Tăng cường xã hội hoá công tác BTXH và dạy nghề của tôn giáo

Dạ Yến - Quốc Định (ghi) Ảnh: Thành Trung 24/02/2017 10:09

Ngày 24/2, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức, TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã khẳng định những đóng góp vô cùng ý nghĩa của các tổ chức tôn giáo trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cùng các đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các chức sắc tôn giáo; đại diện các địa phương, tổ chức UNICEF, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Pháp, Lào, Thái Lan, Ấn Độ và đại diện các cơ sở tôn giáo có nhiều đóng góp trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Đây là lần đầu tiên, sau 40 năm giải phóng đất nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động thương binh và xã hội phối hợp tổ chức hội nghị biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc, hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo có 113 cơ sở đã thực hiện thủ tục thành lập theo quy định của pháp luật, được phân bố trên 8 vùng miền, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Có hàng chục cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc từ 10 đối tượng trở lên chưa thực hiện thủ tục thành lập theo quy định của pháp luật. Đa số các cơ sở này thuộc Phật giáo, tập trung tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Lâm Đồng...

“Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo không chỉ hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội là tín đồ tôn giáo mà còn hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt thuộc các địa phương lân cận”, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình khẳng định.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện nay hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó khoảng 1.500 người cao tuổi, 120 người tâm thần, 2.800 trẻ mồ côi, 1.900 trẻ bị bỏ rơi, 1.700 người khuyết tật và trên 2.000 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác...

Cũng qua tổng hợp báo cáo thống kê của các địa phương, cả nước hiện có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, bao gồm: 2 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề. Hàng năm tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho hàng nghìn người.

Các cơ sở dạy nghề của tôn giáo ở miền Bắc có 1 trung tâm dạy nghề tại Nam Định, miền Trung có 3 cơ sở dạy nghề tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Ninh Thuận và miền Nam có 8 cơ sở dạy nghề ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Kiên Giang.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã gặp phải một số khó khăn, bất cập trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Đó là số lượng cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo còn ít, phân tán, nhỏ bé về quy mô, cơ sở vật chất ở một số cơ sở còn đơn sơ, trang thiết bị chủ yếu là đào tạo các ngành nghề ngắn hạn, đào tạo các ngành nghề giản đơn; chất lượng giáo viên còn một số hạn chế về trình độ kỹ thuật nghiệp vụ và sư phạm.

Trong khi đó, cơ sở vật chất để tham gia các hoạt động xã hội hóa dạy nghề còn hạn hẹp, nhiều cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo có ít cơ sở riêng để thực hiện các hoạt động này, thông thường phải sử dụng khuôn viên cơ sở thờ tự để thực hiện hoạt động dạy nghề.

Mặc dù đã có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoạt động xã hội hóa dạy nghề, tuy nhiên, theo TS Lê Bá Trình, quá trình triển khai thực hiện các văn bản này đã xuất hiện một số vấn đề bất cập, đặc biệt là khi áp dụng cho đối tượng là tổ chức, cá nhân tôn giáo, thể hiện ở tính thiếu cụ thể, đồng bộ trong các chủ trương đối với việc tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động xã hội hóa dạy nghề.

Hiện nay, kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động xã hội hóa có được từ sự tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân, nên nguồn kinh phí này thiếu ổn định.

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho hay, các cơ sở dạy nghề của tôn giáo đều đào tạo các nghề kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi đầu tư, chí phí lớn nên khó khăn về kinh phí cho việc nâng cấp trang thiết bị và bảo đảm nguyên liệu thực hành, thực tập.

Trong khi đó, nguồn đầu tư của các trường chỉ trông chờ vào nguồn của tỉnh dòng, giáo phận hoặc hỗ trợ của giáo dân. Kinh phí thu của người học thấp, nên không bảo đảm chi thường xuyên (mặc dù phần lớn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các trường là giới tu hành nên đều không nhận lương- PV).

Khó khăn cũng tìm đến với các cơ sở dạy nghề đó là gần như chưa được hưởng chính sách xã hội hóa của Nhà nước về dạy nghề. Đất đai làm trường do các trường phải tự mua như Trường Trung cấp nghề tư thục Tân Tiến hay do giáo dân hiến tặng như Trường Trung cấp nghề Hòa Bình hoặc chưa tiếp cận được các chính sách về vốn, tín dụng ưu đãi…

Chính vì lẽ đó, các sinh hoạt tôn giáo của các thành viên trong Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu, giáo viên, học viên là người có tôn giáo tại cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, có nơi xây dựng cơ sở sinh hoạt tôn giáo ngay tại khuôn viên của cơ sở, có nơi không có, có nơi được chính quyền tạo điều kiện cho sinh hoạt tại trung tâm, có nơi chưa…

“Những khó khăn, bất cập trên đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò, tiềm năng của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa dạy nghề”, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình khẳng định.

Để phát huy hơn nữa những đóng góp của các tổ chức cá nhân tôn giáo trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho rằng, trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cần tiếp tục thực hiện đúng và đẩy mạnh việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội nhằm củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng các cơ sở do các tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc tăng cường rà soát, kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội nói chung và cơ sở bảo trợ xã hội do các cá nhân, tổ chức tôn giáo nói riêng.

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cũng nêu ra giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, sự hướng dẫn, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi của Mặt trận và các cơ quan chưc năng đối với các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành để thống nhất hướng dẫn, thực hiện các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc cho các cơ sở thực hiện thủ tục thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo đúng quy định.

“Tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ), chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo trong việc hướng dẫn, quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội nói chung và các cơ sở của các cá nhân, tổ chức tổ chức tôn giáo nói riêng”, ông Lê Bá Trình nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cũng cho rằng việc thường xuyên tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội điển hình do các tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập sẽ nhân rộng các mô hình tốt ra các địa phương và các tôn giáo khác học tập. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc kịp thời phát hiện, biểu dương cá nhân, tập thể tôn giáo đã làm tốt công tác xã hội hóa, góp phần phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

“Các địa phương cần chú trọng phát triển quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, tạo điều kiện để các cơ sở phát triển, vừa giảm gánh nặng cho Nhà nước, vừa tăng cường khối đại đoàn kết đạo - đời”, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình nhấn mạnh.

Cùng với đó, để phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức cá nhân tôn giáo trong lĩnh lực bảo trợ xã hội, ông Lê Bá Trình cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm của các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cần tiếp tục quan tâm phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam và chính quyền các cấp trong việc huy động nguồn lực tham gia phát triển hệ thống trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực dạy nghề, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho rằng, việc khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân, trong đó có các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia xã hội hóa hoạt động dạy nghề là một chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta, do đó việc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia vào các hoạt động dạy nghề cần được xem như mọi tổ chức cá nhân khác khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với khả năng.

Trong đó cần khuyến khích tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia thành lập các trung tâm giáo dục nghề nghiệp vì mục đích phi lợi nhuận. Đồng hành với việc này là chính sách hỗ trợ về thủ tục pháp lý, chính sách về đất đai, chính sách về thuế,… theo quy định chung của pháp luật cũng như tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo cử người tham gia học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong công tác quản lý dạy nghề.

Cơ chế phối hợp, bảo đảm sự thống nhất quản lý, phân định rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp cần phải làm rõ.

Việc biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt trong công tác dạy nghề của các tôn giáo cũng đồng hành với việc xử lý kịp thời những việc làm sai trái, không đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình hiện nay, kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động của cơ sở dạy nghề có được từ sự tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân, nên nguồn kinh phí này thiếu ổn định. Do đó cần phải xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ, đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo để các cơ sở dạy nghề của các tổ chức tôn giáo phát triển.

Trên cơ sở những khó khăn thuận lợi và để phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức cá nhân trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề, tại hội nghị lần đầu tiên này, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh Xã hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Nghị định số 59/2014NĐ-CP, ngày 16/6/2014 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

Các tỉnh, thành ủy cần chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo có đủ điều kiện theo tinh thần Chỉ thị số: 1940/CT/2008/CT-TTg, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo, để tạo cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất cho các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở dạy nghề do các cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập để đảm bảo điều kiện hoạt động của các cơ sở nay.

Trong đó, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đăng ký khai sinh, tạm trú, đăng ký hộ khẩu cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội đang ở các cơ sở trợ giúp xã hội. Hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội làm các thủ tục pháp lý cần thiết để các đối tượng này được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi trong việc sinh hoạt tôn giáo cho các người đứng đầu các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở dạy nghề, các đối tượng bảo trợ, học viên tại các cơ sở này.

Các tổ chức tôn giáo ở các cấp, nhất là cấp trung ương; chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo cần tiếp tục quan tâm và phối hợp với ngành Lao động – thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để huy động nguồn lực phát triển các hoạt động trợ giúp xã hội và hoạt động dạy nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường xã hội hoá công tác BTXH và dạy nghề của tôn giáo