Với tín hiệu khả quan từ đầu năm 2021, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định: Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sẽ có một năm khởi sắc, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo thống kê, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2021 đạt được con số ấn tượng, 610 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tính trong tháng 1/2021, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam với 59,1% thị phần, đạt 182,9 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đó là các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ đạt 168,8 triệu USD (chiếm 5,2%, tăng 12,5%); Thái Lan đạt 157,2 triệu USD (chiếm 4,8%, tăng 109,7%); Hàn Quốc đạt 143 triệu USD (chiếm 4,4%, tăng 8,5%); Nhật Bản đạt 127,7 triệu USD (chiếm 3,9%, tăng 4,3%).
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, trong năm 2021, rau quả vẫn là mặt hàng thiết yếu cho sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, vì vậy sản phẩm rau quả vẫn có nhu cầu cao. Mục tiêu xuất khẩu của ngành rau quả trong năm 2021 là 4 tỷ USD. Đây là con số lẽ ra ngành hàng này đã đạt được trong năm 2020 nếu không có Covid-19. “Nếu tình hình khó khăn thì có thể xuất khẩu năm nay sẽ đạt mức trước dịch là khoảng 3,7 tỷ USD, bằng với năm 2019” - ông Nguyên cho biết thêm.
Với tín hiệu khả quan từ đầu năm 2021, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kỳ vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sẽ có một năm khởi sắc, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, thị trường chanh thế giới năm 2020/21 dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động bởi dịch Covid-19. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo tiêu thụ và xuất khẩu chanh thế giới niên vụ 2020/21 tăng do nhu cầu mạnh. Trong khi đó, sản lượng chanh toàn cầu năm 2020/21 được USDA dự báo giảm nhẹ xuống 8,3 triệu tấn do sản lượng ở Argentina và Mỹ giảm, mặc dù sản lượng của Liên minh Châu Âu và Mexico tăng.
Đầu năm 2021, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác, như Ai Cập, Côoet, Ukraina, Senegal... Đây kỳ vong sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA) hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới.
Khi Hiệp định có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. “Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh Quốc” - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Dù vậy, TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) vẫn lưu ý, diễn biến dịch Covid-19 khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đặc biệt là khó khăn về việc thay đổi thị hiếu và thủ tục nhập khẩu bị siết chặt do dịch bệnh. Doanh nghiệp cần tăng cường giám sát chất lượng hàng hoá, tránh vi phạm quy định của các nước về tiêu chuẩn, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm để quá trình thông quan không bị ảnh hưởng.
Nói cách khác, muốn tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu rau quả, các doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản như vùng trồng phải đạt Global GAP, nhà máy phải có chứng nhận ISO, chứng nhận xã hội, môi trường... Đây là những yếu tố cần có trước khi đàm phán với đối tác. Khi đã có khách hàng, điều cần thiết là doanh nghiệp phải tiếp tục duy trì các điều kiện này, tránh tình trạng lô hàng xuất khẩu bị hủy do không đáp ứng các điều kiện, yêu cầu đặt ra…
Cùng với xuất khẩu, thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT về tái cơ cấu nông nghiệp, ngành trồng trọt đã và đang tập trung xây dựng các vùng trồng an toàn, áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, không chỉ để xuất khẩu mà còn để đáp ứng sức mua của 97 triệu người tiêu dùng trong nước.
Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả bưởi Việt Nam có triển vọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, do nguy cơ dịch hại của quả bưởi ở mức thấp. Nhật Bản cũng không có loại quả này. Vẫn theo ông Nam, thị trường châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ lớn với bưởi và sản phẩm bưởi. Năm 2020, EU đã tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn bưởi. Thế nhưng, dù là quốc gia có diện tích trồng bưởi khá lớn (số liệu năm 2019 là khoảng gần 98.000ha, sản lượng hơn 818.000 tấn) nhưng Việt Nam lại xếp thứ 25 trong số các nước cung cấp trái bưởi cho EU.
QUỐC ĐỊNH