Tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Hồ Hương (thực hiện) 08/10/2017 06:00

Kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu khởi sắc, cùng với môi trường kinh doanh được kỳ vọng tiếp tục được cải thiện sẽ tác động tích cực đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định: Tôi tin là năm 2018 sẽ hoàn thành được kế hoạch cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, thoái vốn tại 181 doanh nghiệp vì lĩnh vực này hiện rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước với mục tiêu lớn là để DN làm ăn hiệu quả hơn, nhưng kèm với đó không để thất thoát vốn nhà nước. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định: Quá trình cổ phần hóa hiện nay đã rất rõ ràng, minh bạch, cụ thể, điều này làm tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.


Ông Đặng Quyết Tiến.

Thưa ông, trong 9 tháng đầu năm chỉ cổ phần hóa xong 11 DNNN, trong khi mục tiêu cả năm là con số 44. Mục tiêu năm 2017 phải thu cho ngân sách nhà nước 60.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, song hiện tại số tiền đưa về chỉ dừng ở 20.000 tỷ đồng. Ông đánh giá ra sao về những con số này?

Ông Đặng Quyết Tiến: Việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra do một số nguyên nhân như: Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị DN. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Tuy nhiên cần nói rằng, tiến độ CPH, thoái vốn thường được tập trung vào quý IV, hiện vẫn còn 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2017, nên không thể kết luận năm nay có hoàn thành mục tiêu hay không.

Có nhiều DN đăng ký thực hiện cổ phần hóa, nhưng trong quá trình thực hiện lại rất ì ạch?

DN đã đăng ký CPH, thoái vốn rồi, nhưng thực hiện chiếu lệ, đối phó thì lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm tương tự như DN lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đã được cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý phê duyệt mà không hoàn thành kế hoạch. Thậm chí, lãnh đạo DN cũng có thể bị xử lý ngay cả trong trường hợp đã nỗ lực, cố gắng nhưng không hoàn thành mục tiêu vì DN đăng ký lộ trình CPH, thoái vốn không căn cứ vào yếu tố thị trường, lập kế hoạch không sát với thực tế.

Năm 2018 sẽ CPH 64 DN, thoái vốn tại 181 DN. Theo ông, mục tiêu này liệu có quá sức?

Tôi tin là năm 2018 sẽ hoàn thành được kế hoạch vì lĩnh vực này hiện rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các DN Việt Nam là 4.510,8 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm nay có khoảng 3.380 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3.500 triệu USD.

Trước đây chúng ta nói thoái vốn, CPH nhưng không rõ thoái bao nhiêu, ở DN nào, CPH DN nào, thời điểm ra sao, nên nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà. Bây giờ mọi thứ đều công bố cụ thể, rõ ràng… khi nào CPH đã rất rõ ràng, minh bạch, cụ thể, nên đã tăng sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về CPH DNNN đã được nhiều lần đưa ra. Cách đây 3 tháng, Dự thảo này cũng đã được công bố, và thời điểm này Cục Tài chính doanh nghiệp lại tiếp tục trình mới. Vậy tại sao Dự thảo vẫn chưa được thông qua và lần này có điểm gì mới?

Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định về CPH DNNN theo hướng quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại DN để CPH, thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm quyết định CPH; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013.

Đặc biệt, nhằm hạn chế tình trạng các ông chủ bỏ tiền chỉ vì đất, Dự thảo đã bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện như: Có đủ tư cách pháp nhân; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế; có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược trong việc:

Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3 năm. Nhà đầu tư chiến lược không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm và phải có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực...; các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký.

Dự thảo cũng quy định rõ quy trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai.

Nhưng điều quan trọng nhìn từ cổ phần hóa DNNN là làm sao xử lý được các vấn đề về tài chính trước. Và đặc biệt, trong quá trình CPH cũng được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước?

Chính vì điều này mà Dự thảo nghị định mới bổ sung thêm nhiều văn bản hướng dẫn để DN cũng như nhà đầu tư làm theo. Cụ thể như có hướng dẫn xử lý tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam sau khi công ty liên doanh kết thúc thời hạn hoạt động trong trường hợp hợp đồng (Giấy phép đầu tư) góp vốn liên doanh có điều khoản “kết thúc thời hạn hoạt động của công ty liên doanh, toàn bộ tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam” khi liên doanh kết thúc. Giá trị tài sản chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam quản lý theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. DN CPH phải công bố công khai cho các nhà đầu tư biết.

Về xác định giá trị vốn góp của DN CPH vào công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom) mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm xác định giá trị DN thì được xác định theo phương pháp vốn chủ như các DN chưa niêm yết.

Trường hợp giá trị vốn đầu tư của DN CPH tại DN khác khi đánh giá, xác định lại có giá trị thực tế thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì được xác định theo giá trị thực tế xác định lại, nhưng mức giảm tối đa bằng số vốn góp thực tế đang hạch toán trên sổ kế toán của DN.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại