Tăng bệnh nhân lao nhập viện

Đức Trân 15/02/2023 07:00

Bệnh lao được các chuyên gia y tế ví như một “sát thủ thầm lặng” bởi đặc tính diễn tiến âm thầm của nó. Đáng lo ngại hơn, sau Covid-19, số người mắc bệnh lao đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Điều trị bệnh nhân mắc lao tại Bệnh viện Phổi trung ương.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tháng 10/2022 ghi nhận mức tăng các ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. WHO cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần 2 thập niên. Báo cáo nêu rõ, trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi (2021), 1,6 triệu người đã tử vong.

Trong khi đó, tại Việt Nam, từ sau quý I/2022 đến nay, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, số ca mắc lao mới được phát hiện trong nước đã gia tăng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phát hiện được 76.000 ca mắc, gần bằng với con số của cả năm 2021. Số liệu từ WHO cũng cho thấy, nước ta là một trong 30 quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao nhất thế giới, khi bình quân mỗi năm có trên 170.000 người mắc và khoảng 10.000 người tử vong do bệnh lao.

Đang điều trị tại Bệnh viện Phổi trung ương, anh Đinh Lê Tường Lộc (26 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bị ho và sốt liên tục từ sau Tết Âm lịch, nhưng cũng chỉ nghĩ do cảm cúm, sốt virus hay Covid-19 nên quyết định tự điều trị tại nhà. Chỉ đến khi cơn ho diễn ra ngày càng nhiều, nhất là đêm khuya, kèm theo dấu hiệu tức ngực, khó thở, ăn uống kém và có ho ra máu tôi mới đến bệnh viện để thăm khám. Bác sĩ kết luận tôi mắc lao phổi”.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương thông tin: “Thống kê của Chương trình Chống lao Quốc gia cho thấy, hàng năm, Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng”.

Theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó trưởng Ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia, Phó Giám đốc bệnh viện Phổi trung ương cho biết: Đã có những báo cáo cho thấy, những người đã mắc Covid-19 thì nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, bệnh lao tăng cao hơn. Đồng thời, năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn nhẹ, số lượng bệnh nhân lao trên cả nước giảm và chỉ ở mức 3,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều người mắc bệnh lao không thể đến khám, không được phát hiện và điều trị. Nhiều hoạt động của Chương trình chống lao Quốc gia không thể triển khai được trong giai đoạn này.

Đáng lo ngại hơn khi nước ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ lao đa kháng thuốc cao trên thế giới - đây là tình trạng vi khuẩn lao không bị tiêu diệt bởi phần lớn các loại thuốc chống lao, kể cả các loại thuốc có hiệu lực chống vi khuẩn lao mạnh như isoniazid và rifampicin. Tình trạng đa kháng thuốc làm cho việc điều trị bệnh lao đã khó lại càng khó hơn, làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh lao, không những thế vi khuẩn lao đa kháng thuốc còn có thể lây sang những người xung quanh nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ: Trong tổng số bình quân 170.000 ca mắc lao mới hàng năm có khoảng 7.000 ca bị lao kháng thuốc, tuy nhiên chúng ta mới phát hiện được 5.000 ca. Chữa bệnh lao đa kháng thuốc phức tạp hơn, thuốc điều trị tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường nhưng hiện nay thuốc điều trị lao hay lao kháng thuốc đều được cung cấp miễn phí qua bảo hiểm y tế. Ngoài việc khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn nhiều trong điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng.

Hiện nay tại nước ta, tỷ lệ người mắc lao khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn, và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Do vậy, để phát hiện ca mắc cần kết hợp cả 3 phương pháp phát hiện chủ động - y tế đến với người dân; phát hiện tích cực - tại các cơ sở y tế và cộng đồng; và phát hiện thường quy - người dân đến khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế.

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, khi người dân ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp gồm: Sụt cân nhanh, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở… Khi đó, người dân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng bệnh nhân lao nhập viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO