Tăng trần giá vé máy bay: Làm sao để chọn được 'vé mềm'?

T.Hằng-P.Vân 15/07/2023 08:20

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Hành khách làm thủ tục bay tại sân bay Nội Bài.

Theo dự thảo Thông tư mới, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.

Cạnh tranh ngày càng cao

Cũng theo dự thảo, với các đường bay từ 500 đến dưới 850km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều, tăng 50.000 đồng so với quy định hiện hành. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, tăng 100.000 đồng. Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, mức giá tối đa 3,4 triệu đồng/vé, tăng 200.000 đồng. Với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối đa là 4 triệu đồng/vé, tăng 250.000 đồng.

Mức giá này chưa kể thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh, giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.

Đại diện Vietravel Airlines cho rằng, việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các chi phí đầu vào biến động như thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng và DN đều bị ảnh hưởng khi giá trần tăng. Lượng khách lẻ (cá nhân, nhóm bạn, gia đình) đi lại bằng máy bay chiếm khoảng 30%, khi giá vé tăng buộc họ thắt chặt chi tiêu, hạn chế đi lại. Còn khách đoàn chiếm khoảng 70% khi chi phí tăng, buộc các đơn vị du lịch phải cân đối chi phí khi mở bán các tour...

Tuy nhiên, theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA), đến nay thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã có tính cạnh tranh ngày càng cao, vì vậy, giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. “Trên thị trường hoàn toàn không có đường bay nào khai thác độc quyền, khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều sự lựa chọn. Các nước trên thế giới đều đang đi theo hướng nới lỏng và bỏ các quy định khung giá vé vận tải hàng không. Việc nâng trần giá vé trên các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn nhằm giúp các DN vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả” - ông Nề nói.

Người dân lo lắng

Chị Bùi Thu Giang (Thủ Đức, TPHCM) cho biết, bố mẹ chị ở Hải Phòng nên hàng năm chị cùng gia đình bay ra Hải Phòng để thăm. “Chỉ tính đơn giản nhất, gia đình 4 người phải mua 4 vé, mỗi vé tăng 100.000 đồng, vị chi chi phí cho 1 chiều đã tăng 400.000 đồng, bay khứ hồi thì cả nhà phải chi tăng thêm là 800.000 đồng. Nhiều người nói giá vé tăng ít nhưng với tôi thì cứ tăng là mình phải móc thêm hầu bao rồi. Bay nhiều thì tốn kém nhiều” - chị Giang nói.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động mạnh thì việc tăng trần giá vé máy bay nội địa sẽ khiến giá vé đắt đỏ hơn, người tiêu dùng phải tốn kém hơn khi sử dụng dịch vụ.

Trong khi đó, theo bà Nghiêm Anh Thư - Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Ngoại thương Hà Nội) thì cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng hàng không tư nhân, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, với linh hoạt nhiều mức giá (khoảng 10-15 mức giá), tương ứng với các điều kiện dịch vụ và thời điểm mua khác nhau.

Tuy nhiên, bà Thư cho rằng, về nguyên tắc việc điều chỉnh giá trần đối với giá vé máy bay không được vi phạm các quy định tại Luật Cạnh tranh và Luật Giá và phải dựa trên cơ sở phù hợp các điều kiện thực tế, người dân mới được hưởng lợi. Khi một hãng hàng không cung cấp một dịch vụ đòi hỏi chi phí cao hơn, cụ thể là thông số đầu vào cao hơn thì hoàn toàn có kiến nghị để điều chỉnh khung giá, qua đó sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ cung cấp cho người dân... Hành khách chọn bay giờ đẹp, loại máy bay hiện đại, với nhiều dịch vụ hơn thì phải chấp nhận giá vé cao hơn. Nếu chọn giờ bay thấp, loại máy bay ít hiện đại hơn thì giá sẽ mềm hơn.

Theo bà Nghiêm Anh Thư - Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Ngoại thương Hà Nội), Chính phủ cũng nên rà soát lại toàn bộ các quy định trong quản lý ngành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hãng hàng không tại Việt Nam, khuyến khích và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh không phải bằng cách phá giá, mà cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng sản phẩm ưu việt nhằm mang đến khách hàng sản phẩm dịch vụ tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng trần giá vé máy bay: Làm sao để chọn được 'vé mềm'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO