Mới đây nhiều sự kiện đã được tổ chức với mong muốn bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo. Qua đó, khán giả trẻ cũng đã có những cách tiếp cận mới về môn nghệ thuật này.
Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2020, ngày 8/11, tại Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam phối hợp với Chèo 48h đã tổ chức Workshop “Tái sinh nghệ thuật Chèo với tư duy thiết kế”.
Tại chương trình, các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam cùng các chuyên gia đã đến hướng dẫn nhóm 30 bạn trẻ thuộc Trường ĐH Việt Nhật, các đơn vị thành viên của ĐHQG Hà Nội và các bạn trẻ khác quan tâm tới chèo.
Những người dự thi ý tưởng dù thuộc ngành học nào, như khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật, kỹ thuật, thiết kế, marketing... sẽ cùng hợp tác, làm việc theo nhóm, ứng dụng quy trình tư duy thiết kế để tạo ra các giải pháp sáng tạo đưa chèo đến gần hơn với giới trẻ. 30 bạn dự thi được chia thành 5 đội, với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam và Cộng đồng Nhà giáo dục khởi nghiệp VNU VIBERS.
Theo BTC chương trình, quy trình tư duy thiết kế là một trong những quy trình tư duy hiệu quả, giúp thúc đẩy tính sáng tạo và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề của đời sống, xã hội. Với workshop này, BTC mong muốn lan tỏa phương pháp tư duy thiết kế tới giới trẻ, giúp các bạn trẻ tiếp thu phương pháp tư duy này và ứng dụng vào việc bảo tồn văn hóa, nnghệ thuật truyền thống Việt Nam nói riêng cũng như đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề của xã hội Việt Nam nói chung.
Gắn bó nhiều năm với nghệ thuật Chèo, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: Là đơn vị được coi như “anh cả đỏ” của chèo Việt Nam với gần 70 năm hình thành và phát triển, nhà hát có trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật chèo. Hiện nay, nhà hát có 5 thế hệ đứng trên sân khấu do đó về nghề chúng tôi phải thường xuyên đào tạo từ diễn viên và nhạc công để lấp đầy những khoảng trống của các thế hệ đi trước.
Tuy nhiên, NSND Thanh Ngoan thừa nhận, nghệ thuật chèo đang dần mai một. Người nghệ sĩ cần có trách nhiệm định hướng cho khán giả, những người yêu chèo, những người làm chèo nhận diện được thế nào là chèo một cách đúng nghĩa hay kịch cắm hát. Khán giả đến với Nhà hát Chèo Việt Nam từ nhiều năm nay không chỉ là trung niên mà còn có các bạn trẻ. Mà các bạn trẻ cũng có những sân chơi như dự án “Tôi xê dịch”, “Chèo 48”; hay khi đi đến các trường đại học, cũng có những bạn sinh viên rất đam mê với chèo. Không chỉ riêng mình tôi mà các thế hệ đi trước, các thế hệ vẫn đang cùng làm nghề, những người tâm huyết vẫn luôn có sự đào tạo cho người trẻ, luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết và đặc biệt là giữ truyền thống của Nhà hát Chèo Việt Nam. Chúng tôi mở lớp để dạy về chèo, dẫn dắt bởi các nghệ sĩ đã thành danh qua nhiều vai diễn. Hằng năm cứ đến ngày truyền thống, chúng tôi mời tất cả các nghệ sĩ lão thành đến trao đổi kinh nghiệm với các thế hệ trẻ và đóng góp cho Ban Giám đốc, cho các nghệ sĩ để tiếp tục giữ nghiệp…
Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm, tiếp cận nghệ thuật chèo được tổ chức trong thời gian qua, mới đây Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc cũng được tổ chức tại Hà Nam với sự tham gia của 64 diễn viên đến từ 11 Nhà hát. Cuộc thi được tổ chức nhằm phát hiện tài năng diễn viên sân khấu chèo; khuyến khích động viên các nghệ sĩ trẻ có những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu chèo. Cuộc thi còn là dịp để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới. Đây cũng là dịp các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu chèo hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ trẻ trong thời gian tới.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ: Cuộc thi được tổ chức với mong muốn bảo tồn tinh hoa văn hoa dân tộc, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh nghệ thuật sân khấu chèo trong đời sống văn hóa. Trước đó, Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi tài năng, liên hoan chèo toàn quốc, tạo sân chơi lành mạnh để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, về số lượng thí sinh đăng ký tham dự cuộc thi năm nay đông hơn các năm trước. Việc các thí sinh lựa chọn các trích đoạn mà trước đó đã có nhiều nghệ sĩ biểu diễn thành công cũng sẽ tạo nên hấp dẫn cho cuộc thi. Bởi để tạo dấu ấn, đòi hỏi các thí sinh phải không ngừng nỗ lực trong tập luyện và đòi hỏi phải tiếp tục sáng tạo, để tạo ra sự khác biệt so với các tiết mục đã biểu diễn trước đó...
Có thể nói, bằng nhiều cách làm khác nhau, nghệ thuật chèo đang dần tiếp cận nhiều đối tượng khán giả trong việc lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Không chỉ riêng mình tôi mà các thế hệ đi trước, các thế hệ vẫn đang cùng làm nghề, người tâm huyết vẫn luôn có những sự đào tạo, luôn luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết và đặc biệt là truyền thống của Nhà hát Chèo Việt Nam… Tôi vững tin sẽ có nhiều người hiểu, cùng cất tiếng nói để đào tạo cho lớp trẻ Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng và các nhà hát chèo nói chung để khán giả hiểu về nghệ thuật chèo, vì có hiểu thì mới thích, có thích thì mới đến và có yêu thì mới bỏ tiền ra mua vé”- NSND Thanh Ngoan nói.