Tầm nhìn mới cho nông thôn mới

Trần Duy Hưng 17/04/2017 08:05

Từ chủ trương xây dựng nông thôn mới, 6 năm qua, công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn đã được cả nước triển khai ở mức độ tập trung nhất, toàn diện nhất, với mục tiêu phát triển mọi mặt đời sống nông thôn. Chặng đường chưa dài nhưng đã có những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết khi xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy, 6 năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, chung sức thực hiện của các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp.

Rất nhiều những câu chuyện về những cá nhân, gia đình sẵn sàng hiến đất cho làng cho xã; những người con xa quê, cả ở nước ngoài gom góp tiền bạc gửi về ủng hộ quê hương; những nhà tu hành đứng ra kêu gọi, quyên góp ủng hộ xây dựng NTM nơi mình hành đạo; những doanh nghiệp dành một phần lợi nhuận xây cầu, làm các công trình điện đường, trường trạm tặng các địa phương khó khăn...đã cho thấy xây dựng NTM thực sự là một chủ trương thiết thực, đi vào cuộc sống...

Thông tin từ Hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối NTM tổ chức cuối tuần qua tại Hà Tĩnh cho biết chỉ tính riêng tiền bạc, kể từ khi thực hiện đến nay, cả nước đã huy động từ nhiều nguồn, được gần 900.000 tỷ đồng phục vụ xây dựng NTM. Với việc được đầu tư tập trung, lớn như vậy, diện mạo của nhiều làng quê trên cả nước đã có sự thay đổi nhanh chóng.

Theo đó, hàng loạt công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh đã được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Ở nhiều địa phương đồng ruộng được dồn đổi, chỉnh trang, xuất hiện những mô hình, phương thức sản xuất, làm ăn mới hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Và, theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, tính đến đầu năm 2017 này, cả nước đã có 2.621 xã đạt chuẩn NTM (xấp xỉ 30% tổng số xã) và cũng đã có 33 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, những câu chuyện cảm động về tinh thần trách nhiệm với làng quê thực tế cũng cho thấy, vì nhiều lý do, quá trình xây dựng NTM ở không ít địa phương thời gian qua đã để xảy ra nhiều chuyện phiền lòng.

Phổ biến là, do không tôn trọng, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ nhiều địa phương để xảy ra mâu thuẫn, bao gồm mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, giữa người dân với người dân trong cùng một cộng đồng. Thay bằng đoàn kết, gắn bó hơn nhiều làng quê đã trở nên chia rẽ vì xây dựng NTM.

Trong điều kiện nguồn lực, nhất là tiền bạc eo hẹp nhưng ở nhiều địa phương có tình trạng “vung tay quá trán”, đầu tư dàn trải, lãng phí. Phổ biến là việc đổ tiền xây dựng trụ sở xã sao cho thật hoành tráng; hàng loạt chợ xây xong không có người họp, nhiều nhà văn hóa xây xong nhưng cửa khóa quanh năm vv...

Liên hệ với con số nợ đọng xây dựng NTM lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng của các địa phương hiện nay, chưa biết trông vào đâu để trả nợ; liên hệ với việc lạm thu từng xảy ra ở nhiều địa phương, khiến đóng góp xây dựng NTM trở thành gánh nặng của nhiều hộ dân ở nhiều làng quê...mới thấy nói chuyện dàn trải, lãng phí trong xây dựng NTM không phải chỉ để nói!

Một bất cập lớn khác đó là, quá trình xây dựng NTM, nhiều địa phương mới chỉ chú trọng việc xây dựng hạ tầng, chưa chú trọng việc phát triển sản xuất. Đó là lý do, ở nhiều địa phương dẫu đã đạt chuẩn NTM nhưng các hoạt động sản xuất trên địa bàn không có nhiều chuyển biến.

Trong đó, sản xuất nông nghiệp vẫn theo phương thức cũ, nhỏ lẻ, manh mún. Nông dân vẫn loay hoay, đơn độc, khốn khổ trong việc tìm đầu ra cho nông sản.

Để đảm bảo cuộc sống, nhiều lao động ở đây vẫn phải chọn giải pháp “ly nông, ly hương”, dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Với nhiều làng quê, sau khi đạt chuẩn NTM cũng là lúc nhiều giá trị văn hóa, bản sắc riêng bị mai một, biến dạng...

Đáng buồn hơn cả là quá trình xây dựng NTM đã “lộ” ra không ít cán bộ, đảng viên hư hỏng. Họ coi đây là một cơ hội tốt để kiếm chác, dùng đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe, cấu kết để trục lợi.

Việc nhiều công trình hạ tầng NTM bị phát hiện rút lõi, chất lượng không đảm bảo, bị phát hiện nâng khống giá trị thời gian qua đã nói lên thực tế đau lòng này. Xin nêu thêm một ví dụ rất thời sự. Cuối tuần qua, Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định đã quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật “khai trừ Đảng” đối với ông Trần Văn Đ.

Theo đó, là Bí thư chi bộ, xóm trưởng, Trưởng nhóm dự án xây dựng các công trình phúc lợi thôn Đồng Lạc, xã Nam Phong (TP.Nam Định), thay bằng phát huy tinh thần trách nhiệm, chăm lo cho việc làng việc xóm, lại chỉ nghĩ đến việc vun vén cho lợi ích cá nhân.

Không chỉ có hành vi giao đất trái thẩm quyền, ông Đ. còn cấu kết với thủ quỹ tự ý rút 100 triệu đồng của người dân đóng góp mang đi cho vay lãi. Để đối phó, vị này đã có hành vi làm giả cả biên bản họp dân...

Thực tế trên cho thấy, ở thời điểm Chương trình xây dựng NTM bước vào giai đoạn mới, nổi lên mấy vấn đề cần được giải quyết một cách thấu đáo. So với những xã thực hiện xây dựng NTM giai đoạn đầu, những xã bây giờ mới thực hiện thường là những xã ở nhóm dưới, khó khăn hơn về nhiều mặt.

Việc triển khai một chủ trương, kế hoạch lớn như xây dựng NTM ở những địa phương này rõ ràng cần nhiều nguồn lực hơn, cả trí tuệ, tiền của và trách nhiệm.

Ở thời điểm hiện tại, đời sống nông nghiệp, nông thôn đang đứng trước những yêu cầu phát triển cao hơn. Như tầm nhìn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra mới đây, thì khu vực này phải được phát triển dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chất lượng cao và công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp...

Trong định hướng phát triển này, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này thì các địa phương phải thực hiện được việc tích tụ ruộng đất, nhưng điều đó không dễ.

Cuối cùng, vẫn cần phải nhắc lại, mục tiêu lớn nhất của xây dựng NTM là phải giúp đời sống của người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn sung túc hơn, đủ đầy hơn, an toàn hơn; không phải rời bỏ làng quê của mình.

Để đạt được mục tiêu này trong quá trình xây dựng NTM bằng cách nào thì quyền làm chủ của người dân cũng phải được tôn trọng; những quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người dân phải được đáp ứng.

Không đạt được điều này, mâu thuẫn, xung đột xảy ra là điều dễ hiểu. Và, xây dựng, phát triển nông thôn được xác định là một quá trình lâu dài, không có điểm dừng, rất cần sự thực chất.

Những quyết định nóng vội, thiếu cân nhắc hoặc chỉ phục vụ mục đích làm đẹp cho các báo cáo thành tích chỉ có một “tác dụng” duy nhất, đó là kéo lùi hoặc cản đường phát triển của các làng quê!

Mục tiêu lớn nhất của xây dựng nông thôn mới là phải giúp đời sống của người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn sung túc hơn, đủ đầy hơn, an toàn hơn; không phải rời bỏ làng quê của mình.

Để đạt được mục tiêu này trong quá trình xây dựng NTM bằng cách nào thì quyền làm chủ của người dân cũng phải được tôn trọng; những quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người dân phải được đáp ứng. Xây dựng, phát triển nông thôn phải được xác định là một quá trình lâu dài, không có điểm dừng,

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm nhìn mới cho nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO