Năm 2020, bên cạnh phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học (ĐH) cho biết có thêm các phương án tuyển sinh mới.
Thí sinh cân nhắc và lựa chọn phương án xét tuyển phù hợp nhất, thậm chí có thể sử dụng 2-3 phương thức xét tuyển vào cùng một trường để tăng cơ hội trúng tuyển.
Kỳ tuyển sinh năm 2020, bên cạnh việc tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT; theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các thí sinh có thể cân nhắc tới việc xét tuyển kết hợp học bạ với những trường có sử dụng phương thức này để tuyển sinh.
Một băn khoăn đặt ra là nếu một thí sinh dùng cả 3 phương thức này để nộp hồ sơ vào trường thì nhà trường sẽ thực hiện thế nào? Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH cũng quy định rõ phương thức tuyển sinh bằng điểm học bạ THPT và tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 2 phương thức xét tuyển độc lập và bình đẳng. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển đồng thời cả 2 phương thức, kết quả của phương thức này không ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển của phương thức kia.
Vì vậy, nếu thí sinh đã đăng ký xét tuyển học bạ vào trường đại học/ ngành học nào đó, vẫn có thể tiếp tục đăng ký xét tuyển nguyện vọng đó trong hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của mình. Thông tin xét tuyển của hai phương thức cũng hoàn toàn độc lập.
Với mỗi đợt xét tuyển của mỗi phương thức, thí sinh có thể trúng tuyển 1 nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển. Vì vậy, nếu trúng tuyển theo nhiều phương thức/ nhiều đợt, thí sinh sẽ nhận được số giấy báo trúng tuyển tương ứng. Tùy theo mong muốn và lựa chọn của mình, bạn lựa chọn nhập học theo một trong số kết quả đã trúng tuyển.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Văn Lương-Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) thông tin cụ thể hơn tới các thí sinh. Về nguyên tắc, thí sinh nộp hồ sơ theo phương thức nào cũng đều được các trường xét. Trường hợp thí sinh nộp hồ sơ vào nhiều trường ĐH, sẽ được các trường xét độc lập, trừ đợt xét tuyển bằng điểm thi. Nếu xét tuyển bằng học bạ, thí sinh đủ điều kiện có thể trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau khi đã nộp hồ sơ vào các đợt khác nhau.
Trường hợp các trường xét tuyển trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng mà trúng tuyển, khi thí sinh nhập học vào trường đó, Bộ GDĐT yêu cầu nhập thông tin xác định thí sinh nhập học đó lên hệ thống. Thí sinh có đăng ký điểm thi THPT sau này có trúng tuyển thì cũng không được xét tuyển nữa, vì thí sinh đã xác định nhập học vào trường trước khi điều chỉnh nguyện vọng.
Nếu thí sinh đăng ký kết quả thi THPT nhưng không nhập học luôn, thì khi các trường xét tuyển bằng học bạ, thí sinh vẫn có thể tham gia. Các trường sẽ xét tuyển và thông báo trúng tuyển cho thí sinh. Nếu thí sinh trúng tuyển, nhưng không nhập học, thì có thể xét tuyển bằng các đợt bổ sung. Do đó, không có chuyện thí sinh trúng tuyển cả hai phương thức tuyển sinh.
Thí sinh chỉ được quyền chọn một trong hai phương thức để xác định nhập học. Thí sinh khi đã nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi thì không có quyền xét tuyển phương thức khác nữa (mặc dù phương thức khác có thể đỗ).
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, năm nay, nhà trường mở rộng phương thức xét tuyển thẳng với cả những thí sinh đạt giải môn Tin học, Vật lý, Tiếng Anh với 25% chỉ tiêu (mọi năm tối đa tuyển thẳng 15%). Còn phần lớn chỉ tiêu (75%) dành để xét tuyển kết quả từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
GS Tú phân tích, các em học sinh có thành tích học tập cao; đặc biệt là đạt những giải quốc gia cho thấy cả quá trình học tập được lựa chọn rất kỹ. Thực sự là các em có năng lực và nhà trường muốn dành sự ưu tiên ấy, đặc biệt là đối với những em không theo khối B nhưng hoàn toàn có khả năng học tốt ngành y. Vì vậy, với các em đủ điều kiện đã xét tuyển thẳng rồi thì nên tận dụng; tránh để mất cơ hội cho mình và các bạn khác.
“Đây là cơ hội rất hiếm cho các em không có khả năng cạnh tranh nguyện vọng thứ nhất ngành Y khoa tại Trường ĐH Y Hà Nội thì nên ghi Y khoa Phân hiệu Thanh Hóa là nguyện vọng thứ hai” - ông Tú nhấn mạnh.