Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12%. Đây là một nội dung được nhiều người chú ý trong dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi của Bộ Tài chính.
Theo đó, việc giảm thuế MFN sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động. Cùng đó cũng là để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt.
Giới chuyên gia tài chính nhận định, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ, xăng không pha chì cũng không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng do xăng nhập khẩu theo thuế suất này chiếm tỷ trọng không nhiều trong tổng lượng xăng tiêu thụ của cả nước.
Dẫu vậy, đó cũng là dấu hiệu tích cực khi giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao và giá dầu thô trên thế giới cũng rất cao, nhiều biến động.
Giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (nếu được chấp thuận) sẽ là đợt giảm thuế thứ hai với xăng dầu sau lần giảm Thuế Bảo vệ môi trường mới đây. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị giảm mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Cụ thể: từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12, Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn sẽ giảm 50% và Thuế Bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa giảm 70%. Theo đó, xăng giảm 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg.
Cũng cần nhắc lại, với mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế, bao gồm Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Nhập khẩu, Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Thuế Bảo vệ môi trường.
Sau khi việc giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được áp dụng thì có điều chỉnh giảm giá, nhưng không được như kỳ vọng vì mức giảm thấp. Gần đây nhất, sau 3 phiên giảm (mỗi phiên cách nhau 10 ngày), thì xăng dầu lại lên giá (từ chiều ngày 21/4): Giá xăng E5RON92 tăng thêm 660 đồng/lít, từ mức giá 26.479 đồng/lít tăng lên 27.139 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 680 đồng/lít, từ 27.313 đồng/lít tăng lên 27.993 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng ghi nhận mức tăng.
Điều đó cho thấy, trong ngắn hạn việc kéo giảm giá xăng dầu trong nước là khó khăn, cho dù Chính phủ đã rất nỗ lực kéo giảm để tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch và cũng là để kiềm chế lạm phát khi mà giá nhiều mặt hàng lên theo giá xăng dầu.
Nếu Thuế Nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì được chấp thuận thì sẽ có 2 trong 4 loại thuế đối với xăng dầu được giảm. Điều đó một lần nữa cho thấy nỗ lực của Chính phủ, trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới ở mức rất cao trong vòng 40 năm qua, khi mà nguồn cung hạn chế. Cũng cần phải thấy rằng, nhiều quốc gia giàu có đã xả kho dự trữ với khối lượng rất lớn nhưng cũng không kéo giảm được giá xăng dầu.
Có thể nêu ví dụ từ nước Mỹ. Ngày 31/3, Tổng thống Joe Biden yêu cầu xuất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dầu chiến lược quốc gia Mỹ trong vòng 6 tháng liên tiếp (180 triệu thùng), nhằm kìm hãm giá năng lượng tăng vọt sau khi Washington và đồng minh áp các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy với Nga. Trong khi đó, CNN Business cho biết người tiêu dùng Mỹ đang phải mua xăng với giá cao chưa từng thấy. Giá bình quân trên toàn quốc ở Mỹ cho một gallon xăng loại thường đạt mức 4,14 USD/gallon (tương đương khoảng 25.200 đồng/lít). Mức giá này “xô đổ” kỷ lục cũ là 4,11 USD/gallon của giá xăng ở Mỹ vào tháng 7/2008.
Trong bối cảnh đó, việc giá xăng trong nước từ gần 28.000 đồng/lít giảm xuống mức 25.000 đồng/lít (cùng đó là giá các loại dầu được giảm giá tương ứng) như ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế là khó đạt được. Tuy nhiên, với việc tiếp tục giảm một số loại thuế đối với xăng dầu là cần thiết, vì sẽ từ từ kéo giảm giá mặt hàng chiến lược này trong lúc thị trường thế giới chao đảo. Điều đó cũng làm tăng sức chống chịu cho nền kinh tế sau hơn 2 năm gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19; góp phần tích cực ổn định giá cả thị trường, từ đó bữa ăn hàng ngày của người dân cũng sẽ được cải thiện.