Bộ Y tế cho hay, trong năm 2019, Chương trình mục tiêu y tế - dân số sẽ lồng ghép truyền thông với 3 chương trình lớn là chương trình dân số, tăng cường y tế cơ sở và sức khoẻ Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện nay tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 72,9 tuổi (2010) lên 73,3 tuổi (2015). Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2015 tỷ suất trẻ em tử vong dưới 1 tuổi từ 15,5% đã giảm xuống còn 14,7%; tỷ suất trẻ em dưới 5 tuổi tử vong giảm từ 23,3% xuống còn 22,1%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân từ 16,8% giảm xuống còn 14,1%.
Tại hội nghị Cộng tác viên báo chí về Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2019 vừa được tổ chức tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Công Sinh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, (Bộ Y tế), Chánh văn phòng 1125 – Chương trình mục tiêu y tế - dân số cho biết, việc triển khai Chương trình mục tiêu y tế - dân số đã giúp mạng lưới y tế Việt Nam được phát triển rộng khắp, kiểm soát hiệu quả các bệnh, dịch mới nổi, không để dịch lớn xảy ra; tiếp tục giamr số ca mắc, tử vong của nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Đặc biệt, bảo vệ thành công thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hơn 95% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, tuổi thọ của người dân được nâng cao,…
Tuy nhiên tại hội nghị, Văn phòng 1125 và các đầu mối thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu đã chỉ ra hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới như: Những mặt trái của quá trình phát triển đang làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật. Bên cạnh đó, việc phân bổ kinh phí cho nhiệm vụ phòng, chống các bệnh không lây nhiễm chưa được hợp lý, chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu thực tế của nhiều người dân. Đặc biệt, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bảo đảm chất lượng cho người dân ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và ở vùng khó khăn vẫn còn hạn chế; nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số vẫn còn thiếu,…
Cùng với đó, ông Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) chia sẻ, chương trình sức khoẻ Việt Nam không phải là một chương trình mới mà đây là một chương trình tổng thể với mục đích nhằm kết nối các chương trình, dự án, đề án trong các lĩnh vực liên quan để tập trung thực hiện tốt các mục tiêu ưu tiên về sức khoẻ
Theo Bộ Y tế, Chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2019 sẽ tiến hành lồng ghép truyền thông của 3 chương trình lớn là chương trình dân số, tăng cường y tế cơ sở và sức khoẻ Việt Nam với mục tiêu chính là đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân. Từ đó, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khoẻ nhằm phòng, tránh bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ cho mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, chăm sóc sức khoẻ liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.