Tăng lương tối thiểu vùng: Không thể chần chừ

Minh Long-Minh Sang 21/07/2023 07:52

Trong bối cảnh nhiều người lao động mất việc, giảm thu nhập khiến đời sống khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ý kiến kiến nghị chưa thực hiện tăng lương bởi doanh nghiệp đang gặp khó khăn do giảm đơn hàng. Vậy, thế nào là đúng?

Thực tế, thu nhập từ lương của người lao động không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt. Ảnh: Quang Vinh.

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhờ việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022, tiền lương bình quân của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) có tổ chức công đoàn tăng khoảng 6,2% so với năm 2021 (7,78 triệu đồng/tháng).

Thu nhập giảm, giá cả sinh hoạt tăng

Tại Hà Nội, thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 38, trong đó mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% giúp tiền lương bình quân chung của NLĐ năm 2022 trên địa bàn tăng khoảng từ 6 - 7% so với năm 2021.

Còn tại TPHCM, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 đã giúp đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, tạo điều kiện cho NLĐ tăng lương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống giúp NLĐ gắn bó với DN hơn.

Dẫu vậy, dù mức lương của NLĐ tuy có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt.

Đã 3 tháng nay chị Nguyễn Thị Thuận (Công ty Goshi Thăng Long) không có việc làm thêm. Chị Thuận giãi bày, là công nhân chỉ mong được làm thêm, làm càng nhiều càng có thu nhập nhưng mấy tháng nay do ảnh hưởng lạm phát nên công ty ít đơn hàng, việc duy trì công việc ổn định cho NLĐ đã là may mắn. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập hàng tháng của chị chỉ còn chừng 7 đến 8 triệu đồng, với mức thu nhập này cộng với thu nhập của chồng tằn tiện chi tiêu cũng chỉ vừa vặn cho gia đình 4 người.

“Thu nhập giảm nhưng từ tháng 7, tiền nhà, điện nước tăng 500 nghìn đồng/tháng chưa kể giá cả sinh hoạt, tiền học của con cũng tăng theo. Nhiều khi chưa đến kỳ lĩnh lương mà trong nhà không còn lấy một đồng, cầm ví mà thảng thốt lo”- chị Thuận ngậm ngùi nói.

Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, năm 2022 dù thu nhập bình quân của NLĐ có tăng nhưng đời sống của một bộ phận NLĐ vẫn khó khăn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, NLĐ phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...

Ý kiến từ phía doanh nghiệp

Cuộc sống NLĐ khó khăn, DN cũng lao đao không kém, đặc biệt là những DN gia công xuất khẩu đơn hàng giờ không tính theo năm mà tính theo tháng. Đề cập về những khó khăn của mình, đại diện Công ty may Hưng Việt (Hưng Yên) cho biết, DN đang hết sức khó khăn, khó khăn không chỉ ở trong năm 2023 mà còn kéo dài sang năm 2024. Vì vậy nếu tăng lương tối thiểu vùng sẽ khiến DN thêm gánh nặng chi phí.

Nhiều DN cũng cho rằng, NLĐ nhận lương hàng tháng theo sản phẩm nên lương tối thiểu tăng sẽ làm tăng các khoản đóng góp của DN, như bảo hiểm, phí công đoàn, thu nhập thực tế không tăng. Thêm nữa, hiện nay, hầu hết các DN đang trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, việc DN duy trì được mức hiện có đã là nỗ lực rất lớn, vì thế nếu điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì DN càng khó khăn hơn.

“DN khó khăn hơn nghĩa là đời sống NLĐ cũng khó khăn thêm. DN sẽ phải điều tiết lại, thậm chí kể cả cắt giảm việc làm, cho lao động nghỉ luân phiên. Từ đó, vô tình chúng ta lại đẩy một bộ phận NLĐ đang có việc làm trở thành không có việc. Khi không có việc đồng nghĩa thu nhập giảm khiến đời sống giảm, đó là điều không ai mong muốn” - ông Phòng phân trần.

Theo Hiệp hội Dệt may, năm nay DN nào giảm thu nhập thực tế của NLĐ chỉ dưới 2 triệu đồng đã là thành công. Theo dự đoán, từ nay tới cuối năm, các DN ngành dệt may còn khó khăn hơn do đơn hàng mới chưa có. Để giảm bớt gánh nặng cho DN vào thời điểm khó khăn này, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị nên lùi thời gian tăng lương tối thiểu.

Trong bối cảnh hiện nay, người lao động rất cần được tăng lương. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Tăng lương hay hoãn?

Lao động mong muốn tăng lương tối thiểu, còn DN thì ngược lại.

Theo thông lệ tháng 7 hàng năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp để bàn xem là năm sau có nên tăng lương tối thiểu cho NLĐ ở khu vực DN hay không. Theo quy định, thông thường mức lương tối thiểu vùng được Hội đồng Tiền lương quốc gia xem xét, điều chỉnh sau 1 năm thực hiện. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm trì hoãn tăng lương (từ năm 2020) do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động, đến năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022 thay vì 1/1 hàng năm.

Thừa nhận tình hình thực tế hiện nay có những khó khăn để tăng lương tối thiểu, song ông Lê Đình Quảng - thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, với những yếu tố về tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, mức sống tối thiểu của gia đình NLĐ và người hưởng lương thì có thể nói đủ điều kiện để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2024.

“Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khả năng chi trả của DN cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu như thế nào, mức bao nhiêu, áp dụng vào thời điểm nào là cần tính toán, bởi thông thường các điều chỉnh hầu hết đều áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm” - ông Quảng nói.

Còn theo đại diện VCCI, khó khăn DN đều đã nhìn thấy, vì vậy nhiệm vụ trước mắt là duy trì được hoạt động cho DN tức là NLĐ sẽ có việc làm, khi có việc làm thì dù thu nhập ở mức tối thiểu vẫn còn hơn là không có việc làm.

Trước đó để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024, Bộ LĐTBXH cũng đã đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các DN áp dụng từ ngày 1/7/2022. Từ đó, địa phương đưa ra đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo.

Nhiều địa phương đã có ý kiến phản hồi về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Văn bản Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ LĐTBXH cho rằng, dự báo trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn ít khó khăn hơn so với năm 2022. Vì vậy, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo, năm 2024, cần tăng mức lương tối thiểu vùng từ 5 -7% so với mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2023.

Tương tự Sở LĐTBXH tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, thực tế có nhiều DN đã trả mức lương tối thiểu cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng (từ 4,5 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng/người/tháng, chưa bao gồm các loại phụ cấp khác theo thỏa thuận). Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, Bộ LĐTBXH cần tham mưu Chính phủ tăng lương tối thiểu năm 2024 từ 10 - 15% so với mức lương hiện hành.

Theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất làm cơ sở để hai bên thương lượng tiền lương thực tế. Khi lương tối thiểu vùng tăng thì sẽ thuận lợi trong các đàm phán mức lương thực tế, tạo điều kiện để NLĐ được tăng lương hơn. Bên cạnh đó, có nhiều chế độ chính sách của DN, ngành bảo hiểm xã hội, trợ cấp của nhà nước sẽ tăng theo lương tối thiểu vùng.

“Mức lương tối thiểu vùng như hiện tại không đáp ứng được các nhu cầu sống trong thực tế. Điều này sẽ khiến cho NLĐ không thể toàn tâm, toàn ý vào công việc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và năng suất lao động” - ông Tiến nói.

Tăng lương gắn với tăng năng suất lao động

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH từng nhiều năm tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng hiện cần đánh giá việc tăng lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38 thực hiện từ ngày 1/7/2022 có tác động thế nào đến đời sống người lao động. Điều quan trọng nhất là tăng lương ở DN thì gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thị trường lao động giữa cung và cầu; khả năng chi trả của DN. Cùng với đó, cũng cần tính đến bối cảnh thị trường lao động trong nửa đầu năm 2023 khi có hơn 500.000 người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, các DN cũng đang gặp thách thức lớn. Vì vậy, cân nhắc tăng lương thì ở mức nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lương tối thiểu vùng: Không thể chần chừ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO