Tặng sông một đóa hoa

DIÊN KHÁNH 16/07/2023 07:05

Mỗi lần đến với Bắc Giang, tôi lại được trở về với mảnh đất gần gũi, với sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam gần gũi thân thương, đi vào tiềm thức, đi vào giấc mơ, vào thơ ca, hội họa, vào cả tiếng ái trữ tình. Sông gợi cho ta năng lượng tích cực để sống, làm đẹp đời sống.

Sông uốn mình nương theo thời gian, mưa nắng, trao tặng vẻ đẹp cho đồng, cho làng suốt bốn mùa, tưới tắm cho mùa màng, cho con người những sản vật để góp phần làm cho cuộc sống thêm ấm no. Có con sông nhỏ làm cho con thuyền của trai gái yêu nhau trở nên trữ tình trong đêm trăng sáng, thành chứng nhân chứng minh tình yêu lứa đôi. Bến sông còn là nơi tiễn người làng ra đi và đón người làng trở về. Bao nhiêu năm sông cứ da diết đợi chờ trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, trước sự quằn quại của bão gió. Nên có người ví, sông quê không chỉ là sông, mà còn là người bạn, là thực thể sinh động mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Sông Thương (Bắc Giang).

Nhắc đến sông Thương là nhắc đến những con sông giàu chất thơ, hiền hòa và bình lặng. Người Bắc Giang tự hào lắm, bởi thiên nhiên đã ưu ái dành cho người dân nơi đây con sông xanh mướt mát. Sông Thương đi vào nhiều bài hát, bài thơ nổi tiếng và chẳng ít bạn viết trẻ khi về Bắc Giang đã xúc động, viết tiếp những bài thơ. Bao giờ đến với Bắc Giang, tôi cũng tự làm chuyến “phượt sông”, cũng như cách người ta khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới. Thì đây, đi để cảm nghiệm, quan sát đời sống, hít hà làn gió mát hay chỉ để ngắm lũy tre xanh cuối chiều có đàn chim bay ngang. “Phượt sông” vì thế đâu có gì to tát. Chỉ là cách nói khác khi mình về gặp lại người bạn mến yêu tuyệt với. Khi thăm sông Thương, tôi cũng nghĩ đến con sông quê mình. Con sông tắm mát tuổi thơ và nuôi dưỡng những ước mơ. Nên tôi thường nhẩm bài thơ “Sông Thương tóc dài” của Hoàng Nhuận Cầm: “Mai đành xa sông Thương thật thương/ Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh”. Cũng có khi cất lên lời bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà/ Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi/ Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà...”.

Cách đây nhiều năm, nhạc sĩ Nguyễn Thái Long đã kể chuyện về chàng nhạc sĩ gốc Nam Định tài hoa - Đặng Thế Phong. Chính từ cảm thức về dòng sông, ông đã viết những ca từ đầy thổn thức để làm nên “Con thuyền không bến” (năm 1940). “Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong/ Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng/ Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu/ Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu”. Khoảng giữa năm 1942, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bài hát lần đầu tiên được ca sĩ Vũ Thị Hiển trình bày làm xôn xao dư luận. Năm 1966, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết thơ: “Sao tên sông lại là Thương/ Để cho lòng anh nhớ?/ Người xưa bảo đây đôi lòng lệ nhỏ/ Những suối buồn gửi tới mênh mang/ Đò về Nhã Nam/ Đò qua Phủ Lạng/ Mưa chiều nắng rạng/ Đã bao năm?/ Nỗi đau cũ thật không cùng…”.

“Phượt sông”, chẳng thể nào bỏ qua sông Cầu. Bên này là Bắc Giang, bên kia là Bắc Ninh. Dòng sông này cũng hằn in bao trầm tích lịch sử, cũng trở thành niềm cảm hứng cho bao tao nhân mặc khách. Bao làn điệu Quan họ cũng ngân nga được cất lên từ những ngôi làng ven sông. Sông tưới tắm cho đồng, cho mùa màng, gìn giữ dải lụa làng và làm chứng nhân cuộc sống.

Được sông tặng nhiều, có lúc nào chúng ta tự hỏi, mình đã tặng lại gì cho dòng sông? Chúng ta tự hỏi mình phải làm gì để trả nghĩa cho bao ân tình mà sông đã dành cho con người? Tôi từng thủ thỉ bên dòng ngọt mát, như con sông làng mình, đã hát cho sông nghe. Trong mối tâm tư, tôi hỏi sông bao nhiêu tuổi? Sông chao mình, tạo một con sóng nhẹ, ý nói rằng sông không tuổi. Tôi hỏi sông, khi đã tặng con người bao thứ sản vật vô giá, sông không đòi hỏi gì sao? Có đàn cò trắng rập rờn phía trong xanh, như thể bảo rằng sông cống hiến vô điều kiện. Vậy chẳng có cơ gì, ta lại không đáp đền, trả nghĩa cho sông bằng cách làm đẹp sông, cùng giúp trong xanh dòng nước, để sông bền bỉ dâng hiến cái đẹp của mình cho người. Khoan nói đến những việc lớn lao. Hãy làm những điều nhỏ nhất, như tặng sông một đóa hoa nhỏ, bằng một hành động giúp sông không phải oằn mình trong ô nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tặng sông một đóa hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO