Việc số hóa và đưa các giá trị di sản văn hóa lên các nền tảng mạng xã hội đang trở thành xu hướng phổ biến. Đây là cách tiếp cận mới nhằm lan tỏa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, số hóa di sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản...
Làm sống động các di sản
Mới đây, TikTok ra mắt chương trình “Đổi mới và bảo tồn di sản trong thế giới số” thu hút sự quan tâm không chỉ của giới chuyên môn. Theo đó, TikTok và các đơn vị đồng hành sẽ tập trung vào lan tỏa các di sản Việt Nam trên nền tảng Tiktok thông qua chiến dịch hashtag challenge #DiSanVietNam trên TikTok, kêu gọi cộng đồng sáng tạo nội dung về di sản nước nhà; trải nghiệm di sản bằng công nghệ thực tế ảo (VR), giúp người dùng khám phá các địa danh, bảo tàng và tác phẩm nghệ thuật qua không gian số.
Thời gian qua, trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã “bắt tay” cùng các công ty công nghệ số triển khai số hóa 3D khoảng 11.000 cổ vật, hiện vật. Cùng với đó, ra mắt khu dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo “Đi tìm Hoàng cung đã mất”, tạo mã QR để du khách tra cứu thông tin liên quan bằng thiết bị di động. Trung tâm cũng dựng lại Điện Thái Hòa theo kích thước thật, hình ảnh thật nhằm lưu giữ lại yếu tố gốc, tạo cơ sở so sánh, đối chiếu trong quá trình trùng tu, quảng bá lên không gian số.
Ứng dụng chỉ đường trong Đại Nội, thuyết minh bằng QR code và công nghệ định vị, cùng với hệ thống camera giám sát, AI nhận diện lưu lượng khách, wifi miễn phí... đã giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm và điều hành di tích. Nhiều điểm di tích đã được số hóa bằng công nghệ 360 độ và tạo bản đồ du lịch 3D để phục vụ tra cứu và khám phá.
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết hiện Trung tâm đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu số về Tuồng cung đình Huế, sưu tầm 41 bài bản Nhã nhạc, phục dựng 17 tiết mục Ca chương, xây dựng 22 hồ sơ khoa học và quảng bá di sản ở 9 quốc gia…
Còn nếu đến tham quan Đền thờ Vua Hùng tại huyện Phú Riềng (Bình Phước) thay vì phải có hướng dẫn viên thì giờ du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh để quét mã QR, từ đó nhanh chóng truy cập các thông tin cần thiết về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của di tích. Việc sử dụng mã QR là một phương thức truyền tải thông tin hiệu quả và hiện đại, giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn và ý nghĩa hơn...
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, khẳng định việc số hóa sẽ giúp di sản trở nên sống động và gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thông qua mạng xã hội và các nền tảng số, di sản đã có một đời sống mới, gần gũi và dễ tiếp cận với mọi người hơn. Đây cũng chính là cách làm hiệu quả để góp phần bảo tồn di sản.
Khi di sản có đời sống mới
Nhiều loại hình di sản như tuồng, cải lương, áo dài, kiến trúc đình chùa, hay những bản sắc văn hóa vùng miền đang được số hóa dưới dạng tư liệu hình ảnh, mô hình 3D, phim tài liệu hoặc các sản phẩm truyền thông số.
Không dừng lại ở việc tiếp nhận, người trẻ đã chủ động tham gia vào quá trình số hóa và bảo tồn di sản, đồng thời khai thác các yếu tố truyền thống như nguồn cảm hứng cho các sản phẩm sáng tạo như: Thời trang, âm nhạc, phim ảnh… Qua đó, giúp di sản được "hồi sinh" trong đời sống hiện đại.
Đây được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, góp phần đưa văn hóa trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Khi di sản được số hóa, nó trở nên dễ tiếp cận hơn đối với công chúng, đặc biệt là giới trẻ và cộng đồng quốc tế, qua các nền tảng trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ AR/VR, 3D scanning... giúp người dùng có thể “tham quan” bảo tàng, di tích ngay tại nhà.
Th.S Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển) cho rằng, trong các nền tảng mạng xã hội, TikTok đang nổi lên như một công cụ truyền thông đầy tiềm năng trong việc lan tỏa các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
“TikTok với đặc trưng là những video ngắn, hình ảnh sinh động, âm thanh hấp dẫn và cách thể hiện sáng tạo, đã mở ra một không gian mới để kể lại những câu chuyện văn hóa tưởng chừng khô khan theo cách dễ tiếp cận và dễ gây đồng cảm hơn. Không chỉ là một nền tảng giải trí đơn thuần, TikTok đang dần trở thành một phương tiện kể chuyện bằng hình ảnh vô cùng hiệu quả” – ông Tới chia sẻ.
Khi các yếu tố như thị giác, âm thanh và câu chuyện được kết hợp một cách hài hòa, những giá trị văn hóa – từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian cho đến các nghề thủ công lâu đời – có thể được “hồi sinh” dưới một hình thức mới mẻ, gần gũi mà vẫn đầy tính thuyết phục. Điều này không chỉ tạo cảm hứng cho người xem, mà còn khơi gợi lòng tự hào và ý thức gìn giữ văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ: “Số hóa di sản giúp ngành du lịch phát triển mạnh hơn, tạo ra các sản phẩm du lịch thông minh, hấp dẫn, phục vụ quảng bá hình ảnh quốc gia”. Nhiều bảo tàng, di tích đã tạo tour ảo 360 độ, giúp học sinh, sinh viên và khách du lịch học hỏi văn hóa lịch sử một cách sinh động.
Nguy cơ biến dạng di sản nếu không kiểm soát chặt chẽ
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc số hóa di sản cũng đặt ra những câu hỏi lớn: Liệu công nghệ có thể truyền tải trọn vẹn giá trị tinh thần của di sản. Việc làm mới di sản có dẫn đến "biến tấu" quá đà hoặc sử dụng hình ảnh di sản chỉ để câu view, thu hút sự chú ý có thể làm méo mó giá trị nguyên gốc...
Một số chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại về việc thiếu kiểm duyệt nội dung sẽ khiến các thông tin sai lệch, thiếu nguồn gốc, không kiểm chứng có thể lan truyền nhanh, gây nhầm lẫn cho công chúng.
Th.S Nguyễn Đắc Tới cho rằng, chính sự lan tỏa mạnh mẽ và tính đại chúng của các nền tảng mạng xã hội đặt ra những thách thức không nhỏ. Nếu việc truyền tải không được định hướng hoặc giám sát cẩn thận, nội dung dễ bị cắt xén, bóp méo, dẫn đến việc hiểu sai hoặc làm giảm giá trị nguyên bản của di sản.
“Chúng ta không thể chỉ chạy theo sự hấp dẫn thị giác mà bỏ qua tính xác thực văn hóa. Vì vậy rất sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn như bảo tàng, viện nghiên cứu với các nhà sáng tạo nội dung để đảm bảo rằng mỗi video lan tỏa trên nền tảng này đều mang theo giá trị đúng đắn, góp phần bảo tồn chứ không làm sai lệch bản sắc” - ông Tới nhấn mạnh.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ cũng cảnh báo về nguy cơ biến dạng di sản nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Ông cho rằng, cần phải đảm bảo rằng, công nghệ không làm mất đi bản sắc gốc của di sản.
Ngoài ra, một vấn đề cũng rất bức bối đó là bản quyền và quyền sở hữu. Việc chia sẻ tự do khiến việc kiểm soát bản quyền gặp khó khăn, dễ dẫn đến tình trạng sử dụng hình ảnh, nội dung mà không xin phép.
Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia văn hóa, nhà sáng tạo nội dung và nền tảng công nghệ để đảm bảo tính chính xác và giá trị thực tiễn của nội dung số về di sản. Ví như để bảo vệ bản quyền và tránh tình trạng hiểu sai lệch khi số hóa di sản văn hóa thì cần xác định rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng giữa đơn vị số hóa và cộng đồng hoặc tổ chức quản lý di sản. Việc số hóa cần đi kèm thuyết minh đầy đủ, đảm bảo ngữ cảnh văn hóa không bị bóp méo, đồng thời kiểm soát việc chỉnh sửa, tái sử dụng thông qua các giấy phép rõ ràng, hạn chế sử dụng sai mục đích.
Với các di sản phi vật thể, cần có sự tham vấn và đồng thuận từ cộng đồng sở hữu để bảo đảm tính chính xác và tôn trọng yếu tố linh thiêng. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin giáo dục và hướng dẫn đi kèm nội dung số hóa là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, giúp công chúng tiếp cận di sản một cách đúng đắn và có trách nhiệm.