Mặc dù tại một số lễ hội vẫn còn để xảy ra hiện tượng phản cảm và duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, song nhìn chung công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc.
Hà Nội là địa phương có hơn 1200 lễ hội quy mô lớn nhỏ, đây cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện tổng kiểm kê, đánh giá phân loại hệ thống di tích trên địa bàn nhằm cơ sở giúp các cấp thuận tiện trong việc quản lý. Từ đó có kế hoạch xây dựng chiến lược, kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cho phù hợp, lâu dài và đúng quy định của pháp luật.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có hướng dẫn người dân tham gia lễ hội thực hiện nếp sống văn minh, cách ứng xử với lễ hội, di tích, niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại những điểm có lễ hội. Công tác này tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới bằng nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức của người dân. Cùng với đó, ngành văn hóa tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm, các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 315 lễ hội. Thời gian qua việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, đảm bảo thời gian, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của từng địa phương, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi thu hút du khách. Các hủ tục mê tín dị đoan, cờ bạc từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là nếp sống văn minh trong lễ hội, văn hoá ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội từng bước được nâng lên.
Mặc dù đã có nhiều sự chuyển biến tích cực nhưng một số lễ hội trên địa bàn cả nước còn để xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực và duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội.
Bà Vi Thanh Hoài - Phó Cục trưởng, Cục Văn hoá cơ sở cho biết, vẫn còn tồn tại một vài hiện tượng trong một số di tích, lễ hội như: lợi dụng nhu cầu của người dân trong việc cúng lễ, dâng sao giải hạn để biến tướng, trục lợi; đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống... Công tác chỉ đạo, định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự sát sao đối với hoạt động tổ chức lễ hội nên vẫn để tồn tại một số hiện tượng chưa đúng quy định.
“Công tác thanh tra, kiểm tra di tích tại các địa phương có thời điểm chưa được thực hiện thường xuyên; sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội có lúc còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ” - bà Hoài nói.