Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước

T.Quang 06/09/2016 01:32

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Cải cách thủ tục hành chính giảm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung, thống nhất, quyết liệt trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên, việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của một số cơ quan chưa nghiêm. Nhiều công việc nêu trong các Chương trình hành động, Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành khác chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều Bộ, cơ quan, địa phương về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được quan tâm đúng mức.

Những tồn tại, hạn chế trên đây ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương nền hành chính, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội, cần được kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó chú trọng đến các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Các Bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên; Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ thị cũng nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO