Cơn bão số 2 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Theo ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Đài Thủy văn Bắc Trung bộ, các hiện tượng thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan và khó lường hơn, đòi hỏi công tác dự báo phải chính xác để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
PV:Thưa ông, gần đây thời tiết khu vực Bắc Trung bộ diễn ra như thế nào, nhất là hiện tượng thời tiết cực đoan?
Ông Nguyễn Văn Lượng: những năm gần đây tình hình khí tượng thủy văn nói chung và Bắc Trung Bộ nói riêng có nhiều biến động. Tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn, cục bộ hơn và có tính chất khó lường hơn. Tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn khu vực, có 60 cơn bão và 23 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông.
Trong đó, có khoảng 19 cơn bão và 4 ATNĐ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung bộ. Đặc biệt, năm 2017 là năm kỷ lục về số lượng bão xuất hiện trên Biển Đông (16 cơn bão, 4 ATNĐ), trong đó có 3 cơn bão và 1 ATNĐ ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, trng đó cơn bão năm 2017 rất bất thường và khốc liệt.
Còn về mưa, lượng mưa có những ngày lên tới 500-700mm. Hiện tượng này trước đây rất hiếm gặp và hầu như không có. Không những ở vùng sâu vùng xa mà ngay thành phố Vinh, các hiện tượng mưa lớn cực đoan xuất hiện tần suất cũng rất dày.
Cùng đó, nắng nóng, lũ lụt cũng gia tăng mạnh. Ở các khu vực sông suối lũ vượt mốc lịch sử thường xuyên xảy ra và hầu như năm nào cũng có. Sông suối ở Bắc Trung bộ dốc nên nước lên rất nhanh, mức độ tàn phá mạnh. Cùng với đó các hiện tượng sạt lở đất đá ở khu vực miền núi, mưa cục bộ xảy ra thời gian ngắn đã xuất hiện.
Có thể nói 5 năm gần đây, thời tiết mang tính chất cực đoan ngày càng nhiều hơn. Trong đó, nhiều hiện tượng thời tiết rất khó dự báo bởi diễn biến nhanh và khó lường.
Thưa ông, chúng ta mới đưa vào hoạt động trạm radar ở thành phố Vinh. Ông đánh ra sao hiệu quả của radar này và nó hỗ trợ thế nào trong công tác cảnh báo, dự báo?
-Công nghệ dự báo hiện nay đã khá phát triển. Ngành Khí tượng Thủy văn được đầu tư nhiều dự án phục vụ cho công tác dự báo. Vì vậy thời gian gần đây chất lượng các bản tin dự báo được nâng lên rất nhiều, độ chính xác cũng rất cao.
Còn hoạt động của trạm radar ở thành phố Vinh rất hiệu quả, nó như con mắt của mình. Mặc dù chúng ta có các mô hình, những phương pháp thống kê…nhưng có thể nói không gì bằng radar bởi nó thu phát từ thực tế, quan sát trên bầu trời vùng nào sắp có mưa là phát hiện được ngay.
Đặc điểm của radar là phát hiện tức thời, vì vậy khi “bắt” được những tình huống thiên tai như mưa lớn, giông lốc sét sắp xảy ra thì công tác truyền tin cũng được thực hiện tức thì, giúp giảm thiểu thấp nhất sự ảnh hưởng của nó tới đời sống người dân.
Trước các hiện tượng thời tiết cực đoan và diễn biến khó lường như vậy, theo ông cần những gì để các đài ở vùng sâu, vùng xa có thể cải thiện mạng lưới, nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo?
-Trước tiên là làm sao để đảm bảo đời sống cho cán bộ ngành Khí tượng thủy văn yên tâm công tác. Có yên tâm công tác thì người ta mới phát huy hết năng lực. Chúng tôi mong muốn có kinh phí để đầu tư vào các trạm còn đang khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kể cả phương tiện giao thông. Điển hình như Trạm Hòn Ngư - một trong các trạm thuộc mạng lưới các trạm điều tra cơ bản phục vụ dự báo.
Có đến đây, chứng kiến cuộc sống và làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của các quan trắc viên mới thấu hiểu và càng trân trọng hơn công việc “đếm gió, đo mây” của anh em. Người ít, công việc lại nhiều nên hầu như họ kiêm nhiệm cả đo hải văn và khí tượng. Khi thì leo núi đo hướng gió, nhiệt độ mặt đất, nhiệt độ không khí, độ ẩm… lúc lại xuống biển quan trắc nước, đo độ mặn, đo sóng và gió, nhưng anh em vẫn cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Trân trọng cảm ơn ông!