Tăng thời gian làm việc để bù đắp cho những đơn hàng đã mất trong thời gian giãn cách là rất thiết thực. Nhất là với những ngành sử dụng nhiều lao động và hoạt động theo thời vụ như dệt may, da giày. Giới chuyên gia kinh tế nhận định như vậy khi nói về đề xuất tăng giờ làm thêm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).
“Nới” trần giờ làm thêm
Bộ LĐTB&XH đề xuất, nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ 40 giờ lên 72 giờ. Đồng thời, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc.
Lý giải về đề xuất trên, Bộ LĐTB&XH cho rằng, đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc. Để bảo đảm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa sản xuất đã làm gia tăng rất nhiều chi phí của doanh nghiệp (DN) như: Chi phí xét nghiệm, tổ chức sắp xếp lại lao động, bảo đảm giãn cách, bố trí ăn, ở của người lao động tại nơi làm việc, phương tiện vận chuyển do phải thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”…
Đặc biệt ở nhiều DN, do việc phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50%, nhất là DN sản xuất trong chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, chế biến thuỷ, hải sản…, lực lượng lao động có khi giảm xuống dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất cho các hợp đồng đã ký kết.
“Nếu không có chính sách để DN phục hồi thì dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể DN chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế tốt hơn. Trong khi đó, ở trong nước nhiều DN và người lao động mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian ngừng việc, với nhu cầu làm thêm hơn 40 giờ/tháng và từ hơn 200 - 300 giờ/năm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc” – Bộ LĐTB&XH lý giải.
Về thời gian áp dụng, Bộ LĐTB&XH đề xuất được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022 và báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.
Trước đề xuất trên của Bộ LĐTB&XH nhiều chuyên gia cho rằng, đó là giải pháp tình thế cần thiết bởi làn sóng người dân hồi hương tránh dịch Covid-19 khiến nguồn nhân lực tại nhiều tỉnh, thành phố bị thiếu hụt, nhất là với các địa phương vốn tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc nới “trần” làm thêm giờ, không hạn chế nhóm, ngành, nghề, công việc như phương án Bộ LĐTB&XH đề xuất tạo điều kiện cho DN tăng ca, tận dụng được lực lượng lao động sẵn có, nhất là trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử vốn luôn “đỏ mắt” tìm lao động.
Chỉ là giải pháp tình thế
Ủng hộ việc tăng giờ làm thêm, tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là người sử dụng lao động phải tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động, giúp họ gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Nói rõ hơn về quan điểm của mình, ông Quảng cho biết thêm, giới hạn số giờ làm thêm trong một tháng là một vấn đề trước đây được Quốc hội thảo luận rất kỹ trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động 2019. Đây là chính sách để hạn chế tác động tiêu cực của làm thêm giờ đối với người lao động.
Ở góc độ DN, nói về đề xuất “nới” thời gian làm thêm, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cũng cho rằng, tăng thời gian làm việc để bù đắp cho những đơn hàng đã mất trong thời gian giãn cách là rất thiết thực. Nhất là với ngành da giày là ngành sử dụng nhiều lao động và hoạt động theo thời vụ, do đó những đề xuất trên sớm được thực thi để DN nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, việc khống chế giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, khiến DN khá bị động. Thời gian trước, ảnh hưởng của dịch khiến việc sản xuất kinh doanh bị trì hoãn, cho nên việc không áp dụng giờ làm thêm theo tháng, tăng giới hạn làm thêm tối đa với tất cả các ngành nghề sẽ hỗ trợ được yêu cầu của đặc điểm sản xuất hiện nay. Về nguyên tắc, từ xưa đến nay, người ta chỉ đấu tranh cho mục tiêu tăng lương giảm giờ làm, chứ không phải tìm mọi cách tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN phục hồi sản xuất thì cần những giải pháp “cấp cứu”.
“Việt Nam tham gia ký kết các công ước quốc tế thì phải tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế nhưng có thể xem xét trong hoàn cảnh nhất định. Tuy vậy, tiền lương làm thêm của người lao động phải cao hơn rất nhiều so với mức lương tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là các DN cần chú trọng nhiều biện pháp tăng năng suất lao động hơn là tăng thời gian lao động” - TS.Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội