Khi điểm chuẩn được công bố cũng là lúc cuộc sống của các tân sinh viên bắt đầu. Để làm quen với môi trường mới, tân sinh viên cần trang bị cho mình thêm nhiều kỹ năng sống và đặc biệt cần xây dựng chiến lược học tập hiệu quả...
Đề phòng cạm bẫy từ việc làm online
Cầm trên tay tờ giấy báo nhập học là một niềm tự hào đối với bất cứ học sinh nào. Nhưng niềm vui, sự háo hức kéo dài chưa được bao lâu thì hầu hết các tân sinh viên lại phải đối mặt với nỗi lo lắng về những việc phải chuẩn bị trước khi bước vào giảng đường đại học (ĐH).
Đáng lưu tâm nhất là chuyện nhiều sinh viên năm nhất bị lừa khi tham gia các công việc làm thêm trên Facebook. Chẳng hạn như các nhóm Facebook thường có rất nhiều bài tuyển cộng tác viên viết content (nội dung) nhưng nếu không tỉnh táo thì rất dễ bị lừa. Bạn V. T. B. (sinh viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Mình nhận công việc viết bài SEO với mức tiền công khá hời là 30.000 đồng cho 1 bài viết khoảng 150 từ. Người giao việc cho mình cam kết khi viết xong bài cho 1 tháng thì họ sẽ chuyển khoản tiền cho mình. Tổng cộng mình đã viết 30 bài trong tháng đó, tính ra là 900.000 đồng nhưng nhận bài xong thì họ cũng biến mất luôn. Công sức của mình làm 1 tháng mất trắng”.
Trường hợp khác, bạn N. M. A. (sinh viên Trường ĐH Mở) khi mới bước vào cánh cổng trường ĐH đã cả tin, đặt cọc tiền để được cung cấp tài khoản làm thêm. M. A. cho biết: “Mình vào link và có một người xưng là chủ bài đăng hướng dẫn công việc là phải nạp 150.000 - 200.000 đồng vào để được cấp tài khoản làm việc. Nạp tiền xong liên lạc lại thì không tìm thấy bài đăng đâu nữa, nhắn tin cũng không được. Vậy là đã không nhận được việc làm mà còn mất oan tiền cọc”.
Không khó để tìm ra những lời quảng cáo về việc làm online nhan nhản tại các hội nhóm tìm việc làm thêm trên mạng xã hội. Công việc hấp dẫn, nhẹ nhàng với mức thu nhập hấp dẫn, độ tuổi được chọn thường là các bạn trẻ, đặc biệt sinh viên năm nhất là mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo nhắm tới. Chưa kể việc làm thêm không có hợp đồng lao động cũng khiến sinh viên trở thành những người lao động yếu thế.
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà - giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM cho biết những kẻ lừa đảo thường lợi dụng tâm lý bỡ ngỡ, nhu cầu tìm kiếm việc làm của tân sinh viên để chiếm đoạt tài sản. “Để không gặp phải những sự cố đáng tiếc, tân sinh viên cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tạo cơ hội cho kẻ xấu thực hiện ý đồ, bằng cách kiểm tra thông tin với nhiều nguồn đáng tin cậy. Bên cạnh đó, tân sinh viên cũng nên tự bảo vệ tài sản cá nhân cẩn thận, trong trường hợp cần thiết có thể nhờ sự hỗ trợ của pháp luật”, thạc sĩ Thanh Trà nói.
Bắt kịp với phương pháp học tập mới
Bên cạnh việc đề phòng cạm bẫy từ những công việc online, các tân sinh viên cần đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng phương pháp học tập. ĐH là môi trường khác xa với trường cấp 3, từ quy mô, phương pháp giảng dạy, đến cơ sở vật chất... Vì vậy tân sinh viên cần phải bắt kịp với phương pháp học tập mới để thích ứng và tích lũy kiến thức, kỹ năng trong 4 năm học.
Tuy nhiên không phải bất cứ sinh viên nào cũng có ý chí để vượt qua những cám dỗ khi học ĐH. Đã có không ít tân sinh viên mới nhập học có tâm lý “bung, xõa”. Khi mới chân ướt chân ráo lên thành phố, các bạn có thể thích khám phá cuộc sống mới náo nhiệt, tự do hơn là lại vùi đầu vào sách vở. Một số tân sinh viên có ý nghĩ cho phép bản thân “nghỉ xả hơi” trong năm đầu tiên. Chính vì vậy, gần như cả khoảng thời gian này, không ít bạn đã rơi vào tình trạng ăn chơi quá đà, dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút. Lâu dần sẽ hình thành thói quen lười học, có thể dẫn đến hậu quả như tốt nghiệp muộn, buộc thôi học do điểm kém...
Trên thực tế, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học do không đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường, đặc biệt là ở một số trường thuộc khối kỹ thuật. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, hay tại Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, trung bình mỗi năm có tới 700 - 800 sinh viên bị buộc thôi học. Với chương trình kỹ sư 5 năm, chỉ có 60% sinh viên ra trường đúng hạn. 40% còn lại, không tính những em bị buộc thôi học, sẽ cố gắng trả nợ môn để có thể tốt nghiệp vào năm thứ 6. Còn tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, chỉ khoảng 70% sinh viên đầu vào có thể tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Có từ 5 - 6% sinh viên/khoá bị buộc thôi học do hết quả học tập yếu kém.
Nhiều ý kiến cho rằng, ĐH là ngưỡng cửa của cuộc đời, ở một môi trường mới, các bạn tân sinh viên nên chú trọng vào học tập và trải nghiệm, không nên chủ quan và đừng phung phí tiền bạc và thời gian vào những cuộc vui mà quên nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của đời sinh viên.
TS Nguyễn Thùy Linh - giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), đưa lời khuyên: Các bạn tân sinh viên nên tranh thủ trong 2 năm đầu để tập trung học tập và cải thiện những kỹ năng mềm như: Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, theo kịp tiến độ học chính khóa, kỹ năng tin học, ngoại ngữ… Học cách quản lý thời gian để cùng tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, mở rộng giao lưu và tạo mối quan hệ với thầy cô, bạn bè để nâng cao kỹ năng cần thiết. Đến năm học thứ ba, các bạn nên phân bổ thời gian hợp lý, vừa học, vừa làm những công việc liên quan đến ngành nghề, để từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá cho bản thân trong cuộc sống sau này.
4 năm ĐH là một hành trình dài để tích lũy kiến thức, do vậy, ngay từ đầu các bạn tân sinh viên hãy xây dựng cho mình một kế hoạch học tập, đề ra mục tiêu và tăng cường “sức đề kháng” cho bản thân trước những cám dỗ của cuộc đời.
Lần đầu tiên rời xa gia đình bắt đầu cuộc sống tự lập, các tân sinh viên cần chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết để có điều kiện học tập, rèn luyện, tích lũy tri thức tốt nhất trong suốt quãng thời gian học ĐH. Ở thành phố đầy đủ tiện nghi nhưng đi liền với đó là những cạm bẫy từ tệ nạn xã hội như: Lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi hay những phức tạp đến từ việc tham gia vào kinh doanh đa cấp... Chính vì những mối nguy đó mỗi tân sinh viên cần trang bị cho bản thân ý thức phòng tránh những tệ nạn xã hội, đặt ra giới hạn và sống có quy tắc.