Vừa qua, tại Đại hội Tài năng trẻ lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội, trong những ý kiến đóng góp cho phát triển đất nước, có không ít ý kiến băn khoăn về vấn đề “chảy máu chất xám”. Làm sao để thu hút được nhân tài, làm sao có chính sách trọng dụng nhân tài phù hợp? - Đây là vấn đề được nhiều người bàn tới.
Ảnh minh họa.
Trăn trở
Cách đây chưa lâu, vụ khởi kiện các nhân tài vi phạm hợp đồng Đề án 922 của TP Đà Nẵng một lần nữa gióng hồi chuông báo động về tình trạng này. Nhiều học viên tham gia đề án đã vi phạm hợp đồng không trở về phục vụ quê hương, hoặc cắt ngang công việc… Thêm vào đó là thực trạng rất nhiều các quán quân của những cuộc thi lớn đi du học rồi ở lại, nhiều tài năng trẻ chỉ có một ước mơ cháy bỏng là đi du học…
Là một trong số ít những người từng học tập ở môi trường giáo dục hàng đầu phương Tây, sau đó trở về cống hiến cho đất nước, PGS.TS Lê Anh Vinh - Phó Chủ nhiệm khoa Sư phạm, Giám đốc TTNC và ứng dụng Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG HN) cho biết, bản thân mình cũng đã từng có những băn khoăn, tự vấn bản thân là ở hay về.
Lý giải cho thực trạng này, TS Phạm Thị Ly - Viện Đào tạo quốc tế, ĐHQG TP HCM cho hay: “Đối với du học sinh theo con đường khoa học, về nước rất khó đi theo hướng nghiên cứu, vì lương thấp, thiếu những nhóm nghiên cứu mạnh, thiếu trang thiết bị… Quan trọng nhất, môi trường làm việc không hỗ trợ tài năng”.
Một số chuyên gia khác cho rằng yếu tố cam kết, ràng buộc của cơ quản quản lý nhiều khi không đủ mạnh, chưa bền vững để người giỏi thiết tha trở về. Chẳng hạn, trước khi đi học theo đề án, học viên chỉ phải ký cam kết nếu vi phạm phải đền bù tiền, gia đình cũng ký vào đơn xin đi học. Thế nhưng, sau vài năm gia đình có biến động, người đi học muốn kéo dài thời gian vì lý do chính đáng, nhưng không được nhà trường giải quyết. Trong khi Nhà nước lại chưa có bộ phận chuyên trách quản lý và giải quyết sự việc phát sinh...
Đặt đúng người vào đúng chỗ
Sinh viên trẻ Đào Thị Trúc Ngân - ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) cho rằng: “Thực tế, người Việt luôn có khát vọng cống hiến và đóng góp. Để giữ được nguồn nhân lực đầy tiềm năng này, vấn đề đặt ra là “đặt đúng người vào đúng chỗ”.
PGS Lê Anh Vinh cũng khẳng định, những người Việt Nam sống và học tập ở nước ngoài đều mong muốn trở về nước, vấn đề riêng của mỗi người chỉ là khi nào và như thế nào. Điều băn khoăn của các nhân tài khi trở về nước chính là môi trường nghiên cứu, môi trường làm việc ra sao.
PGS Lê Anh Vinh nhận định: “Khi nói đến môi trường làm việc của một nhà khoa học, tôi muốn nói đến theo một nghĩa rộng, bao gồm từ cơ sở vật chất, điều kiện tài chính, đến hoạt động học thuật và cộng đồng nghiên cứu. Trong những trao đổi gần đây về hiện tượng chảy máu chất xám. Chúng ta có thể thấy rằng lợi ích vật chất không phải là lý do cơ bản. Nếu nhìn lý do chính mà số lượng lớn các nhà khoa học hàng đầu không chỉ từ các nước đang phát triển mà từ cả các nước phương Tây sang Mỹ làm việc, có thể thấy họ đến với nước Mỹ vì ở đó, họ có các đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm, cùng hợp tác nghiên cứu. Ở đó họ được bao bọc bởi môi trường làm việc học thuật, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo, năng lực nghiên cứu của mình”.
Nhiều trường ĐH cũng khẳng định, muốn thu hút người tài, giải pháp tối ưu là trả lương cao và tạo môi trường làm việc tốt. Thế nhưng, với những trường khối công lập, họ gặp một số rào cản ở cơ chế ràng buộc. Trường không thể trả lương cao cho TS đi học ở nước ngoài về khi những giáo viên giỏi đang làm việc ở trường không được.
Cũng có một số trường, để thu hút người tài đã phải đề ra chính sách ưu đãi trong điều kiện của riêng mình. Chẳng hạn ĐH Bách khoa Hà Nội cho hưởng ngay 100% lương, thay vì hưởng mức lương TS tập sự. Bên cạnh ưu ái về thu nhập, nhà trường tạo cơ hội cho các TS trẻ được giảng dạy những mảng sở trường, tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Khi họ phát huy được khả năng thì cũng tạo ra được thành công cho nhà trường. Đó là điều quan trọng.
Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài
Từ tình hình thực tế, PGS Lê Anh Vinh đóng góp một số giải pháp thu hút, trọng dụng và phát huy tài nguyên trí tuệ, đặc biệt là của các nhà khoa học trẻ. Thứ nhất, chúng ta cần có các chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN hiệu quả để phát huy năng lực của nguồn nhân lực KH&CN trong nước và thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học giỏi là người VN ở nước ngoài, nghiên cứu sinh VN học tập ở nước ngoài về nước làm việc.
Thứ hai, chúng ta cần có sự đầu tư đúng mức và đúng trọng điểm về nguồn lực tài chính và hạ tầng kỹ thuật cho KH&CN. Ở VN hiện nay, nghiên cứu chủ yếu được tài trợ bởi Chính phủ. Mặc dù tỷ lệ đầu tư của các tổ chức tư nhân cho nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, đặc biệt là tài trợ cho các dự án nghiên cứu ứng dụng. Thêm vào đó, các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các trường ĐH tại VN chưa được đầu tư đúng mức. Tổng đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN của VN hiện nay ước tính chỉ đạt dưới 1% GDP so với mức trung bình thế giới là 2,1%.
PGS Vinh cũng cho rằng cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường ĐH, các Viện Nghiên cứu trọng điểm. Nếu việc điều chỉnh pháp luật và cơ chế tài chính không áp dụng được đại trà, ít nhất cũng cần được thí điểm có trọng tâm, trọng điểm đối với số ít tổ chức KH&CN mới theo mô hình xuất sắc. Đi kèm theo quyền lợi đặc biệt là những cam kết đầu ra về những sản phẩm đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần khuyến khích, tạo cơ chế và có những hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động triển khai ứng dụng khoa học công nghệ.
Thêm vào đó, cơ chế xét duyệt, nghiệm thu đề tài các cấp ở nhiều nơi vẫn còn tương đối phức tạp và trở thành một rào cản thực sự đối với các nhà khoa học. Các nhà khoa học vẫn thường cho rằng các cơ quản quan lý không hiểu hay chưa tin các nhà khoa học nên đưa ra những cơ chế không phù hợp với thực tiễn. Vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các đề tài nghiên cứu, sự nhiệt huyết của nhà khoa học trẻ trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ…
“Để thu hút, trọng dụng và phát huy tài nguyên trí tuệ trong đội ngũ các tài năng trẻ VN, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư tài chính, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cùng với một cơ chế pháp lý thông thoáng, khả thi và có hiệu lực thực sự” - PGS Lê Anh Vinh cho hay.