Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV có nội dung bàn về việc cải cách tiền lương. Đây là tin vui đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, vì nhiều ý kiến cho rằng chủ trương cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở là giải pháp cần làm gấp, bởi mọi người đã chờ đợi từ nhiều năm qua. Dù vậy cũng có những quan điểm bày tỏ, tăng lương giờ đây đang là vấn đề rất lớn, đặc biệt cần tùy thuộc vào hiện trạng “sức khỏe” của nền kinh tế.
Thu nhập không đủ sống
Theo Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng gần 16.000 người nghỉ việc. Trong đó, hai lĩnh vực nổi bật là ngành giáo dục có hơn 16.400 người, ngành y tế hơn 12.000 người nghỉ việc. Đánh giá thực trạng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ: Khi đề cập tới vấn đề này, người ta nói nhiều tới 3 lý do phổ biến khiến nhiều người rời khu vực Nhà nước, đó là câu chuyện thu nhập, môi trường làm việc, điều kiện phát triển và cơ hội thăng tiến. Tôi hoàn toàn đồng tình và cho rằng những lý giải trên là có căn cứ. Bất cập có thể thấy rõ là cơ chế quản lý, sử dụng, đãi ngộ công chức, viên chức của khu vực công đang đóng khung trong những quy định cứng, tiêu chí đánh giá hiệu quả lao động không rõ ràng nên chế độ đãi ngộ, lương bổng không bảo đảm được sự công bằng.
Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng là hợp lý
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, liên quan đến vấn đề tăng lương cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27 của trung ương, từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định.
Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, song 3 năm vừa qua (2019-2021) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế nên chưa thực hiện được tăng lương cơ sở.
Do đó, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.
“Khi điều chỉnh mức lương cơ sở này cũng hướng theo mục tiêu là tiệm cận với cải cách chính tiền lương và mức này là hợp lý trong bối cảnh thực tiễn. Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương”-bà Trà nói.
Với ngành y tế, có thể thấy, lương bác sĩ hiện chưa được 5 triệu đồng/tháng. Cụ thể, theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, bảo hiểm y tế). Với mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Chỉ riêng tỉnh Bình Dương, mặc dù cán bộ y tế vẫn đang thiếu nhưng hiện nay cán bộ y tế nghỉ việc ngày càng tăng. Theo thống kê, trong năm 2021 có đến 162 cán bộ y tế nghỉ việc/bỏ việc, trong đó có 24 bác sĩ và bác sĩ chuyên khoa. Còn tính đến tháng 6-2022, có đến 166 cán bộ y tế nghỉ việc, bỏ việc, trong đó có 35 bác sĩ. Theo ông Nguyễn Hồng Chương-Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, lý do cán bộ ngành y tế nghỉ việc, bỏ việc là do lương và chế độ thấp, công việc vất vả, môi trường làm việc áp lực, tiếp xúc liên tục với các yếu tố nguy hại. Đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19, cán bộ y tế bị áp lực quá lớn, đối mặt với nguy hiểm rất nhiều. Hiện ngành y tế tỉnh Bình Dương đã đăng ký tuyển dụng viên chức y tế năm 2022 với 786 chỉ tiêu để bù đắp nhân lực cho ngành. Tuy nhiên, để tuyển được nhân sự trong thời điểm này là rất khó khăn.
Với ngành giáo dục, cô giáo T.H-giáo viên dạy lớp 10 tại một trường công lập tại Hà Nội cho biết, đã vào biên chế ngành giáo dục từ năm 2014. Hiện nay cô dạy môn Văn, mức lương đang ở bậc 3 cao đẳng sư phạm là hơn 4 triệu đồng cộng với phụ cấp đứng lớp 30% thì tổng thu nhập hằng tháng khoảng 5,1 triệu đồng/tháng. Với giá cả cả leo thang như hiện nay, cô phải làm thêm một số việc bên ngoài để kiếm thêm thu nhập chứ trông vào đồng lương giáo viên thì không thể đủ trang trải cuộc sống.
Một giáo viên dạy cấp THCS tại Thái Nguyên cũng chia sẻ, sau gần 20 năm công tác trong ngành, mức lương của tôi nhận về khoảng 8 triệu đồng/tháng. Hiện tôi nuôi 2 con đang ở độ tuổi đến trường nên mức lương này của không đủ chi trả cho cuộc sống và buộc phải làm thêm bên ngoài. Nếu không có chính sách cải thiện tiền lương, giáo viên chúng tôi rất khó gắn bó với nghề.
Nhìn vào bảng lương giáo viên, trong 5 năm đầu công tác, sau khi trừ đi các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí và các khoản đóng góp khác thì tổng thu nhập hằng tháng của giáo viên chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng. Với số tiền này, thật khó để các thầy cô trang trải cuộc sống, yên tâm bám trụ với nghề.
Lương cơ sở sẽ tăng khoảng 20,8%
Đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ đang trình Quốc hội. Cụ thể, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%); Tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng với đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm; Hỗ trợ thêm các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 với mức lương thấp; Tăng chi trợ cấp ưu đãi đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở... Việc điều chỉnh này thực hiện từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ dự phòng và y tế cơ sở thực hiện từ ngày 1/1/2023.
Được biết, trong Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ có nội dung bàn về việc cải cách tiền lương. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai thông tin, việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó có tính toán theo thang bảng lương, phụ cấp nghề, các quy định khác tại Nghị định 38/2019 của Chính phủ. Theo đó, phải tính các mức, khoản sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích, các chế độ khác và cần tính toán chỉ tiêu lạm phát theo các năm để làm căn cứ xác định, đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. “Việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đề xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương”, ông Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên-Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhìn nhận: Việc đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ dựa trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chuyên môn và phụ thuộc vào cân đối chung ngân sách nhà nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến nguồn lực gặp khó khăn nên chưa thực hiện được việc cải cách tiền lương. “Mong muốn của người lao động trong khu vực công còn nhiều, nhưng với mức đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ là tốt và sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động. Ngoài ra, người lao động trong khu vực công cũng nên chia sẻ chung với những khó khăn của Nhà nước. Việc quyết định tăng lương sẽ do Quốc hội xem xét nhưng nếu cân đối được nguồn lực, thực hiện sớm sẽ tốt hơn và đáp ứng mong mỏi của người lao động”, bà Yên nói.
Xem xét sớm tăng lương
Dù vậy, để ngăn chặn “làn sóng” công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh giải pháp cần có chính sách đãi ngộ thực sự xứng đáng để tạo động lực làm việc và sự gắn bó lâu dài cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước. Mặt khác, bà Hoa đề nghị: Vấn đề đặt ra là việc cải cách tiền lương cần có sự tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở nguồn lực ngân sách. Việc sửa đổi các quy định chính sách tiền lương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần được thực hiện một cách khoa học, hợp lý. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường lao động để rút ngắn khoảng cách lương giữa khu vực công và khu vực tư, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hai khu vực này trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng xác nhận thực tế là thu nhập của công chức, viên chức khu vực công còn thấp, cộng thêm việc phân phối cứng nhắc, cào bằng chính là 1 trong 5 nguyên nhân dẫn đến chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư. Là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, ông bày tỏ mong muốn lương công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng ngay vào đầu hoặc cùng lắm là giữa năm 2023.
“Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang tư hoặc ngược lại là việc bình thường, nhưng chuyển dịch nhiều với tỷ lệ đáng kể sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số ngành, lĩnh vực khu vực công như thời gian qua. Do đó, cần đánh giá kỹ để sớm có giải pháp khắc phục. Mỗi công chức, viên chức chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đều có lý do riêng, trong đó có vấn đề thu nhập”, ông Ngọ Duy Hiểu nêu ý kiến.
Có thể nói, việc tăng lương cơ sở là phù hợp với nguyện vọng của đa số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Có ý kiến cho rằng, cần coi tăng lương cho cán bộ công chức , viên chức là vấn đề cấp bách như với công tác phòng chống dịch. Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 mới đây, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đề nghị, năm 2023 - 2024 xem xét ngay việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức để tạo ra sự kích thích mới, bởi hiệu quả cao sẽ được tạo ra ngay từ việc tăng lương - chính sách được cho là đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam): Đề xuất tăng lương của Chính phủ là phù hợp, kịp thời
Trong 3 năm qua lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức không được điều chỉnh nên việc đề xuất tăng lần này của Chính phủ là phù hợp, kịp thời, đáp ứng được mong mỏi. Trong bối cảnh chưa cải cách tiền lương triệt để theo Nghị quyết 27 và hiện dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội có khởi sắc nên việc đề xuất tăng lương cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức thực hiện.
Về mức đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng, những lần trước, mức tăng lương cơ sở hằng năm đều khoảng 10%/lần. Song từ 1/7/2019 đến nay là ba năm chưa điều chỉnh nên nếu điều chỉnh như định kỳ phải ở mức khoảng 30%. Với mức 20,8% này mới chỉ là đề xuất, còn phải phụ thuộc vào cân đối ngân sách. Dù vậy, việc này sẽ giúp cải thiện được một phần đời sống của cán bộ, công chức.
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội: Việc tăng lương cần có lộ trình, cam kết rõ ràng
Hơn 2 năm qua phải gồng mình chống dịch Covid-19, từ cán bộ, công chức tới người dân đã chia sẻ khó khăn với Nhà nước, nên việc trì hoãn tăng lương là hợp lý, nhưng hiện đã trở lại trạng thái bình thường mới, dù lạm phát được kiềm chế nhưng giá cả vẫn leo thang, đời sống cán bộ, công chức, viên chức rất khó khăn. Nếu thu nhập không đủ đảm bảo đời sống ở mức tối thiểu, sẽ khiến họ phân tâm, không tập trung được vào công việc. Do đó, việc nghiên cứu tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức ngay từ đầu năm sau là đòi hỏi rất gấp rút, nhằm nâng cao điều kiện làm việc, kích thích chất lượng nguồn lực, giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc với năng suất cao hơn.
Việc tăng lương cần có lộ trình, cam kết rõ ràng, vì là nhân tố vô cùng quan trọng để tái sản xuất sức lao động, tăng năng suất. Nếu Nhà nước chưa có điều kiện thì dù trước mắt tăng lương ít nhưng sẽ là nguồn động viên vô cùng lớn để người lao động thấy công sức mình bỏ ra được ghi nhận.