Nhiều tỉnh, thành gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… đã bắt đầu triển khai học trực tuyến thay thế cho việc học ở trường. Để giờ học hiệu quả, các trường phải sắp xếp lại thời khóa biểu phù hợp với học sinh (HS).
Linh hoạt thời khóa biểu
Thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh, bắt đầu từ sáng 1/2/2021, hầu hết các trường ở các thành phố, thị xã, những nơi có điều kiện về công nghệ thông tin đều bắt đầu chương trình học trực tuyến.
Từ chiều tối qua, các thầy cô, các bậc phụ huynh đã khởi động lại hệ thống để chuẩn bị cho các học sinh học trực tuyến từ sáng 1/2. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh, ngay từ đầu năm học, Sở đã có phương án học trực tuyến. Cùng với hạ tầng mạng, thiết bị và kinh nghiệm học từ năm ngoái đã có sẵn nên giờ chỉ kích hoạt trở lại.
Cũng theo bà Thúy, ngành giáo dục Quảng Ninh căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai cho phù hợp với từng địa phương vì không phải tất cả các trường và học sinh đều có điều kiện học trực tuyến. Với các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện để học trực tuyến thì phải thực hiện ngay. Những nơi chưa đảm bảo các điều kiện về công nghệ, trình độ, thiết bị thì yêu cầu nhà trường chủ động phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể phát huy các hình thức khác như giao phiếu học tập, giao bài tập qua điện thoại...
Tại Hà Nam, từ ngày 1/2, giáo viên, học sinh 2 trường THPT Chuyên Biên Hòa và THPT Lê Hoàn đã chuyển sang dạy, học trực tuyến vì mới có chuyến đi trải nghiệm thực tế tại Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng.
Ghi nhận của PV báo Đại Đoàn Kết, việc học trực tuyến của các trường chủ yếu thực hiện qua phần mềm zoom. TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết từ ngày 1/2 tất cả các môn học (kể cả thể dục) theo thời khóa biểu buổi sáng chuyển sang hình thức học trực tuyến tại nhà.
Về cơ bản, thời khóa biểu học trực tuyến, kể cả thời gian các tiết học, được giữ như thời khóa biểu hiện tại. Các giờ học tăng cường buổi chiều của các lớp chất lượng cao được nhà trường quyết định tạm dừng.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết để thực hiện hiệu quả, khi chuyển sang dạy học trực tuyến trường vẫn phải điều chỉnh kế hoạch dạy học. Bởi khi dạy học trực tuyến, khó có thể xếp 4 tiết/buổi với thời gian 45 phút/tiết vì HS sẽ rất mệt. Nhà trường đã tính toán xây dựng lại số tiết/môn học để sao cho mỗi một tiết dạy trực tuyến chỉ tối đa 40 phút. HS cần có thời gian nghỉ giữa các tiết học.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, cho biết văn bản cuối cùng Sở GDĐT ký trong ngày ngày 31/1 nêu chỉ đạo về việc cho HS nghỉ học từ 31/1 đến hết ngày 7/2, không bắt buộc tất cả các trường chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.
Ưu tiên cao nhất cho HS lớp 9 và lớp 12
Đó là quan điểm của ngành giáo dục Quảng Ninh. Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Thúy, đây là 2 khối lớp cuối cấp nên sau đó sẽ có kỳ thi chuyển cấp rất quan trọng, quyết định tương lai của các em. Sẽ tập trung nguồn lực vào việc dạy và kết hợp ôn thi cho học sinh những lớp này. Cố gắng để các em hoàn thành chương trình năm học và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Thầy Nguyễn Quốc Bình (Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết trước tình hình dịch bệnh, nhà trường đã xây dựng ngay kế hoạch dạy học trực tuyến cho HS. Trong đó, ưu tiên 2 khối 9 và 12 gồm các bộ môn HS sẽ phải thi trong thời gian tới.
Thứ hai, giữa các tiết học văn hóa, nhà trường vẫn bố trí giờ thể dục để cho các con có thời gian thư giãn, luyện tập cơ thể để đảm bảo sức khỏe cho HS học tập. Thời gian hơn 1 tuần trước khi nghỉ Tết nên không thể dạy tất cả các môn học được vì thời lượng và đặc thù của từng bộ môn.
Với khối 9 và 12, nhà trường thực hiện gần như thời khóa biểu đang đề ra với tiết học như bình thường. Tất nhiên, với một số môn không phù hợp với việc dạy và học trực tuyến, nhà trường sẽ để lại khi trở lại học bình thường sẽ triển khai dạy đảm bảo hơn.
Riêng lớp 9, ngoài Toán, Văn, Ngoại ngữ là những môn chắc chắn sẽ thi vẫn dạy 6 môn còn lại như bình thường. Quan điểm là phải đảm bảo tiến độ chương trình, chất lượng đảm bảo như dạy trực tiếp. Ngoài giờ học chính khóa, đối với 2 khối lớp này, nhà trường vẫn bố trí các tiết tăng cường cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dành thời gian để học sinh đặt câu hỏi giải đáp với các thầy cô giáo về các vấn đề trong quá trình học trực tuyến chưa hiểu, chưa rõ.
Về việc thu học phí nếu dạy học trực tuyến kéo dài, thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết hiện nhà trường chưa bàn đến. Thời gian này mới có 1 tuần học trực tuyến còn sau này, nhà trường sẽ có trao đổi với cha mẹ HS. Thực tế, ngay từ đầu năm học nhà trường đã có trao đổi với phụ huynh dựa trên tình hình của năm trước.