Theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) du lịch, đối tượng bị tác động nhiều nhất của việc tăng trần vé máy bay là khách mua vé máy bay lẻ.
Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN hàng không lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo dự thảo thông tư mới, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Cũng theo dự thảo, với các đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.
Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Ở khoảng cách đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.
Mức tối đa giá dịch vụ đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý.
Mức tối đa giá dịch vụ cũng chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường.
Theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA), đến nay thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã có tính cạnh tranh ngày càng cao, vì vậy, giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Ở thời điểm hiện tại, nước ta đã có 6 hãng hàng không đang khai thác với đủ các mô hình kinh doanh hàng không (dịch vụ đầy đủ và chi phí thấp) và các thành phần kinh tế khác nhau.
“Trên thị trường hoàn toàn không có đường bay nào khai thác độc quyền, khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều lựa chọn hãng hàng không. Các nước trên thế giới đều đang đi theo hướng nới lỏng và bỏ các quy định khung giá vé vận tải hàng không. Việc nâng giá trần giá vé trên các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn nhằm giúp các DN vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả,” ông Nề khẳng định.
Tuy nhiên đứng ở góc độ người dân, lại có lo lắng nhất định. Chị Bùi Thu Giang ( Thành phố Thủ đức – Thành Phố Hồ Chí Minh) nói, bố mẹ chị ở Hải Phòng nên hàng năm chị cùng gia đình bay ra Hải Phòng để thăm bố mẹ đẻ.
“ Chỉ tính đơn giản nhất, gia đình 4 người phải mua 4 vé, mỗi vé tăng 100.000 đồng, vị chi chi phí cho 1 chiều đã tăng 400.000 đồng, bay khứ hồi thì cả nhà phải chi tăng thêm là 800.000 đồng. Nhiều người nói giá vé tăng ít nhưng với tôi, hay phải ra Bắc thì cứ tăng là mình phải móc thêm hầu bao rồi” – chị Bùi Thu Giang nói.
Nhiều quan điểm cũng nói rằng tác động của việc tăng trần vé máy bay, đối tượng bị tác động nhiều nhất là khách mua vé máy bay lẻ, khách cá nhân tự túc mua đi ngay. Chị Thu Hoài - khu đô thị Ciputra, Hà Nội nói, cứ tăng trần giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến chi phí đi lại. Việc tăng trần giá máy bay cũng khiến nhiều DN du lịch cũng băn khoăn bởi giá vé máy bay nội địa có thể tăng cao vào dịp lễ tết.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) từng phân tích, trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động mạnh thì việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là hợp lý. Song việc tăng trần giá vé máy bay sẽ khiến giá vé đắt đỏ hơn, người tiêu dùng phải tốn kém hơn khi sử dụng dịch vụ.