễn Văn Chước) ở khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) để tìm hiểu thêm về người họa sĩ đã vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam.
Bà Minh Thủy và cuốn sổ lưu giữ nhiều tài liệu về họa sĩ Bùi Trang Chước.
Bà Minh Thủy bê ra một tập dày đóng gọn Lưu trữ những tài liệu, văn bản liên quan tới cha mình. Bà Thủy kể: “Mới đây, cán bộ của Trung tâm lưu trữ Quốc gia III cũng đến nhà tôi làm việc để sưu tầm thêm tư liệu liên quan đến cha tôi - họa sĩ Bùi Trang Chước. Ngoài 15 mẫu Quốc huy Việt Nam mà cha tôi đã phác thảo, các cán bộ còn quan tâm tới những mẫu tem, và tranh của cha tôi”.
Họa sĩ Vi Ngọc Linh (90 tuổi), học trò của họa sĩ Bùi Trang Chước kể: “Trong những năm kháng chiến chống Pháp và sau ngày tiếp quản thủ đô, tuy cơ quan chuyên về lưu trữ đã có nhưng việc sưu tầm, lưu trữ tài liệu chưa được quán xuyến và đầy đủ như ngày hôm nay. Vì thế nên việc sưu tầm những mẫu về phác thảo Quốc huy của cụ Chước rất khó khăn. Từ những năm 2001 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với gia đình cụ Chước đến nhiều nơi, nhiều cơ quan làm việc để sưu tầm lại các tác phẩm cũng như tài liệu liên quan đến cụ”.
Họa sĩ Bùi Trang Chước sinh ra ở Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Năm 1936, ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong quá trình học, ông nổi tiếng với khả năng đồ họa vượt trội. Thế nhưng, có lần ông suýt bị buộc phải nghỉ học giữa chừng vì nghỉ một thời gian dài mà quên không xin phép. Ông Nguyễn An Kiều – con trai thứ họa sư Nam Sơn (Người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là thầy dạy trực tiếp cho họa sĩ Bùi Trang Chước) còn lưu giữ bức thư của họa sĩ Bùi Trang Chước gửi “cụ” Nam Sơn. Lúc đó, các họa sĩ học trong trường đều gọi thầy Nam Sơn là “cụ” một cách tôn kính. Thư viết: “…Thưa cụ, Nay con có mấy lời chân trọng về kính thăm cụ được bình an khang cát con mừng – sau con viết để có lời thưa với cụ, xin cụ rộng lòng soi xét cho con – con được đội ơn cụ lắm. Nguyên, mấy tháng nghỉ hè vừa rồi, con vào Saigon vì có chú con dặn vào, con định gần đến ngày khai trường con về học nhưng chả may cho con gần đến ngày thì con bị ốm không ra được, con biết bổn phận của con là phải viết giấy về xin phép cụ nên con đã nhờ chú con viết ra để xin cụ. Nhưng cho đến nay con hỏi ra thì mới biết rằng chú con bận việc trong hãng chưa có giấy về xin phép cụ. Nay con biết lỗi của con lớn lắm nên con vội viết về để xin cụ rõ cho con và xin cụ rộng lòng mà thương đến con cho con lại về đi học như cũ, con được đội ơn cụ lắm lắm…”.
Chân dung họa sĩ Bùi Trang Chước qua nét vẽ của con trai – họa sĩ Bùi Trang Toàn.
Đức tính tôn sư, trọng đạo thêm vào tính cẩn thận, trầm tính giúp họa sĩ Bùi Trang Chước thăng hoa hơn khi tiến sâu vào lĩnh vực đồ họa. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, ông là họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ tiền và tem cho Nhà nước. Sự nghiệp của ông gắn liền với việc vẽ tiền, tem, sáng tác các mẫu Huân, Huy chương, biểu trưng, thiết kế mặt tiền lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và giảng dạy tại các trường như: Kiến trúc Đà Lạt; Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội; Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Và một công lao lớn, đỉnh cao của sự nghiệp của ông cho đất nước nữa là góp phần quan trọng trong việc sáng tạo Quốc huy Việt Nam.
Sau ngày thành lập nước, Quốc kỳ và Quốc ca sớm được định hình. Còn với Quốc huy thì do điều kiện chiến tranh nên mãi đến ngày 8/6/1951, Bộ Ngoại giao mới có văn bản 467/NG về mở cuộc thi vẽ mẫu Quốc huy. Cuộc thi thu hút đông đảo họa sĩ, kể cả sinh viên trường mỹ thuật tham gia. Họa sĩ Lê Lam – Sinh viên khóa mỹ thuật kháng chiến (học trò của họa sĩ Bùi Trang Chước) kể: “Cho đến hôm nay, tôi còn nhớ rất rõ. Một buổi sáng cuối thu 1952, trên nhà sàn cụ Thơ ở Lang Quán (Tuyên Quang), nơi ở chính của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Tô Ngọc Vân, hiệu trưởng giới thiệu trước toàn trường một cán bộ cấp trên về trường phát động cuộc thi vẽ Quốc trưng (lúc đó chưa gọi là Quốc huy). Hôm đó, chúng tôi được xem Quốc huy của các nước Xã hội chủ nghĩa. Rồi chúng tôi đua nhau vẽ một cách nghiêm túc và nộp cho trường gửi lên trên. Tuy nhiên, sau này không bản vẽ nào được phê duyệt”.
Mấy năm sau, vào ngày 5/9/1955, tại kỳ họp khóa V của Quốc hội, mẫu Quốc huy do họa sĩ Bùi Trang Chước đã được phê duyệt. Nhưng ít người biết đó là mẫu của họa sĩ Bùi Trang Chước. Vì vậy việc xác định mẫu Quốc huy là của tác giả nào gặp nhiều khó khăn.
Mẫu Quốc huy số 18 bản mầu của họa sĩ Bùi Trang Chước được Quốc hội chọn để chỉnh sửa.
Họa sĩ Bùi Trang Chước mãi tới năm 1992 mới mất. Tại sao suốt mấy chục năm ông không lên tiếng?. Sau này, trước khi mất, ông mới đưa cho vợ con xem một bản thảo bài viết 3 trang có tiêu đề “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” viết ngày 26/4/1985. Nội dung văn bản cho biết: Từ năm 1953 đến 1955, họa sĩ Bùi Trang Chước làm việc với ông Trịnh Xuân Côn – phụ trách bộ phận Huân chương ở Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng về mẫu Quốc huy. Qua các lần sửa, mẫu của họa sĩ Bùi Trang Chước đã được duyệt. Nhưng sau vì gấp nên Trung ương đã yêu cầu họa sĩ Trần Văn Cẩn chỉnh theo góp ý của Hồ Chủ tịch và Quốc hội. Khi mẫu Quốc huy hoàn thiện và công bố, ông không lên tiếng vì e ngại không muốn đòi hỏi công lao.
Gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước cũng tìm thấy văn bản số 237/MT ngày 24/11/1954 của Ban Mỹ thuật ngành Văn nghệ trung ương thuộc Bộ Tuyên truyền (văn bản do chính họa sĩ Trần Văn Cẩn ký) gửi Bộ Tuyên truyền. Nội dung viết: “Khoảng trung tuần tháng 10/54, chúng tôi có gửi sang quý Bộ một số 15 mẫu quốc trưng để quý Bộ đưa trình Thủ tướng phủ xem và cho ý kiến quyết định. Chúng tôi chờ đợi đã lâu mà chưa có tin tức gì về việc đó. Gần đây vụ Lễ tân bên Thủ tướng phủ có cho người sang dục luôn nên chúng tôi cử họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả những mẫu ấy, sang đề nghị quý Bộ cho biết tin tức về các mẫu đã được chọn. Cũng đề nghị quý Bộ trao lại cho họa sĩ Chước những mẫu đã gửi để đem về sửa lại và hoàn thành”.
Mẫu Quốc huy số 18 của họa sĩ Bùi Trang Chước (bản tách mầu) hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Thêm nữa, trong quá trình sưu tầm, bà Minh Thủy cho biết gia đình đã tìm được 94 bản vẽ, 50 bản màu và 44 bản chì của họa sĩ Bùi Trang Chước. Từ những bản vẽ này, họa sĩ Bùi Trang Chước đã chắt lọc thành 15 mẫu Quốc huy. Các mẫu tuy đa dạng nhưng thống nhất về ý tưởng, tập trung về chi tiết, hình tượng như ngôi sao, bông lúa, dải lụa, bánh xe công nghiệp… 15 mẫu này đã được gửi lên Bộ Tuyên truyền để trình lên xin ý kiến. Hồ Chủ tịch đã chọn mẫu số 1 trong 15 mẫu nhưng góp ý thay hình tượng cái đe trong bản vẽ tượng trưng cho tiểu thủ công nghiệp bằng bánh xe tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở góp ý, họa sĩ Bùi Trang Chước đã chỉnh sửa. Bản sau cùng được gọi là bản số 18. Những bản vẽ mẫu Quốc huy này và văn bản viết tay 3 trang “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” đã được gửi tới cơ quan chức năng giám định. Kết luận của giám định đã khẳng định rõ văn bản và những mẫu Quốc huy do họa sĩ Bùi Trang Chước viết, vẽ. Những văn bản, tài liệu quý này đã được gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, đánh giá và ghi nhận công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước trong việc tạo mẫu Quốc huy Việt Nam.
Hiện tại, TP Hà Nội đã đặt tên Bùi Trang Chước cho một con phố ở quê hương Phú Thượng, Tây Hồ của họa sĩ. Nhưng thiết tưởng, một họa sĩ từng học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1936-1941), bậc thầy về đồ họa này sớm có tên trong danh sách truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật trong đợt xét tới.