Mặt trận

Tận tâm vì cộng đồng

Tiến Đạt 25/05/2024 14:12

Nhiều năm gắn bó với công tác Mặt trận, bà Hoàng Thị Bắc - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hải Phong (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác Mặt trận, được nhân dân, tin yêu.

bai-duoi.jpg
Bà Hoàng Thị Bắc (bên phải) cùng người dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn xã Hải Phong. Ảnh: NVCC.

Những năm qua, với cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hải Phong, bà Bắc luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã phối hợp với các tổ chức thành viên để vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững và phát triển.

Trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, bà Bắc đã chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ xã Hải Phong cụ thể hóa các nội dung, gắn với nhiệm vụ trọng tâm của xã là hoàn thành việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, được đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

Bên cạnh đó, MTTQ xã Hải Phong đã phối hợp với Công an xã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phòng chống tệ nạn xã hội, giải quyết các vướng mắc trong cộng đồng dân cư, gắn với phong trào "Xây dựng khu dân cư 5 không”, từ đó được các khu dân cư trong xã tích cực triển khai. Hàng năm, MTTQ xã đều hướng dẫn các khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân tham dự. 100% khu dân cư tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội, 100% khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”. Tình làng, nghĩa xóm ngày càng thêm gắn kết.

Cùng với chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bà Bắc cùng MTTQ xã Hải Phong đã vận động người dân triển khai nhiều mô hình hay ở cơ sở, trong đó phải kể đến mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Hải Phong là xã thuần nông với khoảng 90% hộ gia đình đều có diện tích vườn tạp có thể sử dụng để làm nơi xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Xuất phát từ thực trạng rác thải sinh hoạt không được phân loại, xử lý, gây áp lực cho bãi xử lý rác thải của xã, đồng thời không đảm bảo vệ sinh môi trường và tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bà Bắc đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch, tham quan mô hình, nghiên cứu đặc điểm thuận lợi, khó khăn của địa phương và tiến hành triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng hố xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Sau đó triển khai cho các Ban Công tác Mặt trận tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng, hỗ trợ thêm kinh phí cho các hộ gia đình lắp đặt hố xử lý rác thải. Từ khi thực hiện việc phân loại rác thải hữu cơ và xử lý tại hộ gia đình, lượng rác thải đã giảm đi hơn 50% so với trước.

“Mô hình phân loại, xử lý rác nhà bếp thành phân hữu cơ tại hộ gia đình là một trong những hoạt động góp phần giúp địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu” - bà Bắc cho biết.

Nói về kinh nghiệm, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình ở cơ sở nói chung, bà Bắc cho rằng phải luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động. Trong đó cần chú trọng khảo sát điều kiện tự nhiên, lựa chọn đơn vị để tập trung triển khai làm điểm, đánh giá hiệu quả mô hình, kết hợp với tuyên truyền để nhân dân thấy được lợi ích, hiệu quả khi triển khai mô hình; đồng thời thường xuyên phổ biến, kiểm tra để đảm bảo mô hình được thực hiện hiệu quả, từ đó sẽ có thêm nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả cao được nhân rộng trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận tâm vì cộng đồng