Thứ Hai, 12/05/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Lương và thực tế cuộc sống luôn là vấn đề song hành với nhau. Nhưng khó có thể sống khi lương mới đáp ứng 95% nhu cầu cuộc sống. Trong rất nhiều lần đề xuất tăng lương, thì nguồn luôn là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh chi ngân sách ngày càng lớn, còn bộ máy vẫn quá đỗi cồng kềnh, tăng gánh nặng cho ngân sách và cũng là yếu tố khiến mỗi cuộc họp cải cách tiền lương khó đi đến thống nhất.
Vì vậy bài tính tinh giản biên chế để tăng lương đã được đặt ra song đến nay việc tinh giản lại chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Người dân đến phường Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân, Hà Nội làm thủ tục hành chính.
Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động: Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Còn Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho rằng: “Tiền lương đủ sống là tiền lương đủ để đảm bảo cho người lao động và gia đình họ có cuộc sống cơ bản bền vững phù hợp với mức độ phát triển kinh tế mỗi quốc gia, vùng, địa phương; là tiền lương nhận được đủ để trang trải các nhu cầu cơ bản đảm bảo cho cuộc sống của người lao động và gia đình, kể cả các khoản dự phòng. Tiền lương đủ sống là tiền lương đủ để đảm bảo cho người lao động và gia đình được tính theo thời gian làm việc tiêu chuẩn mà không tính làm thêm giờ”. Với mức tăng 5,3% trong năm 2019, theo nhận định của ông Dương Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì “hiện mới chỉ đáp ứng 95% nhu cầu này”. Như vậy dù qua nhiều lần tranh cãi thì mức tăng trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Còn thiếu hụt 5%, điều này đồng nghĩa với việc người lao động vẫn phải căng mình, buộc phải làm thêm, tăng giờ lao động để đáp ứng những vấn đề cuộc sống hàng ngày.
Ngày 4/3, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Lương quốc gia đã yêu cầu bắt đầu thực hiện lộ trình cải cách tiền lương từ tháng 7/2021. Khi đề cập đến nguồn thực hiện cải cách tiền lương, bên cạnh việc dành một phần các khoản vượt thu của các địa phương và Trung ương, Thủ tướng tái khẳng định một thông điệp mạnh mẽ: “nhiệm vụ quan trọng vẫn là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước”. Và ông cũng nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ cần thực hiện quyết liệt, coi đây là chủ trương nhất quán của Ban Chỉ đạo về cải cách tiền lương để các cấp, ngành thực hiện tốt các Nghị quyết 18, 19 của Trung ương. Trong đó có cải cách đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức lại các đơn vị hành chính.
Vấn đề tạo nguồn để tăng lương được Thủ tướng nhắc đến được xoay quanh câu chuyện tinh giản biên chế. Đây là vấn đề được nhắc đến trong nhiều năm qua nhưng thực tế đem lại kết quả chưa như mong muốn khi bộ máy vẫn quá đỗi cồng kềnh, kém hiệu quả. Có lần khi khảo sát tại khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương để trực tiếp lắng nghe các ý kiến đóng góp cho Bộ luật Lao động sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phải “rớt nước mắt” khi chứng kiến một nữ công nhân xanh xao, vàng vọt xin đề nghị được tăng giờ làm thêm để có tiền nuôi 2 con ở quê. Người công nhân không muốn làm thêm giờ nhưng vẫn phải bán sức lao động khi lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Ý kiến phản ánh của người công nhân với vị ĐBQH là người làm chính sách đã cho thấy một thực tế đáng suy ngẫm. Đó là tại sao có người lao động hăng say cống hiến chỉ mong đủ sống trong khi “30% cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, vẫn xài điện “chùa”, lướt web, làm việc kiểu đối phó, “ăn cắp” thời gian nhưng cuối tháng vẫn lĩnh lương đều đều. Thật khó có thể chấp nhận ngân sách vẫn đang phải trả lương cho 30% cán bộ chỉ biết “cắp ô”. Và đó cũng là câu trả lời cho bài toán tinh giản biên chế chưa thực sự hiệu quả.
Mỗi đất nước có một nền tảng hành chính và kinh tế khác nhau song có một điểm chung đó là cải cách tiền lương luôn gắn với cải cách nền hành chính. Đơn cử như Singapore là nước đi đầu thế giới trong việc trả lương cao cho công chức. Bộ máy công chức của nước này liên tục được cải thiện hướng đến sự tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả cao nhất. Nhờ đó dịch vụ công của Singapore luôn được đánh giá là một trong những dịch vụ công tốt nhất trên thế giới. Và “chìa khóa” giúp Singapore thành công nằm ở việc có “chính sách đãi ngộ công chức” sáng suốt khi chọn vấn đề lương công chức làm chìa khóa cho mọi cải cách. Cũng nhờ có chính sách lương hợp lý mới thu hút được người tài về khu vực công. Đồng thời nó cũng giúp cho đội ngũ công chức thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc “4 không”: “không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng”. Vì thế ông Lý Quang Diệu - nguyên Thủ tướng Singapore đã từng khẳng định: “Sự trả công thỏa đáng là nhân tố quan trọng đối với chuẩn mực liêm khiết của hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp”.
Trở lại bối cảnh của nước ta giữa bài toán tăng lương và tinh giản biên chế đang cho thấy đang có sự tỷ lệ nghịch. Lương cứ tăng theo lộ trình, còn bộ máy lại càng phình to. Thực tế thì đã nhiều lần cải cách nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được vị trí việc làm một cách khoa học, thiếu những thước đo, đánh giá chính xác chất lượng, hiệu quả công việc. Vì thế nên mới có việc gần 1% (trong đó 0,59% công chức, và 0,38% viên chức) được phân loại không hoàn thành nhiệm vụ. Trong những ngày qua, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhân dân cả nước tin tưởng, kỳ vọng vào Chính phủ trong quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, thì điều được kỳ vọng vào lúc này là tinh thần “tinh giản biên chế như chống dịch”. Một bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều nhân lực yếu kém sẽ khiến năng suất lao động luôn ở mức thấp. Chỉ khi nào tinh giản biên chế, có điều kiện trả lương cao cho những người làm việc thực sự mới thu hút được người tài giúp sức cho đất nước.