Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát nhanh ở các tỉnh - thành lân cận, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường phòng, chống dịch và đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường. Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn, cơ quan có trách nhiệm đã chỉ đạo việc thu mua, dự trữ thịt lợn và tìm các nguồn thực phẩm an toàn khác thay thế khi cần.
TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Tăng thực phẩm khác, cấp đông thịt lợn
Ghi nhận tại chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM, sức mua thịt lợn đang giảm sâu so với những tháng trước. Bà Nguyễn Ngọc Hoa (quận 9) cho hay: “Tôi không thường xuyên mua thịt lợn như trước đây do dịch bùng phát trên diện rộng. Sợ nhất lợn bị bệnh được vận chuyển từ các tỉnh khác đến. Thôi thì tạm ngưng thịt lợn một thời gian ngắn xem tình hình như thế nào”. Tiểu thương Trần Thị Hòa – chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho biết, trước đây 10 người đi chợ, 9 người chọn thịt lợn, nhưng từ khi dịch tả lợn châu Phi lây lan thì người lựa chọn thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày giảm còn 6 - 7 người, giờ chắc chỉ còn 2 – 3 người.
“Do lượng khách hàng giảm đáng kể nên mỗi ngày tôi chỉ nhập khoảng 50 kg bán lai rai mà còn không hết. Một buổi ngồi chợ, thời gian đuổi ruồi nhiều hơn thời gian bán hàng” – tiểu thương này cho hay. Trong khi đó, tại các hệ thống phân phối hiện đại, sức mua cũng giảm đáng kể mặc dù siêu thị đảm bảo nguồn hàng. Các siêu thị khẳng định, các khâu nhập hàng, bảo quản thịt lợn và có dấu kiểm dịch thú y hàng ngày…để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương TP HCM thông tin, hiện nay thành phố có 15 - 20 % lượng lợn được nuôi chủ động, còn lại phải nhập từ các tỉnh thành phố khác. Phòng lây lan dịch tả lợn châu Phi và đảm bảo nguồn cung thịt lợn, TPHCM làm việc với 6 doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn thu mua, dự trữ thịt lợn và đề nghị các DN này chủ động tìm các nguồn thực phẩm an toàn khác thay thế nếu nguồn thịt lợn sụt giảm.
Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, DN triển khai kế hoạch tăng lượng lợn giết mổ, cấp đông sẵn nguồn hàng. Tại đây, công suất giết mổ đang duy trì khoảng 1.200 con lợn/ngày. Sẵn sàng cho việc cấp đông thịt heo, song DN cũng bày tỏ lo ngại. Theo đó, nỗi sợ lớn nhất của DN khi tham gia cấp đông dự trữ là chi phí cho thịt đông lạnh cao hơn nhiều so với thịt nóng (dùng cho đông lạnh, hao hụt, nhân công). Băn khoăn thứ hai, khi cấp đông xong không biết lúc nào giải phóng được hàng tồn kho.
Tập trung phòng, chống dịch
Theo ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP HCM, dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trong cả nước và đang bùng phát khắp các tỉnh phía Nam. Cho đến thời điểm này TPHCM chưa phát hiện dịch bệnh. Tuy nhiên, với diễn biến như hiện nay tình huống nào cũng có thể xảy ra.
Ông Trung khẳng định, lực lượng chuyên ngành của thành phố đang căng mình chống dịch. TP HCM đã lập thêm 3 chốt kiểm dịch động vật lưu động để ngăn chặn nguy cơ xảy ra bệnh dịch thành phố. Đồng thời, chủ động lập thêm một số chốt di động và cố định để ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch tả lợn châu Phi như: Huyện Củ Chi lập 6 chốt, huyện Nhà Bè 4 chốt, huyện Bình Chánh 2 chốt, quận 12 lập 1 chốt…
Thời gian hoạt động của các chốt kiểm dịch là 24/24 giờ (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ). Làm tốt việc chốt chặn những tuyến đường giáp ranh các tỉnh để kiểm soát, sẵn sàng tiêu hủy tại chỗ. Nếu cần xử lý nhanh gọn và dứt điểm, quan trọng là phải kiểm soát được tình hình, không để dịch bệnh lan rộng.
Song song với việc tăng chốt kiểm dịch, TPHCM thực hiện việc cấp phát hóa chất khử trùng, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ. Đồng thời, yêu cầu các quận - huyện thường xuyên thông tin tuyên truyền tới các hộ dân về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Hiện TP HCM có 3.917 hộ chăn nuôi lợn tập trung ở huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh với tổng đàn lợn 274.154 con.
Trong đó, có 274 hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh các hoạt động phòng, chống dịch tả heo châu Phi nêu trên, thành phố còn tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ. Đặc biệt, giám sát và ngăn chặn tình trạng giết mổ lậu vì đây là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo, Sở NNPTNT thành phố quan tâm đến việc khu trú lại các cơ sở có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, đồng thời phối hợp với Ban An toàn thực phẩm TPHCM tăng cường công tác phòng, chống dịch.
* Bình Thuận xuất hiện dịch
Ngày 7/6, UBND hai huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận công bố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Như vậy, tính tới thời điểm này, Bình Thuận là tỉnh thứ 54 trong cả nước đã có dịch này xuất hiện. Ổ dịch thứ nhất được ghi nhận tại hộ ông Nguyễn Trường Thành, thôn 1, xã Gia An, huyện Tánh Linh.
Trước đó, ngày 1/6, lợn của hộ ông Nguyễn Trường Thành có một con bị chết. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, thú y huyện Tánh Linh xác định nguyên nhân chết do tụ huyết trùng. Đến ngày 2-3/6, 6 con lợn thịt (khoảng 70 kg) của nhà ông Thành tiếp tục chết. Hộ gia đình báo chính quyền địa phương, chiều cùng ngày, chính quyền xã Gia An tổ chức niêm phong thức ăn gia súc còn thừa, cấp phát thuốc sát trùng, tổ chức rải vôi, xịt thuốc tiêu độc… để xử lý chuồng trại, môi trường xung quanh và gửi mẫu đi xét nghiệm.
Sáng ngày 5/6, cũng tại địa bàn nói trên, hộ ông Lê Văn Luận cũng có 1 con lợn bị chết. Ngay lập tức, Thú y huyện Tánh Linh tổ chức lấy mẫu, theo dõi và tiến hành tiêu hủy lợn chết. Kết quả xét nghiệm huyết thanh lợn của Chi cục Thú y vùng VI vào ngày 5/6 cho thấy, các mẫu lợn ở địa bàn xã Gia An gửi đi đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ổ dịch thứ hai được xác định là tại trang trại hộ ông Lý Văn Hương ở thôn 1, xã Đức Chính, huyện Đức Linh. Chi cục Thú y vùng VI kết luận lợn trên chết là do dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, trang trại đã có 29 con lợn chết. Huyện Đức Linh đã tiến hành tiêu hủy số lợn chết đồng thời tổ chức lập chốt phun thuốc sát trùng, tổ chức tiêu độc, khử trùng… để bệnh tránh lây lan. Hồng Hiếu