Người lao động đã qua 2 năm chưa được tăng lương tối thiểu, đời sống vốn khó khăn lại càng chồng chất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, yêu cầu về tăng lương tối thiểu vùng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết…
Trong năm 2020, do ảnh hưởng của những làn sóng Covid-19 đầu tiên, lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2021 đã được thống nhất là không tăng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động. Theo đó, tiền lương tối thiểu vùng giữ nguyên, với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. Đầu năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2021 thay vì hoãn cả năm, tuy nhiên chưa thể thông qua do đại dịch kéo dài, cần thời gian cho doanh nghiệp phục hồi.
Người lao động rất chật vật
Vừa nhận được thông báo về kế hoạch thưởng Tết, chị Nguyễn Thị My công nhân khu công nghiệp Bá Thiện 2, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc vỡ òa vì sung sướng.
Với nhiều người thưởng 1 tháng lương (6 triệu đồng-PV) không quá nhiều nhưng với chị đó là một khoản tiền lớn để trang trải tiền học cho 3 đứa con. Chồng bị tai nạn mất cách đây 5 năm, mình chị My nuôi 3 con nhỏ cơ cực đủ đường.
Thu nhập từ đồng lương công nhân trước vốn đã eo hẹp nhưng 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 càng thêm khó khăn. Dù chị đã 3 lần được nhận trợ cấp nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
“Đứa đầu học đại học, đứa thứ 2 học trung cấp nghề, đứa thứ 3 học lớp 2, có những lúc tôi nghĩ mình đã đến đường cùng khi trong nhà không còn nổi một đồng, trong khi đó công việc thì không đều, bị cắt giảm, thu nhập cũng giảm. Không riêng gì tôi cả dây chuyền của chúng tôi mọi người cũng đều lâm vào tình cảnh cạn kiệt về kinh tế”- chị My chia sẻ.
Mấy hôm nay mới chỉ nghe tin về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đề xuất, kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2022, chị Nguyễn Thị Hà, công nhân may Đáp Cầu, Thái Nguyên khấp khởi mừng thầm. Năm 2021 dù không phải nghỉ việc không lương nhưng thu nhập giảm đáng kể vì các khoản phúc lợi xã hội bị cắt, việc làm thêm cũng ít.
Trong khi đó hàng tháng chị vẫn trả tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng/tháng, tiền sinh hoạt, tiền học của con. Bao năm làm công nhân hai vợ chồng tích cóp được số tiền nho nhỏ dự định xây nhà khi về quê lập nghiệp nhưng cũng phải rút ra để trang trải.
Chia sẻ về những khó khăn của người lao động (NLĐ), bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn là 3.920.000 đồng/người/tháng. Bắc Ninh hiện có hơn 450.000 người lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
Mức thu nhập bình quân theo cung cấp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội là 8,26 triệu đồng/người/tháng, nhưng qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh đối với 16 doanh nghiệp, thì mức thu nhập bình quân của người lao động trực tiếp là 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Còn theo số liệu báo cáo của các cấp công đoàn, thu nhập của người lao động trực tiếp chỉ dao động trên 5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, số người thụ hưởng lương ở mức cao không nhiều. “Nếu trừ đi chi phí sinh hoạt hàng ngày như tiền thuê trọ, tiền ăn, chi phí nuôi con… thì thu nhập này chỉ đủ cho người lao động trang trải cuộc sống, gần như không có tích luỹ” – bà Hà cho biết.
Phải coi tăng lương là khoản đầu tư
Chật vật mưu sinh là câu chuyện của hàng triệu NLĐ hiện nay. Đề cập đến những tác động của dịch Covid-19 khiến đời sống của người lao động, đặc biệt tại các khu nhà trọ trên địa bàn còn rất khó khăn, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh) cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến người lao động không có lối thoát, không ít lao động đã phải lựa chọn giải pháp trở về quê hương mưu sinh.
Theo ông Đô ngay cả trước khi chưa xảy ra dịch, với mức lương tối thiểu hiện nay cũng không thể đáp ứng mức sống tối thiểu cho NLĐ.
“Điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là để nâng cao đời sống của NLĐ, đồng thời động viên NLĐ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần khuyến cáo với giới chủ để điều chỉnh chi phí về nhân công; phát huy cơ chế 3 bên để giải quyết những vấn đề phát sinh đảm bảo tiền lương đủ sống cho người lao động” - ông Đô đề xuất.
Đề cập về việc cần thiết phải tăng lương tối thiểu vùng tại Hội nghị về tiền lương của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, 2 năm qua, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu đã không được thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường. Bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp cũng phát triển tốt, có doanh nghiệp đột phá về doanh thu, lợi nhuận.
“NLĐ đã qua 2 năm chưa được tăng lương tối thiểu, đời sống khó khăn càng chồng chất những khó khăn. Do đó, yêu cầu về tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết và không để “lỗi hẹn”. Đây chính là giải pháp để giữ chân lao động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu nguồn nhân lực” - ông Ngọ Duy Hiểu nhận định.
Thực tế hiện nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định tăng lương để thu hút lao động mới và giữ chân lao động cũ. Điển hình như Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh (Bidrico) vừa quyết định tăng lương lên 10% để giữ chân nguồn nhân lực.
Lý giải việc tăng lương giữa thời điểm khó khăn, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Bidrico cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng thu xếp để tăng lương cho NLĐ. Tăng lương, thưởng Tết chắc chắn sẽ giúp cho NLĐ phấn khích, an tâm làm việc tại công ty, đặc biệt là khi Tết sắp đến.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia: Doanh nghiệp cũng phải tự nhận thức trách nhiệm xã hội
Lâu nay khi bàn đến vấn đề tăng lương tối thiểu vùng dù trước hay sau dịch đều rất “nóng bỏng”. Có những năm sau rất nhiều phiên họp, Hội đồng vẫn chưa thể chốt được mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Cái khó không phải là ở con số mà cốt lõi là vấn đề cải cách tiền lương.
Lương trong khu vực doanh nghiệp những năm qua cơ bản vẫn do thị trường quyết định. Nhà nước can thiệp vào lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu để người lao động không bị bần cùng hóa hay nghèo đi. Phần còn lại thị trường tự điều phối, song phụ thuộc vào hai bên: “Sức khỏe” của doanh nghiệp và khả năng thương lượng của người lao động.
Diễn biến 2 năm qua, đặc biệt sau làn sóng dịch lần thứ 4 cho thấy, chuỗi sản xuất sẽ bị đứt gãy nếu thị trường nguồn nhân lực bị đóng băng. Trước làn sóng “dời quê” ồ ạt của NLĐ nhiều địa phương, DN đã cấp tốc có những chính sách hỗ trợ đột xuất nhằm giữ chân NLĐ. Rõ ràng mức thu nhập không đủ sống, không có chính sách phúc lợi thì rất khó tạo được niềm tin để NLĐ gắn bó lâu dài. Do đó theo tôi, đã đến lúc DN cần nhìn nhận vấn đề tăng lương, thực hiện tốt các chính sách phúc lợi với NLĐ là nhân tố quan trọng để phát triển.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Quý I/2022 là thời điểm thích hợp
Điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cấp thiết, khi chi phí như xăng dầu tăng dẫn tới giá cả các mặt hàng cũng tăng. Phần lương tăng thêm cũng là khoản bù đắp cho các chi phí này.
Chính vì vậy, quý I-2022 là thời điểm thích hợp để khởi động lại việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sau 2 năm liên tiếp không tăng.
Điều chỉnh tiền lương tối thiểu còn góp phần giải quyết bài toán an sinh, mở rộng diện bao phủ BHXH và hạn chế rút BHXH một lần. Thực tế, hiện nay phần lớn doanh nghiệp vẫn đóng BHXH cho công nhân xấp xỉ lương tối thiểu vùng.
Mức đóng thấp dẫn đến mức hưởng thấp, bởi lương hưu trong khu vực doanh nghiệp tính bình quân tổng số năm đóng BHXH. Có người nhận lương hưu dưới mức tối thiểu khiến nhiều lao động nản lòng, rời Quỹ hưu trí. Nên khi chờ quy định được điều chỉnh, thì tăng lương đồng nghĩa tăng tiền đóng vào Quỹ BHXH cho người lao động, giúp nâng mức lương hưu họ được hưởng.