Chính trị

Tăng cường giám sát và tái giám sát của Hội đồng Nhân dân

H.Vũ 25/03/2024 07:08

Hôm nay 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu để đề xuất, kiến nghị góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2024 và nhiệm kỳ 2021-2026.

cover.jpg
Giám sát trên thực địa việc giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô là việc làm thường xuyên và liên tục của HĐND TP Hà Nội góp phần đảm bảo tiến độ dự án. (Trong ảnh: Gói thầu số 9 dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua địa bàn huyện Hoài Đức sau khi hoàn thành bàn giao mặt bằng đúng tiến độ). Ảnh: Lê Khánh.

Chưa có biện pháp kiên quyết với các nội dung kiến nghị sau giám sát

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, HĐND các cấp đã bám sát nghị quyết của Quốc hội, bám sát thực tiễn, cộng đồng trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội... Năm 2023, nhiều tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cao.

Bên cạnh đó, các phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với nhiều lượt đại biểu chất vấn và tranh luận, người trả lời chất vấn đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, trả lời rất cụ thể, đã tạo chuyển biến rõ rệt trong các hoạt động này, tiếp tục khẳng định chất vấn là một hình thức giám sát có hiệu quả của HĐND.

Đặc biệt, hoạt động giám sát chuyên đề được HĐND chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên cơ sở bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Đơn cử như Đà Nẵng đã thực hiện 3 cuộc giám sát chuyên đề. Yên Bái, Vĩnh Phúc đã tổ chức 2 Đoàn giám sát chuyên đề. Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức 1 đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện các dự án cần thu hồi đất để thực hiện hằng năm trên địa bàn tỉnh trong nghị quyết thông qua danh mục dự án thu hồi đất do HĐND tỉnh ban hành.

Năm 2023, tổng số có 1.332 Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và được triển khai thực hiện công phu, bài bản với nhiều đổi mới về phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện giám sát, trước khi tiến hành đã tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế đột xuất, thậm chí không báo trước. Nội dung giám sát chuyên đề của HĐND ngày càng sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm như: TPHCM, Hà Nội đều thực hiện giám sát các công trình giao thông trọng điểm như vành đai 4 (Hà Nội), vành đai 3 (TPHCM). Sau giám sát, nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đã được kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét là 13.273, đồng thời trình HĐND xem xét, ban hành nghị quyết để làm căn cứ, cơ sở giám sát việc thực hiện. Đến nay đã có 9.618/13.273 kiến nghị được xử lý đạt tỷ lệ 72,44%.

Tuy nhiên theo đánh giá thì hoạt động của HĐND cũng còn một số hạn chế như: Công tác giám sát trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi chưa bảo đảm thời gian theo chương trình, kế hoạch đã đề ra hoặc các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp chưa đảm bảo về thời gian, quy trình, thủ tục quy định, thiếu thông tin, thiếu hồ sơ. Hoạt động giám sát thường xuyên việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh và HĐND cấp dưới có lúc chưa sâu sát, kịp thời. Hoạt động chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND chưa được thường xuyên hoặc đúng theo kế hoạch. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị qua giám sát của các đoàn giám sát chủ yếu được thực hiện thông qua hoạt động tái giám sát. Chưa có biện pháp kiên quyết, triệt để thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung kiến nghị sau giám sát...

anhbaichinh.jpg
Lãnh đạo HĐND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, giám sát tiến độ một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: Quochoi.vn

“Trên đã chuyển thì dưới cũng phải lay động”

Thời gian qua, Quốc hội đã thực sự đổi mới vì dân. Thế nhưng, kỳ vọng đang nằm ở sự đổi mới của HĐND bởi đây là cơ quan dân cử sát sườn, thực tế và gần gũi với dân nhất tại địa phương. Vấn đề đang được đặt ra rằng làm sao để “trên đã chuyển thì dưới cũng phải lay động”?

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương, bà Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH cho rằng, HĐND các tỉnh, thành phố cần quan tâm hơn nữa vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội, UBTVQH. Thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, nhất là giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của mình một cách thiết thực, hiệu quả, làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, xử lý, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, nhất là các vụ việc cấp bách, tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo ông Lê Như Tiến (ĐBQH khoá XIII), Quốc hội là cơ quan dân cử tại Trung ương, còn HĐND là cơ quan dân cử tại địa phương gồm cấp: tỉnh, huyện, xã. Khi Quốc hội đổi mới thì HĐND cũng cần thay đổi theo.

“HĐND phải mạnh từ đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND có quyền giám sát, chất vấn hoạt động của Chủ tịch UBND nhưng đại biểu HĐND có dám chất vấn mạnh mẽ như ĐBQH chất vấn các bộ trưởng và Thủ tướng? Các đại biểu HĐND phải tự ý thức được trách nhiệm rằng mình là đại diện thay mặt cho dân, nói tiếng nói của dân. Diễn đàn của HĐND cũng phải đầy ắp tiếng dân chứ không phải tiếng của cơ quan hành chính. Do đó phải khắc phục được việc “ngại” này. Lúc đó hoạt động của HĐND sẽ được nâng cao” -ông Tiến nêu vấn đề đồng thời cho rằng, HĐND cần tăng cường giám sát hoạt động của UBND, các sở, ngành tại địa phương để yêu cầu phải thực hiện đúng theo nghị quyết, hay giám sát của HĐND. Đồng thời, mỗi đại biểu HĐND phải phát huy vai trò giám sát của mình một cách độc lập, không bị lệ thuộc. Qua giám sát phải khiến các cơ quan hành chính cảm thấy “quan ngại” khi chỉ ra những thiếu sót của các cơ quan hành chính tại địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực UB Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, cần nâng cao vai trò hoạt động của HĐND các cấp vì đây là cách để nâng cao hiệu quả hoạt động. Về bản chất thì HĐND như là “Quốc hội ở địa phương”. Do đó phải nâng cao giám sát, các hoạt động tại địa phương.

“Hiện nay xu hướng phân cấp từ trung ương về địa phương rất nhiều. Khi phân cấp, phân quyền về địa phương thì vai trò của HĐND rất là lớn, có thể quyết sách các vấn đề, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Muốn địa phương phát triển thì HĐND phải mạnh. Có những cái UBND trình nhưng thấy chưa đủ “chín”, chưa đủ “rõ” thì dứt khoát không duyệt” - ông Sơn nói và đề xuất: HĐND phải tổ chức giám sát thường xuyên. Qua giám sát nếu thấy vấn đề thuộc thẩm quyền của mình thì xử lý ngay, còn thuộc thẩm quyền của cấp trên thì kịp thời kiến nghị để xem xét.

Bà Nguyễn Thị Sửu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:

Tăng cường giám sát đột xuất

ba-suu.jpg

HĐND phải giám sát việc ban hành các văn bản pháp luật của địa phương để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Phải xây dựng thật kỹ các chương trình giám sát tổng thể, giám sát chuyên đề, giám sát theo kiến nghị của cử tri khi người dân phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng và hợp pháp. Đặc biệt là giám sát phần trả lời các kiến nghị mà cử tri gửi đến.

Chất lượng giám sát của HĐND được nâng lên khi có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong theo dõi, giải quyết các vấn đề đã được kiến nghị qua giám sát. Theo dõi các cơ quan trong hệ thống hành pháp, và “đốc thúc” qua “số đo” mốc thời gian. Nghĩa là có thời hạn giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Có thể là 6 tháng, 1 năm, hoặc dài nhất là 1 nhiệm kỳ. Khi quá hạn mà không giải quyết thì chất vấn tại các kỳ họp.

Hiện ngoài chất vấn tại Quốc hội, còn có chất vấn tại UBTVQH. Lâu nay HĐND hay chất vấn tại các phiên họp thường kỳ, ít chất vấn tại các kỳ họp chuyên đề (kỳ họp bất thường - PV). Do đó, cần linh hoạt thể hiện tính chủ động, giải quyết vấn đề cấp bách từ thực tiễn đặt ra. Phải soi chiếu từ thực tiễn, từ giám sát, tái giám sát và chất vấn.

Pháp luật đã quy định rõ, nhưng hiện chúng ta chưa thực hiện giám sát đột xuất. Trong khi, giám sát đột xuất sẽ góp phần ngăn chặn những hạn chế, khuyết điểm, tiêu cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức các cấp, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

1.700 người cấp tỉnh và hơn 12.000 người cấp huyện được lấy phiếu tín nhiệm

Theo quy định của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội, HĐND ở cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu vào cuối năm 2023. Cụ thể ở cấp tỉnh có tổng số 1.700 người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. HĐND không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 208 người (trong đó có 176 người mới được HĐND bầu trong năm 2023 và 32 người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được miễn nhiệm trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm). Kết quả số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao” là 1.546/1.700 người, chiếm tỷ lệ 90,94%. Có 1 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” là Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (ông Lê Duy Thành-PV). Hiện nay trường hợp này đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ở cấp huyện có tổng số 12.028 người được lấy phiếu tín nhiệm. HĐND không lấy phiếu tín nhiệm đối với 1.624 người (trong đó có 1.466 người mới được HĐND bầu trong năm 2023 và 158 người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được miễn nhiệm trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường giám sát và tái giám sát của Hội đồng Nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO