Tăng cường giáo dục 'kỹ năng số' cho học sinh

Thùy Linh 27/03/2021 10:00

Kỹ năng sống bây giờ không chỉ có học bơi, học thoát hiểm khỏi đám cháy, hay leo núi, sang đường… mà học sinh cần được giáo dục “kỹ năng số”. Đây là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh trước sự đòi hỏi của cuộc sống và để sống an toàn trong thời 4.0.

Trang bị thêm kiến thức về công nghệ thông tin để học sinh chung sống an toàn trên môi trường mạng.

Mạng xã hội là một phát minh quan trọng, đem lại nhiều tiện ích cho loài người. Điều đó là một thực tế, đã được thế giới thừa nhận. Nhưng những mặt trái của mạng xã hội là có thật. Đặt trong bối cảnh Việt Nam, mặc dù đã được các cơ quan quản lý, có nhiều chế tài để ràng buộc, xong không thể ngăn chặn hết các rủi ro bởi các đối tượng luôn tìm ra những cách để lách, để câu view!

Vấn đề là làm sao để những mầm độc nơi mạng xã hội không len lỏi vào những đối tượng cần được bảo vệ, đặc biệt là trẻ em! Và chúng ta cũng không thể ngồi đó kêu ca, trông chờ vào YouTube, TikTok hay Facebook bởi họ có những tiêu chí riêng. Chỉ khi các video clip hay các bài viết, bức ảnh vi phạm tiêu chí họ đề ra thì họ mới khóa, mới xóa. Còn không thì, như chúng ta thấy, những video clip gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận thời gian qua đều “trong sức chịu đựng” của họ, còn chúng ta thì không!

Nhiều bậc phụ huynh cũng thừa nhận tác dụng của mạng xã hội nếu chúng ta biết cách khai thác. Bởi trên đó, có hàng trăm, ngàn video clip hướng dẫn các kỹ năng sống, giải đáp các hiện tượng khoa học tự nhiên một cách dễ hiểu, bằng hình ảnh mà có thể nhiều phụ huynh không thể biết tường tận để giải đáp thắc mắc của con. Rồi các video hướng dẫn học ngoại ngữ, hướng dẫn nấu ăn ngon, cắm hoa đẹp…

Để ngặn chặn những video clip có nội dung không phù hợp, một số ý kiến cho rằng, phụ huynh phải là người đồng hành với con. Ngày nay, cha mẹ sẽ gặp khó khi cấm cản con bằng các mệnh lệnh. Thậm chí, con cái sẽ tìm cách xem trộm nếu bị cấm đoán. Không xem ở nhà các con sẽ xem ở ngoài. Vì thế, sự đồng hành với con là điều quan trọng. Chị Lê Thu Hiền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, con chị rất thích xem kênh của Thơ Nguyễn. Ban đầu chị tò mò, cố tìm cách lý giải vì sao con thích. Chị Hiền cũng đã xem một số video clip trên kênh này, chỉ thấy một giọng nói không mấy thiện cảm, nội dung thì nhiều cái rất “chướng tai gai mắt”. Có lần chị thấy trên kênh Thơ Nguyễn đăng video “Thử nghiệm đun lon nước ngọt” và “Thử cho đá khô vào chai nước kín”… Cảm thấy nội dung đó có thể gây ra nhận thức sai lệch khiến trẻ em bắt chước theo sẽ gặp nguy hiểm, chị Hiền quyết định lựa chọn cách cùng xem với con, đồng thời phân tích cho con cái gì phù hợp, cái gì chưa phù hợp để con tránh. Theo chị, chốt chặn cuối cùng trên môi trường mạng vẫn phải là các bậc phụ huynh, không nên và không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai. Cha mẹ phải giữ trách nhiệm chính trong việc bảo vệ con cái.

Đồng tình với ý kiến này, anh Vũ Hữu Hưng (Vĩnh Tuy, Hà Nội) cho rằng, hàng ngày cha mẹ lo cho con ăn uống gì thì cũng phải quan tâm, lo lắng đối với “thực phẩm tâm hồn” tương tự như vậy. Nói thêm về kỹ năng khi xem YouTube, anh Hưng chia sẻ: Kênh này có hai mảng YouTube cho người trưởng thành và YouTube Kids dành riêng cho trẻ em chưa biết kiểm soát nội dung xem trên mạng. Vì thế, cần kiểm soát nội dung bằng cách lựa chọn YouTube Kids cho con, cài đặt các từ khóa được phép và không được phép sử dụng. Do vậy, vai trò của phụ huynh là rất quan trọng, sau đó mới là trách nhiệm từ phía YouTube.

Kinh nghiệm khi cho con xem các video trên mạng xã hội được các chuyên gia giáo dục đúc kết: Nhất định phải đặt ra giới hạn cho trẻ, thiết lập thời khóa biểu cho con được sử dụng internet bao nhiêu phút. Khi đặt ra nội quy, phụ huynh phải nghiêm khắc thực hiện với trẻ, không thỏa hiệp.

Tuy nhiên, từ phía phụ huynh cũng có những băn khoăn riêng. Đã đành cha mẹ cần đồng hành và giám sát con cái trong mọi tình huống, từ ăn uống, học hành, vui chơi, giải trí… Nhưng thực tế, không phải gia đình nào cũng có thể quan sát, quản lý con cái trong suốt thời gian ở nhà. Mặt khác, với khoa học công nghệ, không phải cha mẹ nào cũng thông thạo để cài đặt các ứng dụng ngăn chặn, hay cài đặt những từ khóa tiềm ẩn nguy hiểm với con. Chính vì thế, nhiều phụ huynh mong muốn ngành giáo dục tăng cường dạy kỹ năng số cho học sinh, giúp các em có thể “ứng phó” trước những video clip không phù hợp.

Phản ứng trước sự xuất hiện của các video clip thiếu lành mạnh trên mạng xã hội thời gian qua, trả lời báo chí, ông Hoàng Minh Tiến - Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho biết, Cục An toàn thông tin đã trình Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng lên Thủ tướng, dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 3 này. Đề án đề ra nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường số. Tuy đề án chưa được chính thức thông qua nhưng cục đang chủ động tiến hành một số giải pháp bảo vệ trẻ em. Đầu tiên, trong tháng 4 tới, Cục sẽ thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, mong muốn có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng để lên tiếng về những nội dung xấu độc.

Theo ông Tiến, Đề án còn đưa ra giải pháp phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng bộ tài liệu về kỹ năng số cho học sinh theo từng lứa tuổi, lồng ghép vào các tiết học công nghệ thông tin, nhằm trang bị cho trẻ em kỹ năng an toàn trên môi trường mạng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường giáo dục 'kỹ năng số' cho học sinh