Trao đổi với ĐĐK về tăng trưởng kinh tế năm 2017, chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ nhìn nhận: Cách làm của Chính phủ trong thời gian qua có nhiều tích cực, đột phá, xử lý các vướng mắc. Nhưng nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong điều kiện như vậy cần phải tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài để đảm bảo tăng trưởng cao nhưng phải bền vững.
Ông Bùi Đức Thụ.
PV: Thưa ông, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức dưới 4%. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại đây vẫn là thách thức lớn, yếu tố cảnh báo về thiên tai, bão, lũ lụt vẫn hiện hữu là thách thức đối với tăng trưởng. Ông nhìn nhận ra sao về những lo ngại này?
Ông Bùi Đức Thụ: Tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 là một trong những chỉ tiêu quan trọng được Quốc hội đã thông qua. Nhiệm vụ của Chính phủ cần đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đó, bởi nếu không đạt được chỉ tiêu 6,7% sẽ khó khăn trong đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5-7% của kế hoạch 5 năm. Năm 2016 đã không đạt chỉ tiêu tăng trưởng, cho nên nhiệm vụ nặng nề của Chính phủ là phải lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện để GDP năm 2017 tăng 6,7%. Cho đến giờ với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng những tháng gần đây cao hơn, quý sau cao hơn quý trước nên có khả năng đạt 6,7%. Tuy nhiên tôi cho rằng, nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là chất lượng hoạt động của nền kinh tế đang rất thấp, năng suất lao động thấp, hàm lượng khoa học công nghệ đóng góp vào tăng trưởng còn hạn chế. Trong kinh doanh sản xuất, 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Còn số doanh nghiệp lớn đầu tàu kinh tế, là những “quả đấm thép” của nền kinh tế lại hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào vốn, hiệu quả đầu tư còn hạn chế thể hiện ở việc icor (tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm) còn cao. Trong tỷ lệ icor cao thì khu vực kinh tế nhà nước cao hơn so với các nền kinh tế khác. Điều đó chứng tỏ hiệu quả quản lý vốn đầu tư, sử dụng vốn đầu tư cũng đang còn hạn chế. Tăng trưởng có thể đạt được nhưng yếu tố làm tăng chất lượng của nền kinh tế, hiệu quả nền kinh tế dù đã có bước chuyển biến nhưng chưa rõ nét.
Vậy ông nhìn nhận thế nào về những giải pháp được Chính phủ đưa ra trong thời gian qua?
- Vừa qua Chính phủ tập trung chỉ đạo để thực hiện tăng trưởng. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, rà soát để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, phát triển các lĩnh vực còn dư địa để đạt chỉ tiêu tăng trưởng. Tôi cho rằng đó là những chỉ đạo thiết thực. Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, ách tắc. Bộ Công thương đã bỏ nhiều thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh, đầu tư trong và ngoài nước. Đó là những cố gắng. Tăng trưởng vừa qua tương đối đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Ý kiến của ông khi nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng mạnh trong thời gian qua lại dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI?
- Một trong những mũi nhọn thực hiện tăng trưởng đột phá trong những tháng gần đây chính là tăng trưởng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có đầu tư của Samsung. Đó là sức kéo quan trọng đối với nền kinh tế. Nhưng cũng cần lưu ý đánh giá hoạt động của khu vực này. Bởi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng nhanh nhưng thực chất tăng trưởng FDI mới nặng về gia công chế biến nên tỷ trọng đóng góp tăng thêm là không cao. Theo tôi đã đến lúc chúng ta cần tổng kết lại đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế. Dù mặt tích cực đã rõ là tạo công ăn việc làm, đóng góp cho tăng trưởng, tăng trưởng xuất khẩu song đồng thời cũng phải tính đến các mặt khác xem những tồn tại hạn chế gì? Nhất là vấn đề sử dụng lao động rẻ của chúng ta. Hiện tại có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ sử dụng lao động rẻ và lao động trẻ. Có nhiều người lao động ngoài 35 tuổi bị sa thải bằng nhiều cách khác nhau như nâng mức khoán, nâng điều kiện lao động lên khiến tự khắc phải bỏ, dẫn đến người lao động mất việc làm. Vậy cơ hội tìm kiếm việc làm mới, chuyển đổi ngành nghề, việc làm như thế nào? Đó chính là vấn đề rất lớn.
Theo ông, để đảm bảo tăng trưởng ổn định từ nay đến cuối năm, đặc biệt là sang năm 2018 cần quan tâm đến những vấn đề nào? Nhất là Chính phủ đã đưa ra dự kiến mức tăng trưởng cho năm 2018 là ở mức 6,5%?
- Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và dự kiến năm 2018 cũng phải nới lỏng tài khóa tiền tệ. Năm 2017 Quốc hội duyệt bội chi ngân sách nhà nước theo phương pháp tính mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Bội chi là 3,5% GDP và khả năng giữ ở mức này. Nhưng năm 2018, Chính phủ vừa xây dựng phương án tới đây trình ra Quốc hội bội chi ngân sách nhà nước 3,7% GDP. Như vậy chi sẽ tăng cao hơn, thu thấp hơn dẫn đến bội chi giãn ra làm đe dọa an ninh tài chính. Nếu Quốc hội quyết định bội chi tăng lên 3,7% thì nợ công/GDP cao hơn so với năm 2017. Hiện tại nợ công dù đã ở mức cho phép nhưng vẫn ở mức cao. Cho nên cần lưu ý về chính sách trong năm tới.
Trong chính sách tiền tệ, Chính phủ muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 và muốn duy trì tốc độ này ở mức 6,5% trong năm 2018 thì tiếp tục phải nới lỏng tiền tệ. Ngay từ năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo cho phép hệ thống các tổ chức tín dụng ngân hàng tăng trưởng dư nợ tín dụng có thể đến 21%. Đó là vấn đề cần cân nhắc hết sức thận trọng vì những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng vào khoảng 14-16%, năm cao nhất đạt 17-18%. Nhưng bây giờ nới lỏng tín dụng lên thì theo tôi không được giảm điều kiện cho vay. Nếu giảm điều kiện cho vay xuống để đưa tiền ra cho nền kinh tế dẫn đến rủi ro tín dụng rất lớn, và nợ xấu có nguy cơ tăng lên.
Nợ xấu hiện tại trong những năm qua tăng dưới 3%, nhưng số nợ xấu chưa giải quyết được bây giờ nới lỏng cho vay lên. Nếu điều kiện cho vay giảm xuống thì nguy cơ tín dụng đe dọa an ninh tiền tệ rất lớn. Mặt khác, dư nợ cho vay nâng lên mức 21% thì vấn đề đặt ra là nền kinh tế có hấp thụ được không?. Bởi nếu như nhu cầu vay vốn cao nhưng chất lượng của nền kinh tế, chất lượng tín dụng không đảm bảo thì nợ xấu tăng lên và đe dọa an ninh tiền tệ. Cho nên đây là vấn đề cần lưu ý.
Nâng trần dư nợ cho vay lên 21% thì vấn đề dòng chảy tín dụng sẽ vào đâu? Chúng ta đang cần chính là tiền đổ vào sản xuất kinh doanh, để phát triển kinh tế ở những ngành, lĩnh vực có hiệu quả có lợi thế cạnh tranh chứ không phải đổ vào sản xuất kinh doanh bằng mọi giá. Tôi đang lo nếu không kiểm soát được, dòng tiền tín dụng lại chảy vào bất động sản. Bất động sản vừa qua “bong bóng” rồi, nhiều năm tập trung chính sách đang muốn cho “xì hơi” nhưng chưa được nhiều. Bây giờ nới lỏng tiền tệ, tín dụng nếu không kiểm soát được để chảy vào lĩnh vực bất động sản sẽ lại đe dọa thị trường, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Phải tính đến những hạn chế có thể nảy sinh để quản lý, điều hành có hiệu quả. Khắc phục những mặt trái có thể sẽ phát sinh trong thời gian tới để duy trì kinh tế phát triển nhanh, ổn định, bền vững có hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!