Tăng ‘sốc’ học phí, học sinh có được hưởng lợi?

Nguyễn Hoài 29/05/2022 12:03

Bên cạnh giá sách giáo khoa tăng gấp 2, 3 lần, năm học tới đây, nhiều địa phương lên kế hoạch tăng học phí bậc học phổ thông theo khung học phí mới, tạo gánh nặng lớn cho nhiều phụ huynh, học sinh.

Học phí dự kiến tăng gấp nhiều lần

Sở GDĐT tỉnh Gia Lai đang trình lên UBND tỉnh việc quy định mức học phí đối với các bậc học trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023. Dự kiến mức học phí với bậc học mầm non và THCS từ 50.000 - 86.000 đồng/tháng, bậc THCS và THPT từ 100.000 - 133.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, năm học 2021-2022, mức học phí thấp nhất ở địa phương là 15.000 đồng/tháng. Nếu mức học phí mới được thông qua, số tiền học phụ huynh phải đóng trong năm học tới tăng gấp 5 lần.

Tại tỉnh Bình Định, Sở GDĐT đang xây dựng dự thảo nghị quyết về học phí theo khung học phí mới tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ.

Theo đó, dự kiến tỉnh Bình Định sẽ tăng học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn từ năm học 2022-2023.

Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Phú Yên cũng cho biết, Sở đang triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn.

Mức học phí mầm non, THCS, THPT áp dụng cho năm học 2022-2023 với khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng; vùng nông thôn là 100.000 đồng/tháng (riêng THPT là 200.000 đồng/tháng); vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 đồng/tháng (riêng THPT là 100.000 đồng/tháng). Mức học phí này cao hơn so với hiện hành.

TP Hồ Chí MinhHà Nội vừa công bố dự thảo nghị quyết về việc tăng học phí từ năm học 2022-2023 với mức học phí tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022.

Theo dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 do Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh đã công bố, ngoài học sinh ở bậc tiểu học không bị thu học phí, thì học phí của các bậc học khác tại thành phố đều tăng so với mức hiện tại. Trong đó, ở nhóm 1 (thành thị), học sinh khối THCS sẽ có thể đóng mức học phí mới cao gấp 5 lần mức hiện hành.

Tại Hà Nội, nếu so sánh mức học phí mới được thành phố đưa ra dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023 theo từng cấp và khu vực, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, thì học phí các bậc còn lại đều tăng gấp đôi năm học trước.

Theo lý giải của Sở GDĐT Hà Nội, dự thảo học phí mới của thành phố được xây dựng theo khung học phí của Chính phủ tại Nghị định 81/2021. Thành phố chia các địa phương thàng 4 vùng: thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mỗi nơi một mức học phí khác nhau.

Hà Nội dự kiến áp dụng mức thấp nhất với mọi vùng và cấp học, rồi tăng tiếp trong những năm sau. Mỗi năm tăng tối đa 7,5%. Nghĩa là đến năm 2025, mức trần học phí hàng tháng đối với vùng 1 có thể là 540.000 đồng (với bậc mầm non) và 650.000 đồng (THCS và THPT) ở thành thị - mức này chỉ bằng mức trần của năm 2022 theo khung Nghị định 81, không quá cao.

Tăng theo lộ trình hợp lý

Như vậy, bên cạnh nỗi lo về giá sách giáo khoa tăng gấp 2, 3 lần, năm học tới đây, phụ huynh, học sinh sẽ thêm gánh nặng lớn khi học phí tăng mạnh.

Về vấn đề học phí, ThS Nguyễn Văn Đông, Học viện Ngân hàng cho biết, học phí bậc phổ thông được xây dựng trên nguyên tắc cân đối với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm; nằm trong khung quy định của Chính phủ.

Số tiền tăng thêm học phí một phần để cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại để chi sự nghiệp giáo dục hằng năm, bổ sung cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khôi phục kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19, ông Đông cho rằng, việc tăng học phí cần sự tính toán hợp lý hơn và đồng thuận cao hơn từ người dân.

Chuyên gia lo ngại việc tăng học phí đột biến sẽ ảnh hưởng tới cơ hội học tập của học sinh.

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội cựu Giáo chức Việt Nam cho rằng, tăng mức học phí là việc cần thiết trong điều kiện hiện nay khi kinh phí Nhà nước cấp cho các nhà trường còn hạn hẹp, không đủ chi trả lương giáo viên, trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất, đầu tư cho trường lớp...

Tuy nhiên, GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành cũng không đồng tình với việc tăng mức học phí vào năm học tới đây vì đây là giai đoạn người dân, doanh nghiệp đang bắt tay vào phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thời gian qua, nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là những gia đình nghèo. Chuyên gia này lo ngại, việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng tới cơ hội học tập của học sinh.

“Chúng ta không nên nghe những lời ca ngợi rằng Việt Nam đang phục hồi tốt sau đại dịch để từ đấy tăng học phí. Việc tăng học phí đột biến gấp nhiều lần có khả năng tạo nguy cơ mà trong khoa học gọi là bước sốc cho phụ huynh.

Vì vậy, việc làm này cần phải có lộ trình hợp lý và kèm theo đó là giải pháp hỗ trợ học sinh nghèo bằng học bổng, giảm mức học phí cho các em”, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng ‘sốc’ học phí, học sinh có được hưởng lợi?