Ngày 16/2, Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thống nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Chủ trì Hội nghị Hiệp thương là ông Nguyễn Hoàng Năng, Thành ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Hồ Chí Minh và các Phó Chủ tịch là ông Trần Tấn Ngời và ông Vũ Thanh Lưu.
Tới dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP; ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam của Ủy ban TƯMTTQVN; đại diện Thường trực HĐND TP; Ban Tổ chức Thành ủy; Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; UBND TP; Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP và các tổ chức thành viên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM nhấn mạnh, hoạt động bầu cử đại biểu HĐND các cấp là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên cả nước. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực các cấp.
Tại TP. Hồ Chí Minh, công tác bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới đang được thực hiện khẩn trương, trong đó MTTQ có quyền và trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, hiệp thương giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, thành phần, đặc biệt là tiêu biểu về uy tín, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, trung thành với Tổ quốc. “Chính vì vậy, công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải đảm bảo thực sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đúng tiến độ về thời gian cho từng công việc, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân”, ông Nguyễn Hoàng Năng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thỏa thuận và thống nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu để bầu đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, các đại biểu đã cho ý kiến góp ý về cơ cấu các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu người ứng cử, gồm các tổ chức chính trị; khối cơ quan quản lý Nhà nước thành phố; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; lực lượng vũ trang nhân dân; cơ quan tư pháp; đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp; tôn giáo và đại biểu tự ứng cử.
Theo ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Hồ Chí Minh, trong lần hiệp thương lần thứ nhất mặt trận thành phố giới thiệu 197 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trong đó, đại biểu nữ chiếm 38,07%; đại biểu trẻ là 17,8% và đại biểu dân tộc là 5,07%.
Đóng góp ý kiến vào tờ trình của Ủy ban MTTQVN TP. Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu doanh nghiệp thành phố đã kiến nghị tăng tỷ lệ đại biểu ứng cử là doanh nghiệp do hàng năm tỷ lệ đóng góp giá trị vào kinh tế - xã hội thành phố luôn chiếm tỷ lệ cao. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng đang chú trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập sâu hơn vào khu vực (AEC) và các khu vực kinh tế phát triển trên thế giới (EU, Mỹ, Nhật,…). Vì vậy, doanh nghiệp cần được quan tâm và tham gia đóng góp trí tuệ, là người đại biểu của nhân dân tham gia vào HĐND các cấp. “Tôi cho rằng, cơ cấu đại biểu doanh nghiệp ứng cử vào HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2021 cần được tăng lên để đảm bảo xu hướng phát triển mới của thành phố, trong đó tiếng nói của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân dân cần phải được quan tâm và lắng nghe nhiều hơn”, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh nói.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố cũng đề nghị tăng cơ cấu đối với đại biểu ứng cử là tầng lớp công – nông. Theo đại biểu này, nói đến nhân dân thì hai tầng lớp công nhân và nông dân là nòng cốt. Do đó, nhất thiết phải có tiếng nói đại diện của họ trong HĐND TP khóa mới.
Ông Dương Quan Hà, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Hồ Chí Minh bên cạnh việc góp ý tăng cơ cấu đại biểu doanh nghiệp ứng cử đại biểu HĐND còn đề nghị trong cơ cấu thành phần Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần có đại diện đầy đủ của các đơn vị, tổ chức, như công đoàn, phụ nữ, thanh niên và Hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP đề nghị đơn vị chủ trì hiệp thương là Ủy ban MTTQVN TP cần đặc biệt quan tâm đến cơ cấu định hướng của trung ương về đại biểu nữ, đại biểu trẻ (dưới 35 tuổi), đại biểu dân tộc và tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng và các đại biểu tự ứng cử. “Văn bản hiệp thương lần thứ nhất sẽ được gửi lên Thường trực HĐND TP góp ý, điều chỉnh cả về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND khóa mới. Đặc biệt, ngoài 5 bước hiệp thương và 3 Hội nghị hiệp thương thì khâu rất quan trọng là các cơ quan, đơn vị giới thiệu ứng cử viên, sau đó Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 sẽ chốt danh sách cuối cùng”, bà Tâm cho biết.
Kết thúc Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu tham dự hội nghị đã nhất trí cao với dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu để bầu đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trong đó, Hội nghị đã biểu quyết thống nhất 100% đối với các tiêu chí về số lượng đại biểu giới thiệu (ít nhất là 200 người); ít nhất có 39% người ứng cử là phụ nữ; ít nhất là 10 người tự ứng cử và có trên 16% người ứng cử dưới 35 tuổi. Riêng người ứng cử là đại biểu doanh nghiệp cũng đã được Hội nghị thống nhất tăng thêm cơ cấu ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa mới.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh cho biết, kết thúc Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, BTC sẽ tiếp tục tổ chức hai Hội nghị Hiệp thương tiếp theo để tiếp tục lấy các ý kiến đóng góp, bổ sung để chốt danh sách giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Thành Luân