Tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi không triệu chứng, không có dấu hiệu cảnh báo trước và hậu quả nặng nề mà nó đem lại.
Tăng huyết áp được phát hiện bằng việc đo huyết áp người bệnh do nhân viên y tế thực hiện. Việc này rất đơn giản, nhanh gọn và không hề đau đớn, người dân có thể phát hiện tăng huyết áp dễ dàng bằng cách khám sức khỏe định kỳ.
Thế nhưng, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới khoảng 580 triệu người bị tăng huyết áp (41% phụ nữ và 51% nam giới) không biết về tình trạng của họ vì chưa bao giờ được chẩn đoán.
Thống kê từ Hội tim mạch Việt Nam cũng chỉ ra, khoảng 25% - 47% người Việt trưởng thành mắc căn bệnh này. Đáng báo động hơn khi số người không biết mình bị tăng huyết áp chiếm tỷ lệ tới 50% và số người tăng huyết áp được kiểm soát tốt (điều trị, thay đổi lối sống) chỉ đạt khoảng 1/3.
“Nguyên nhân chính của thực trạng này là do người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát, khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỷ lệ thấp” - PGS.TS Phạm Quốc Khánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia lý giải.
Tuy nhiên, bất chấp các biến chứng của tăng huyết áp thường rất nặng nề, để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, chỉ khoảng 30% người bệnh đã phát hiện mắc tăng huyết áp tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Rất nhiều trường hợp tự ý bỏ thuốc khi đang điều trị tăng huyết áp mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Ông Khánh cho biết: Tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim…, biến chứng về não như tai biến mạch não bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não, biến chứng về thận, biến chứng về mắt có thể dẫn đến mù lòa, biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch - một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể.
Điều trị các biến chứng thường khó khăn và lâu dài, chi phí điều trị rất lớn do phải điều trị hầu như suốt quãng đời còn lại, phải sử dụng thuốc và phương tiện kỹ thuật đắt tiền, ngoài ra còn phải kể đến chi phí gián tiếp do người nhà phải chăm nuôi… Như vậy, bên cạnh việc ảnh hưởng tới sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống thì thiệt hại về kinh tế do bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch nói riêng, trong đó có tăng huyết áp là rất lớn cho cả bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
BS Vũ Duy Minh - Khoa cấp cứu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, hàng ngày, Khoa Cấp cứu tiếp nhận và xử trí cấp cứu cho hàng trăm người bệnh, trong đó có không ít các trường hợp đến cấp cứu vì những biến chứng của bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, khi khai thác kỹ quá trình dùng thuốc của bệnh nhân, nhiều người cho biết đang uống thuốc điều trị, huyết áp ổn định, sức khỏe tốt, tưởng khỏi bệnh nên đã tự dừng uống thuốc. Có trường hợp không dùng thuốc theo đơn của bác sĩ để điều trị mà dùng thuốc lá sắc uống, các loại thuốc viên tán do tin vào quảng cáo trên mạng hoặc những lời truyền miệng. Hầu hết những trường hợp này đều nhập viện rất muộn, khi hậu quả đã nặng nề.
“Để một loại thuốc Tây y được đưa vào điều trị cho người bệnh, đồng nghĩa với việc loại thuốc đó đã được trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, giám sát vô cùng nghiêm ngặt. Trong khi đó, các lời quảng cáo với nhan đề điều trị tăng huyết áp trên mạng đều chưa được kiểm chứng lâm sàng hoặc thực nghiệm tại phòng thí nghiệm. Chủ yếu là các đánh giá chủ quan và dựa vào kinh nghiệm trước đó. Rất tiếc, nhiều người bệnh đã đặt niềm tin vào những thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng; sẵn sàng dùng những thuốc, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có thông tin, thậm chí chưa bao giờ được biết đến… Hậu quả là đánh mất sức khỏe, thậm chí cả mạng sống của mình” – BS Minh nhấn mạnh.
Bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh với chế độ ăn hợp lý. Cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp, tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày, ít nhất 3-4 lần/tuần. Đặc biệt, không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế uống bia rượu; tránh các lo âu, căng thẳng; sống tích cực, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý...