Tại Việt Nam, tài nguyên nước đang ngày một khan hiếm, suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Đó cũng là lý do, trong năm 2016, vấn đề khai thác và sử dụng nguồn nước đã được Bộ TN&MT coi là thách thức lớn nhất. Nhất là khi hạn hán, nhập mặn, điều tiết nguồn nước từ thượng nguồn… mấy năm qua đang có những diễn biến phức tạp, bất lợi.
Nguồn nước đang có nguy cơ cạn kiệt. Ảnh: Duy Nguyên.
Nhiều hội thảo và các giải pháp đã được bàn định, với mục tiêu quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, để người dân không thiếu nước sinh hoạt, đảm bảo chiến lược về lương thực và sự phát triển kinh tế liên quan đến nguồn nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, mặc dù Việt Nam có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối và tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, tuy nhiên nguồn nước chủ yếu từ nước ngoài chảy vào nên lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37% tổng lượng nước.Bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 9.000 m3/năm.
Tương tự, nguồn nước dưới đất dù có tiềm năng, ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm song cũng chỉ tập trung ở một số khu vực như đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Tính sự phổ cập toàn địa phương, nguồn nước dưới đất lại hạn chế theo vùng, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, trên thực tế, nguồn nước tại Việt Nam có hạn, nhất là đang có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Ở đây, nguyên nhân chính do sự tăng trưởng kinh tế nhanh, đời sống người dân đang cấp thiết đòi hỏi sử dụng nước ngày càng tăng trong khi nguồn nước có hạn và hiệu quả sử dụng nước còn thấp. Bên cạnh đó, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng, các tác động của biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước đang khiến cho nguồn nước “co lại”. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự hài hòa lợi ích giữa các quốc gia sử dụng nước ở thượng lưu và hạ lưu. Chỉ riêng một số quốc gia ở vùng thượng lưu ngăn nước hồi đầu năm nay đã khiến cho Việt Nam khó khăn về cung ứng nước.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống nhân dân, ảnh hưởng đến mùa màng, đánh vào kinh tế không nhỏ. “Gần 2/3 lượng nước của VN được hình thành từ ngoài lãnh thổ, nhưng chúng ta chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng. Nếu nói nước dùng mãi không hết là sự nguy hiểm trong nhận thức. Hiện nay, nhiều địa phương đã thực sự khó khăn với nguồn nước và chất lượng nguồn nước”, ông Tài nhấn mạnh.
TS Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nhận thức được các tồn tại trong thực tế và các thách thức trong tương lai đối với quản lý tài nguyên nước, ngành nước cần có những thay đổi về tổ chức, hoàn thiện về thể chế, xác định được chiến lược phát triển và có chính sách phù hợp để bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Các hoạt động quản lý cần được thực hiện thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương và quản lý thống nhất theo lưu vực sông, quản lý cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước cần được làm mạnh mẽ hơn. Cộng đồng cần có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Theo Bộ TN&MT, trong thời gian tới, Bộ sẽ thành lập các Ban chỉ đạo liên quan đến các vấn đề bảo vệ và phát triển nguồn nước. Trước mắt, sẽ thành lập Ban chỉ đạo điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các địa phương, đặc biệt tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Chương trình này được thực hiện tại 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến số vùng được điều tra, đánh giá là 1.333 vùng, được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020. Chương trình gồm 3 dự án thành phần Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng. Xây dựng thí điểm hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước đặc trưng…“Từ mỗi chương trình sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhiều sông, ngòi, hồ nhưng không đồng nghĩa sẽ mãi còn nước. Hoạch định chiến lược ngay lúc này, theo quy hoạch của Chính phủ, là sự cấp thiết tối quan trọng”, TS Châu Trần Vĩnh - Cục Quản lý tài nguyên nước nhấn mạnh.
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là “một quá trình” để quản lý tài nguyên nước ngày một hiệu lực vì mục tiêu phát triển bền vững, là “một quan điểm” bao trùm từ trách nhiệm nhà nước đến trách nhiệm các tổ chức và cộng đồng khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và cuối cùng là “một cách tiếp cận” vận dụng hài hòa các dạng thể chế quản lý tài nguyên và dịch vụ nước trong ngành nước.