Sức khỏe

Tăng cường kiểm tra kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội

Đức Trân 20/01/2025 06:32

Nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của người dân ngày càng cao, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, xu hướng mua mỹ phẩm online đã ngày một phổ biến.

tr13.jpg
Bệnh nhân nhập viện vì sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trôi nổi trên mạng đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Lợi dụng sự tiện lợi bằng mua sắm trực tuyến, mỹ phẩm giả đang len lỏi vào giỏ hàng của mỗi người tiêu dùng qua các ứng dụng mua bán, mạng xã hội mà nhiều người không thể nhận ra. Từ những hãng mỹ phẩm bình dân vài chục nghìn đến những sản phẩm cao cấp trị giá hàng triệu đồng đều có thể bị làm giả, trộn lẫn với hàng thật để dễ dàng tiêu thụ. So với những hãng mỹ phẩm giá trị thương hiệu cao, hàng giả lại dễ được trộn lẫn để đánh lừa người tiêu dùng.

Chiêu trò trộn lẫn hàng giả, hàng thật này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây xáo trộn thị trường, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi mua phải hàng giả, hàng nhái. Không chỉ mất tiền oan mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm hơn là tính mạng do sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn.

Gần đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin về một ca bệnh ngộ độc thủy ngân nguy hiểm vì dùng kem chống nám bán trôi nổi trên mạng. Cụ thể, bệnh nhân L.T.D. (31 tuổi, ở Sơn La) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Tại Trung tâm chống độc, bác sĩ xác định bệnh nhân trong tình trạng bệnh cảnh nặng nề, tổn thương đa cơ quan (não, thận, gan, tim), hôn mê sâu, thậm chí phải thở máy.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Qua kiểm tra, xác định bệnh nhân nhiễm độc thủy ngân với hàm lượng rất cao. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ở người bệnh là lọ kem dưỡng chống nám bệnh nhân bôi cả năm nay. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng thủy ngân vượt hàng nghìn lần so với mức cho phép”.

Khai thác thông tin từ bệnh nhân được biết, cách đây khoảng 1 năm bệnh nhân có mua một lọ kem tẩy nám từ mạng xã hội về sử dụng. Sau khi sử dụng một thời gian ngắn, da mặt bệnh nhân trắng sáng lên rõ rệt. Bệnh nhân tiếp tục mua sản phẩm qua mạng về sử dụng vào các buổi tối trước khi đi ngủ, liên tiếp trong vòng 1 năm.

Nữ bệnh nhân cho biết thêm, “kem tẩy nám” được người bán giới thiệu là có nguồn gốc từ nước ngoài, giá bán của sản phẩm này là 50.000 đồng/lọ.

Sau 3 tuần điều trị tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, nhưng thời gian điều trị còn phải rất dài ngày để đẩy thủy ngân ra ngoài.

Thực tế cho thấy, không ít người đã tự rước bệnh vào người khi lựa chọn mua mỹ phẩm online qua các kênh mua sắm trực tuyến. Điều này không chỉ khiến “tiền mất tật mang”. Thực tế, việc mua mỹ phẩm online khiến người dùng không được kiểm tra bao bì, nhãn mác và các thành phần của sản phẩm bằng mắt thường. Điều này dẫn đến nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái rất cao.

Bên ngoài sản phẩm có thể là tên các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, bên trong lại chứa các thành phần không an toàn, độc hại cho cơ thể như: Thiếu tác dược, giảm bớt mùi, màu sắc, thêm chất khác... Khi sử dụng sẽ khiến người tiêu dùng gặp phải các tình trạng: Tổn thương da nghiêm trọng, dị ứng mỹ phẩm, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng da mặt; mụn trứng cá và lỗ chân lông to... Không hiếm trường hợp tử vong do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng.

Nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại mỹ phẩm kém chất lượng trên mạng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ sở sản xuất, công bố, nhập khẩu mỹ phẩm về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Tập trung kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm theo quy định, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng tại địa chỉ đã công bố, doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý.

Thường xuyên và chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường.

Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội TikTok, Zalo, Facebook, YouTube... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố.

Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường kiểm tra kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội