Tại sao không là festival mỹ thuật?

Minh Quân 10/09/2015 14:10

Một hội thảo khoa học xoay quanh nội dung “Đề xuất giải pháp hoàn thiện, đổi mới nâng cao chất lượng các triển lãm mỹ thuật toàn quốc” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo các nhà nghiên cứu, phê bình thì triển lãm mỹ thuật hiện nay đang thiếu hẳn sự chuyên nghiệp.

Đơn cử gần nhất như “Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015” vừa khép lại giai đoạn nhận tác phẩm dự thi. Tới đây sẽ là giai đoạn chấm chọn và tính toán phương án trưng bày tại triển lãm quy mô toàn quốc. Bên cạnh các đề tài mà các tác giả thường xuyên sáng tác, BTC cũng khuyến khích các tác giả tìm tòi sáng tạo trên tinh thần phát huy truyền thống mỹ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới hướng tới những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật… Thế nhưng, sau khi kết thúc việc nhận tác phẩm, dường như sân chơi có quy mô toàn quốc vẫn chỉ mang tính phong trào.

Theo phân tích của nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương, thực tế, triển lãm mỹ thuật toàn quốc ngày càng hỗn độn, rối loạn, khó sắp xếp. Một không gian triển lãm dành cho gần 700, 800 tác giả, mỗi người một tác phẩm, cùng lắm là hai, không giải quyết được vấn đề gì, dễ gây mệt mỏi thị giác. Nhiều khi, cách trưng bày này còn làm phương hại cho tác phẩm và tác giả. Trong khi khá nhiều họa sĩ làm việc liên tục, tích cực, có tính chuyên nghiệp, đã dần tìm đến con đường triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm. Họ dễ được nhận biết và cũng dễ nổi danh hơn bằng con đường này.

Cùng với đó, một thực tế triển lãm mỹ thuật toàn quốc không còn thu hút nhiều họa sĩ chuyên nghiệp, có tên tuổi tham dự. Và với áp lực của số lượng tác giả còn lại thì rõ ràng không thể gọi là triển lãm có chất lượng. Tất nhiên có cả những tác phẩm tốt và những nỗ lực sáng tạo cá nhân ở đây, nhưng cũng thiệt thòi cho tác phẩm và tác giả trong sự bày biện xô bồ đông đúc này.

Một tác phẩm trưng bày lẻ loi ở đây dù công phu, nhiều ý cũng không đủ để nói lên phong cách nghệ thuật hay giúp ích gì cho tác giả.

Với cách thu nhận hàng ngàn tác phẩm, việc sàng lọc xét duyệt trở nên khó khăn cho ban tổ chức, không tránh khỏi sự qua loa đại khái, hoặc sơ suất. BTC và hội đồng xét duyệt càng đông thì trách nhiệm càng chuyển thành có tính “tập thể”, không ai chịu trách nhiệm cá nhân. Cũng với cách tổ chức này, các hình thức nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video art, phần lớn thuộc thế hệ trẻ, đã xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên 90 và ngày càng phát triển sau năm 2000 cũng khó có điều kiện để tham dự.

Vì thế, theo bà Hương, đối với triển lãm mỹ thuật toàn quốc, có thể biến thành festival mỹ thuật toàn quốc, 5 năm một lần, nhưng với một cách tổ chức mới mẻ hơn chuyên nghiệp hơn, thú vị hơn. Festival mỹ thuật toàn quốc nên chia thành ít nhất vài khu vực riêng, dành sân chơi cho cả các hình thức nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video art…

Phần hội họa, đồ họa, điêu khắc nên giảm số lượng đi hai phần ba. Chỉ nên trưng bày khoảng trên dưới 200 tác phẩm xuất sắc nhất.

Sau 5 năm triển lãm khu vực ta đã có tối thiểu 100 tác phẩm từ giải thưởng đến khuyến khích trở lên của các hội viên. Chỉ cần chọn thêm bên ngoài gần 100 tác phẩm nữa là đủ. Để festival được sinh động, mới mẻ, cởi mở, thu hút giới trẻ và các hình thức nghệ thuật mới, nên mạnh dạn chọn thêm vài nghệ sĩ trẻ có uy tín và có trải nghiệm thực tế làm giám tuyển bổ sung cho các phần nghệ thuật mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tại sao không là festival mỹ thuật?